Tối 8.2, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết có 13 điểm liên quan các bệnh nhân nhiễm Covid-19 được phong tỏa. Có mặt tại một số điểm phong tỏa vào khuya cùng ngày, PV Thanh Niên ghi nhận một số nơi yên ắng đến lạ, có nơi lại nhộn nhịp người đứng trước các rào chắn để tiếp tế nhu yếu phẩm cho những người thân của mình.
Vắng lặng…
Khu vực quán Nam Bắc (số 12A1, đường Bạch Đằng, P.2, Tân Bình) nửa đêm không khí yên ắng đến lạ. Hầu hết các hàng quán xung quanh đều đã đóng cửa, chỉ còn 1 bảo vệ dân phố trực chốt tại điểm phong tỏa này. Theo quan sát của PV, có 4 người, trong đó có 2 trẻ em vẫn sinh hoạt bên trong.
|
Liên lạc với chủ quán là ông Nguyễn Văn Sản (41 tuổi, quê Hà Nội) thông qua điện thoại, ông cho biết hiện tại mình đang cách ly tập trung tại H.Củ Chi. Trong quán có một người con gái (24 tuổi) đang chăm sóc cho con trai và cháu của ông.
|
Người đàn ông này cho biết, trong đêm cách ly đầu tiên ông cảm thấy buồn và lo lắng không thể nào ngủ được. “Tôi định tết năm này về quê đoàn tụ cùng gia đình ngoài Bắc, đùng một cái thì quán bị phong tỏa, tôi bị cách ly tận 21 ngày. Niềm day dứt lớn nhất của tôi là không được ở bên cạnh vợ và các con, không được về thăm mẹ. Bà năm nay đã 90 tuổi rồi, không còn nhiều cái tết bên con cháu, vậy mà…”, nói đến đây, ông Sản rưng rưng.
Tại nơi cách ly tập trung, ông vẫn thường gọi để hỏi thăm tình hình của các con. “Ngày đầu sống trong cảnh phong tỏa, các con vẫn ổn nên tôi cũng thấy yên tâm. Chỉ buồn là các cháu không được ở bên ông bà, ba mẹ vào thời điểm này, đó là một thiệt thòi”, ông nghẹn ngào.
Chủ quán Nam Bắc tâm sự mình sẽ hoàn thành tốt quá trình cách ly tập trung, hy vọng kết quả xét nghiệm âm tính để có thể trở về với gia đình.
|
Ông Thế Trung (43 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) là một trong những người đảm nhận công tác bảo vệ địa điểm phong tỏa trên. Ông cho biết các cán bộ tại đây đã được phân công theo nhiều ca khác nhau “trắng đêm” trực chốt. “Tôi sẽ gác ở đây đến hơn 23 giờ khuya, sẽ có người đến thay. Dù nơi này ít người qua lại, nhưng tôi và các anh em vẫn làm tốt trách nhiệm của mình, không cho những người không có trách nhiệm đến gần địa điểm phong tỏa để đảm bảo an toàn”, ông Trung nói thêm.
|
Tương tự, khi có mặt tại quán Cây Bàng (B68 Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình) và trường mầm non Hoa Phượng Đỏ (P.6, Q.Gò Vấp) vào giữa đêm, chúng tôi cũng cảm nhận được sự yên tĩnh tại đây. Ngoài việc có bảo vệ canh gác, điểm trường mầm non cũng có một vài xe cấp cứu chở cán bộ y tế và phụ huynh vào bên trong. Các hộ dân sống xung quanh khu vực này đều đóng cửa từ sớm.
“Lâu lâu thì có xe cấp cứu chở người vô ra, nhưng tôi cũng không dám hỏi là chuyện gì. Từ khi biết nơi này bị phong tỏa, tôi có chút lo lắng vì mình ở đối diện, không biết có nhiễm bệnh không nên nay đóng cửa sớm. Từ may sẽ đeo khẩu trang suốt, kỹ lưỡng vẫn hơn”, một người phụ nữ sống gần trường mầm non Hoa Phượng Đỏ cho hay.
Tấp nập người tiếp tế
Con hẻm Mả Lạng từ số 245 Nguyễn Trãi đến 168 Nguyễn Cư Trinh (Q.1) đêm 8.2, rạng sáng 9.2 rộn ràng người tiếp tế nhu yếu phẩm. Nhiều người bên trong khu phong tỏa đứng đợi những người thân của mình mang hàng hóa đến đây.
|
Theo ghi nhận, lực lượng chức năng có mặt ở đây 24/24 để bảo vệ an toàn cho người dân, đặc biệt trong việc giao nhận hàng hóa. Theo cán bộ làm việc tại đây trong ngày 8.2, vì mới phong tỏa nên nhu cầu về nhu yếu phẩm của những người bên trong rất cao. Trong khi đó, đây là một trong những khu vực phong tỏa có lượng người bên trong lớn, khoảng 2.000 dân.
Hàng hóa được người thân bên ngoài tiếp tế cho những người đang sống trong hẻm Mả Lạng chủ yếu là lương thực, thực phẩm và đồ dùng cá nhân. Quá trình giao nhận đều được đảm bảo khoảng cách an toàn và khử trùng bằng nước rửa tay kháng khuẩn. Gần 0 giờ ngày 9.2, vẫn còn nhiều lượt người tiếp tế hàng hóa.
|
Bà Huỳnh Thị Tươi (64 tuổi, ngụ Q.1) mang thực phẩm đến khu phong tỏa gửi cho con gái. Do việc phong tỏa diễn ra bất ngờ nên con bà chưa thể mua được thực phẩm dự trữ. “Sau ngày hôm nay, sau khi làm xong việc chắc tôi sẽ vào đây ăn giao thừa cùng con luôn. Dù phải cách ly 21 ngày, nhưng mà có mẹ có con thì vẫn hơn”, bà Tươi nói.
Vừa thấy con gái, bà nhanh chóng tiến lại gần, hỏi han về tình hình của con rồi đặt túi thực phẩm lên bàn. Sau khi thấy con gái nhận được hàng và vào trong hẻm, bà mới yên tâm rời đi.
Cũng giống như bà Tươi, bà Ngọc Thủy bán nước đối diện con hẻm cũng có 2 người cháu đang cách ly bên trong. Bà tâm sự mình vẫn sẽ buôn bán xuyên tết cũng như hỗ trợ cho các cháu của mình nếu cần. “Mấy bà cháu, sống cách nhau đâu có bao xa, chỉ là hàng rào dây thép gai mà cũng không thể ăn Tết cùng nhau được”, bà buồn bã nói.
|
Theo quan sát, một số người thân của những người sống trong hẻm Mả Lạng đã mắc võng ở trạm xe buýt đối diện khu vực này. “Cũng vì lo cho các con nên chúng tôi ở đây. Nếu các con có cần gì thì gọi, rồi tôi sẽ mua cho nó”, một người phụ nữ có con đang cách ly bên trong nói.
Với nhiều người ở khu phong tỏa Mả Lạng, nơi đang được phong tỏa, đêm nay là một đêm dài…
Bình luận (0)