Chuyện gì xảy ra khi học sinh chọn nghề theo ý muốn, kinh nghiệm của cha mẹ?

07/04/2023 14:27 GMT+7

Nhiều phụ huynh quá lo lắng về việc chọn nghề của con em mình. Tôi chia sẻ với phụ huynh, nhưng hãy bình tâm một chút để nghĩ xem, liệu rằng có cần sự lo lắng thái quá hay không?

Hầu hết chuyên gia trong các buổi tư vấn đều khuyên việc lựa chọn nghề của học sinh phải dựa trên năng lực cá nhân, xu thế nghề nghiệp...

Thực ra, điều quan trọng, sự lo lắng của phụ huynh xuất phát từ sự yêu thương cố hữu (hơi quá) của người Việt đối với con em mình. Đúng là con em cần phải được yêu thương, giúp đỡ nhưng sự giúp đỡ để các em phát triển lại ở chỗ khác.

Khi con em chúng ta còn nhỏ, cần sự hỗ trợ trực tiếp của cha mẹ, ông bà, anh chị em. Đến tuổi đi học thì vai trò của giáo dục trường học có phần lấn lướt hơn, trong đó có vai trò của thầy cô giáo.

Chọn nghề nghiệp là việc của học sinh

Điều quan trọng hơn nữa là ngày nay, vai trò của nhà trường đã khác nhiều so với những thập niên trước đây. Hiện nay, học sinh phải là người chủ động tìm kiếm kiến thức và phát triển năng lực của mình, không chỉ trong bài học, từ nhà trường mà còn học ngoài xã hội và đời sống.

Làm thế nào để phụ huynh bớt lo chuyện con chọn nghề - Ảnh 1.

Học sinh tham gia hoạt động của một gian hàng trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên

ĐÀO NGỌC THẠCH

Nếu hiểu về thế hệ trẻ ngày nay, phụ huynh sẽ có cách nhìn khác, thái độ khác trong việc chọn nghề của con em mình. Phụ huynh cần biết rằng chọn nghề nghiệp tương lai là việc của con em mình. Mà đã là việc của các em thì phải do các em lựa chọn.

Kinh nghiệm của phụ huynh rất có thể không mang lại lợi ích gì cho con cái, thậm chí còn để lại hệ quả tiêu cực trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Không theo ý cha mẹ thì bị cho là "không nghe lời" nhưng như thế còn hơn là vì "phải nghe lời" phụ huynh mà các em mất đi nhiều năm, thậm chí cả đời do việc lựa chọn nghề sai.

Tôi từng chia sẻ trên Báo Thanh Niên về tâm sự của một sinh viên cách đây hơn 10 năm đang học ngành luật (lúc đó được xem là một nghề rất "hot") nhưng bản thân em lại không thích.

Trong lá thư gửi cho tôi, sinh viên này chia sẻ chỉ muốn làm giáo viên lịch sử (một nghề mà không nhiều người lựa chọn lúc bấy giờ) và bày tỏ ý muốn bỏ học dù đã học xong năm thứ 2.

Làm thế nào để phụ huynh bớt lo chuyện con chọn nghề - Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, giải đáp thắc mắc của học sinh sau một chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tại Trường THPT Trương Định (TX.Gò Công)

NGỌC DƯƠNG

Học sinh có thể mắc sai lầm khi chọn nghề, nhưng không sao

Nếu phụ huynh có con chọn nghề "theo sở thích, theo ý muốn, theo kinh nghiệm" của quý vị mà không phải là nghề nghiệp các em mong muốn thì chuyện gì sẽ xảy ra ? Và chuyện gì sẽ xảy ra với phụ huynh khi "được" con cái làm theo ý muốn của mình để rồi sau đó các em buồn khổ?

Học sinh lớp 12 phần lớn bước sang tuổi 18 - tuổi phải tự chịu trách nhiệm với chính mình. Tại sao phụ huynh không để con em mình quyết định nghề nghiệp trong tương lai khi mà có thể chắc chắn rằng, chuyển việc (thậm chí chuyển nghề) là điều thường thấy trong thế kỷ 21?

Vì vậy, lựa chọn nghề nghiệp tương lai phải là việc của học sinh. Học sinh có thể lựa chọn ngành nghề dựa trên năng lực học tập (kết quả học tập), sở thích nghề nghiệp hoặc cả hai, nhưng phải do chính các em quyết định. Tư vấn nghề nghiệp của cha mẹ, thầy cô, bạn bè và chuyên gia chỉ có ý nghĩa tham khảo.

Một số học sinh có thể mắc sai lầm khi chọn nghề, nhưng không sao, các em có thể chọn lại vì cơ hội luôn ở phía trước. Cơ hội không từ chối ai trừ khi chúng ta không biết nắm cơ hội.

Hãy trở thành phụ huynh có trách nhiệm với con cái, nhưng đừng để các em chịu hậu quả. Có như thế, việc chọn ngành nghề để theo học sau bậc THPT mới hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.