Chuyện gì xảy ra khi chính phủ Mỹ đóng cửa?

20/01/2018 13:06 GMT+7

Khi chính phủ Mỹ không còn ngân sách hoạt động sau 0 giờ 01 ngày 20.1, Nhà Trắng đổ toàn bộ trách nhiệm cho phe Dân chủ tại Thượng viện vì đã đẩy chính phủ liên bang vào tình trạng đóng cửa.

“Chúng tôi sẽ không thương thuyết về tình trạng dân nhập cư lậu trong lúc phe Dân chủ 'ép uổng' công dân hợp pháp của Mỹ với các yêu cầu vô lý của họ”, theo tuyên bố từ Nhà Trắng.
Điều này có nghĩa là hiện vẫn khả năng chính phủ hoạt động lại vẫn chưa có gì sáng sủa.
Trước đó, để chuẩn bị cho nguy cơ đóng cửa, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mick Mulvaney vào chiều 19.1 đã gửi thông tri cho những người đứng đầu các cơ quan liên bang đề nghị họ sẵn sàng đối mặt với tình huống xấu nhất.
Có thể tổn thất 1,5 tỉ USD/ngày
Kể từ năm 1981 đã có 12 lần Mỹ buộc phải đóng cửa chính phủ, dao động từ 1 đến 21 ngày, theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội. Lần cuối cùng diễn ra vào năm 2013, kéo dài 16 ngày, gây tổn thất 24 tỉ USD hoặc 1,5 tỉ USD ngày.
Ngoại trừ những bộ phận thiết yếu nhất, hầu hết công sở trong mọi bộ ngành đều phải đóng cửa, theo NBC News.
Cụ thể có gần 800.000 nhân viên liên bang bị buộc phải nghỉ làm không ăn lương. Bên cạnh đó hơn 1 triệu nhân viên bị hoãn trả lương, chưa kể nhân viên hợp đồng và các nhà thầu.
Tất cả công viên quốc gia và nhiều điểm tham quan nổi tiếng khác như tượng Nữ thần Tự do, Viện Smithsonian hay các đài tưởng niệm đều sẽ đóng cửa, ảnh hưởng nặng nề đến du lịch.


Các ngành thiết yếu như kiểm soát không lưu, an ninh, quân đội, bưu chính, an toàn thực phẩm, cấp cứu và chữa bệnh vẫn duy trì hoạt động bình thường nhưng các nhân viên có nguy cơ bị chậm lương

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ cho nghỉ việc gần như toàn bộ nhân viên trong khi các chương trình nghiên cứu khoa học và y tế sẽ bị trì hoãn.
Bộ Tư pháp thông báo đình chỉ hầu hết các vụ án dân sự nhưng vẫn thụ lý các vụ hình sự. Các hoạt động cho vay hỗ trợ người thu nhập thấp hay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ đều đình trệ.
Bên cạnh đó, luật quy định các ngành thiết yếu như kiểm soát không lưu, an ninh, quân đội, bưu chính, an toàn thực phẩm, cấp cứu và chữa bệnh vẫn duy trì hoạt động bình thường nhưng các nhân viên có nguy cơ bị chậm lương.
Lầu Năm Góc khẳng định các hoạt động quân sự của Mỹ tại các khu vực xung yếu sẽ duy trì bình thường, nhưng vẫn bị mất thể diện và uy tín trước mắt đồng minh và thế giới, theo một quan chức.
Tổng thống Trump vẫn đến Davos
Tổng thống Donald Trump vẫn có thể tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ vào tuần sau bất chấp tình trạng của chính phủ Mỹ, theo AFP dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng.
Trong khi cả triệu nhân viên liên bang phải chịu cảnh nghỉ làm, ông Trump vẫn có đủ nhân lực và phương tiện cần thiết cho việc công du, bao gồm máy bay Air Force One.
Tất nhiên, các chuyến công du quốc tế sẽ bị hạn chế tối thiểu, nhưng chưa rõ chuyến công du châu Âu vào tuần sau của Ngoại trưởng Rex Tillerson có bị ảnh hưởng hay không.
Đài ABC News dẫn nguồn quan chức Bộ Ngoại giao cho hay cơ quan này vẫn chưa có quyết định chính thức, và chờ chỉ đạo của Văn phòng Quản lý và Ngân sách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.