Chuyên gia từng dự báo khởi đầu và đỉnh điểm của bong bóng chứng khoán Trung Quốc vừa cảnh báo rằng nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ chịu các yếu tố đã gây ra nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.
Ảnh: Bloomberg |
Theo Bloomberg, Giám đốc chiến lược về Trung Quốc Hao Hong tại hãng Bocom International ở Hồng Kông, cho hay sự thiếu hụt đô la Mỹ là yếu tố chính gây ra chuyện giá dầu lao dốc vào những năm 1970, khủng hoảng nợ Mỹ Latinh thập niên 1980, tiền tệ các nước châu Á đi xuống vào năm 1997 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Năm sau, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất, cải thiện cán cân tài khoản vãng lai Mỹ và khiến USD mạnh hơn. Đây sẽ là những yếu tố đè nặng lên các đòn bẩy lớn nhất của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
“Trong lịch sử, mỗi khi tài khoản vãng lai của Mỹ được cải thiện, đi kèm với sự mạnh lên của USD, một số nước, một số vùng nào đó trên thế giới sẽ bị đẩy vào một kiểu khủng hoảng. Áp lực từ việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ và kịch bản thiếu hụt thanh khoản USD có thể sẽ diễn ra trong bất động sản ở Hồng Kông, cho vay trực tuyến và các cổ phiếu doanh nghiệp có lợi suất cao", chuyên gia Hong nhận định.
Nhân dân tệ (CNY), đồng tiền đã nhiều năm ổn định ở châu Á, giảm 4,2% so với USD trong năm nay. Các doanh nghiệp Trung Quốc vay bằng ngoại tệ với tốc độ chóng mặt trong ba năm qua hiện giờ mua vào USD để tránh thua lỗ. Dòng tiền nóng đã vào Đại lục với các hóa đơn xuất khẩu giả, mua kim loại và đầu tư nước ngoài được ngụy trang đang dần đi ra.
Trước đó, nhân dân tệ đã tăng giá 13% so với đô la Mỹ trong 4 năm tính đến năm 2013, trước khi giảm 2,4% trong năm 2014. Sự giảm giá của CNY so với USD trong năm nay có thể sẽ là lớn nhất trong vòng hai thập niên. Với sự bùng nổ của dịch vụ tài chính trực tuyến, tổng số tiền cho vay ngang hàng trong tháng 10 ở Trung Quốc đạt 351 tỉ CNY, tương đương 54 tỉ USD, theo số liệu từ hãng nghiên cứu iResearch Consulting Group.
Giá nhà ở đặc khu Hồng Kông, mức giá vốn đã hơn gấp đôi so với thời năm 2009, giờ đây có thể giảm đến 20% trong vòng 3-6 tháng tới, theo dự báo của hãng Bocom. Việc phát hành trái phiếu đô la Mỹ của các doanh nghiệp Trung Quốc đi lên mỗi năm kể từ năm 2008, tăng vọt đến mức kỷ lục 94 tỉ USD vào năm 2015 so với chỉ 2,4 tỉ USD cách đây 7 năm.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang nỗ lực tạo ra dòng chảy tiền mặt cần thiết để hoạt động trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế được dự báo là sẽ thấp nhất trong 25 năm qua và lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ thu hẹp. Số nợ xấu được các ngân hàng Trung Quốc báo cáo đã tăng 10% trong quý 3 năm nay so với quý trước đó, lên mức 1.200 tỉ CNY.
Ngoài ra, triển vọng về việc Trung Quốc sẽ nới lỏng và Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất cũng gia tăng luồng vốn thoái. Các định chế tài chính, bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bán 221 tỉ CNY trong tháng 11, dấu hiệu cho thấy các quỹ đang hướng ra nước ngoài.
Chuyên gia Hong dự báo CNY sẽ giảm giá 5% so với USD trong năm 2016, ước tính rằng giá trị hợp lý cho chỉ số Shanghai Composite sẽ dao động quanh ngưỡng 2.900 điểm, đây là con số thấp hơn 20% so với mức chỉ số này đạt được hôm 23.12.
Chuyên gia Hong trước đây từng có cái nhìn tích cực về cổ phiếu Trung Quốc vào tháng 9.2014 khi nói rằng sự hỗ trợ của chính phủ có nghĩa là nhà đầu tư có thể bỏ qua các cảm giác bản thân cùng số liệu kinh tế yếu để mua vào cổ phiếu. Chỉ số Shanghai Composite tăng gấp đôi kể từ lúc nhận định trên được đưa ra cho đến ngày 12.6, khi nó đạt mức cao nhất. Trong buổi phỏng vấn với kênh Bloomberg hôm 16.6, chuyên gia Hong nói rằng chứng khoán Trung Quốc đang hướng tới đợt sụt giảm đáng kể sau khi được bơm căng. Chỉ số chứng khoán giảm 40% từ hôm đó đến mức đáy vào ngày 26.8.
Bình luận (0)