TP.HCM tăng tốc chuyển đổi số: Chuyển động từ cơ sở

22/09/2024 06:16 GMT+7

Những mô hình mới của quận, phường không chỉ giải quyết bài toán thực tiễn của cơ sở mà còn là minh chứng sinh động để nhân rộng ra toàn TP.HCM.

Thêm phần mềm, tăng tiện ích

Năm 2017, Q.1 và Q.12 được TP.HCM chọn làm nơi thí điểm đề án đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020 rồi nhân rộng ra các địa phương khác. Đến nay, cả hai địa phương trên tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.

TP.HCM tăng tốc chuyển đổi số: Chuyển động từ cơ sở- Ảnh 1.

Trung tâm giám sát hình ảnh tại Công an P.Tân Hưng Thuận (Q.12, TP.HCM)

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Ông Hồ Minh Hoàng, Chánh văn phòng UBND Q.12, cho biết nhờ triển khai đề án đô thị thông minh, người dân có thể thông qua mạng internet liên hệ, thực hiện thủ tục hành chính, tra cứu, theo dõi tiến độ xử lý và nhận thông báo kết quả xử lý. Từ tháng 5.2017, UBND quận triển khai việc tiếp nhận hồ sơ hành chính qua Cổng dịch vụ công trực tuyến Q.12.

Hiện tại, UBND Q.12 đang vận hành phần mềm văn phòng điện tử với các chức năng xử lý nội nghiệp thuận tiện trong công tác quản lý và điều hành, trao đổi, luân chuyển văn bản điện tử trong thực hiện nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị. Ở lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên môi trường (GIS), phần mềm phân tích ảnh viễn thám giúp phân loại, tách đối tượng công trình xây dựng, đánh giá biến động so với dữ liệu quy hoạch để xác định công trình trái phép.

Đối với việc giải quyết thủ tục hành chính, UBND Q.12 đầu tư nâng cấp trang thiết bị như máy vi tính, máy quét và nâng cấp đường truyền kết nối mạng internet, thanh toán điện tử. Quận này đã phối hợp Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương thu thuế nhà đất (lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí chuyển quyền sử dụng đất) tại bộ phận một cửa. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tăng lên, 3 tháng gần nhất đạt hơn 80%, tỷ lệ hài lòng của người dân trong việc thực hiện thủ tục hành chính trên 99%.

Áp dụng công nghệ để cho thuê vỉa hè

Là quận trung tâm TP.HCM, UBND Q.1 tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hành chính, nổi bật với nhiều mô hình như: Tiếp nhận hồ sơ không giấy, cấp giấy phép xây dựng điện tử, ứng dụng (app) hệ thống thông tin địa lý quản lý hộ kinh doanh.

Đến đầu tháng 5.2024, UBND Q.1 thí điểm 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa và ra mắt phần mềm Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố Q.1. Nếu như trước đây, người dân muốn sử dụng vỉa hè phải lên phường, quận đăng ký, điền phiếu thì nay đăng ký qua phần mềm, nộp phí qua thanh toán điện tử.

Phó chủ tịch UBND Q.1 Vũ Nguyễn Quang Vinh cho biết mô hình này giúp việc đăng ký được khoa học, minh bạch và thuận lợi hơn, người dân có thể đăng ký mọi lúc mọi nơi. Thực tế, nhiều trường hợp đăng ký từ 17 - 24 giờ, kể cả thứ bảy, chủ nhật. Như vậy, việc đăng ký qua phần mềm không chỉ giúp giảm tải công việc cho UBND 10 phường, UBND Q.1 nói riêng mà còn tăng sự tiện dụng và mở rộng thời lượng tiếp cận các dịch vụ hành chính của người dân.

Sắp tới, quận sẽ đánh giá kết quả và hoàn thiện chức năng của phần mềm dựa trên các ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân và cán bộ, công chức nhằm nhân rộng mô hình này, cũng như mở rộng chuyển đổi số đối với lĩnh vực quản lý đô thị. Đáng chú ý, Q.1 là địa phương đầu tiên ở TP.HCM thí điểm thu phí sử dụng vỉa hè bằng phần mềm. Trước hiệu quả thực tế, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chủ động phối hợp Q.1 để tham khảo, nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn địa phương.

Thay đổi nhỏ, hiệu quả lớn

Tại một địa phương khác là UBND P.10 (Q.Gò Vấp, TP.HCM) từ tháng 7.2023 triển khai mô hình "Camera an ninh hỗ trợ xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường tại các điểm kinh doanh tự phát" tại tuyến đường số 1 và khu vực xung quanh chung cư Hà Đô. Hệ thống 12 camera an ninh và 3 loa phát thanh tại 9 điểm đủ để quan sát toàn bộ đường số 1 và các hẻm xung quanh. Toàn bộ chi phí thiết bị, phí thuê đường truyền internet trong 3 năm gần 100 triệu đồng từ nguồn vận động xã hội hóa và người dân đóng góp.

Camera an ninh và loa phát thanh được kết nối với máy tính và điện thoại thông minh giúp lãnh đạo phường, cán bộ phụ trách theo dõi, quan sát, ghi nhận hình ảnh vi phạm làm căn cứ xử lý mà không cần xuống hiện trường. Khi phát hiện trường hợp lấn chiếm qua điện thoại hoặc máy tính, cán bộ phát loa nhắc nhở. Nếu sau 10 phút mà người vi phạm không chấp hành, lực lượng chức năng của phường sẽ xuống lập biên bản xử phạt hành chính.

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Chủ tịch UBND P.10, cho biết mô hình giúp phường giảm nhân lực và tiết kiệm thời gian, chi phí, từ đó giúp phường tập trung lực lượng xử lý các điểm kinh doanh tự phát khác. Sau hơn 1 năm triển khai, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường giảm nhiều, không còn xe ba gác, xe đẩy bán hàng rong lấn chiếm gây ách tắc giao thông. Đặc biệt, các hộ dân cũng tự nguyện tháo dỡ hàng chục bục bệ kinh doanh, ki ốt lấn chiếm. Mô hình này được nhân rộng qua khu vực mua bán tự phát Bọng Dầu và giải quyết cơ bản tình trạng lấn chiếm tại đây.

Không dừng lại ở đó, UBND P.10 cũng ra mắt tuyến đường kinh tế số trên đường Quang Trung với 5 tiêu chí: Hệ thống camera giám sát thông minh; 100% hộ kinh doanh thanh toán trực tuyến trong thương mại, dịch vụ; 100% hộ kinh doanh sử dụng định danh điện tử mức độ 2; 100% hộ kinh doanh thực hiện công tác tuyên truyền qua các trang mạng xã hội; xây dựng tuyến đường sạch - xanh - thân thiện môi trường. Về cơ sở vật chất, phường gắn 4 camera có tính năng nhận diện biển số xe, khi phát hiện phương tiện thuộc diện cảnh báo, hệ thống sẽ tự động báo cho trực ban công an phường, rồi triển khai biện pháp nghiệp vụ xử lý.

Không chỉ Q.Gò Vấp, việc đầu tư hệ thống camera an ninh được nhiều địa phương lắp đặt để phục vụ công tác quản lý an ninh trật tự. Như tại Q.12, P.Tân Hưng Thuận ra mắt trung tâm giám sát hình ảnh đặt tại công an phường cùng hệ thống 64 camera an ninh, trong đó có 9 camera nhận diện biển số xe, tổng kinh phí đầu tư gần 2 tỉ đồng. (còn tiếp)

Thủ Đức miễn phí 45 loại dữ liệu

Đầu tháng 8.2024, UBND TP.Thủ Đức ra mắt hệ thống quản lý thông tin (GIS). Hệ thống này giúp các cơ quan chuyên môn, đơn vị có thể sử dụng một nền tảng dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác tham chiếu, xem thông tin, tìm kiếm, thống kê, báo cáo ra quyết định được nhanh chóng. Hiện hệ thống đã thu thập xây dựng 157/392 lớp dữ liệu sử dụng cho các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan.

Ngoài ra, người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng miễn phí 45 lớp dữ liệu bằng cách tải app TP.Thủ Đức qua website: https://gis-tpthuduc.tphcm.gov.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.