Chuyên gia chỉ nhiều bất cập trong dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản

24/06/2024 15:10 GMT+7

Dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản vẫn còn nhiều quy định bất cập. Các chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu để bộ luật mới khi được ban hành sẽ tạo môi trường thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp khoáng sản.

Khó khai thác khoáng sản sau 12 tháng cấp phép

Dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản 2024 được Bộ TN-MT chủ trì soạn thảo thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp khoáng sản.

Chuyên gia chỉ nhiều bất cập trong dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản- Ảnh 1.

Quy định được khai thác khoáng sản sau 12 tháng cấp phép trong dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản 2024 được nhiều doanh nghiệp phản ánh là khó thực hiện

P.H

Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó trưởng ban Tài nguyên, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), cho rằng dự thảo luật còn có những quy định rất khó thực hiện.

Ông Hải dẫn chứng, tại điểm b khoản 1 điều 69 của dự thảo luật quy định: Sau 12 tháng, kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản có hiệu lực, tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản chưa tiến hành hoạt động khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật, sẽ bị chế tài.

Nhưng theo đại diện TKV, sau khi được cấp giấy phép, doanh nghiệp phải tiến hành rất nhiều thủ tục pháp lý mới đủ điều kiện để đưa mỏ vào khai thác như đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn; thiết kế bản vẽ kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, thẩm định, phê duyệt thiết kế; kiểm đếm, đo đạc đất đai; xây dựng, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất.

Hiện nay, UBND tỉnh nơi có dự án khai thác khoáng sản thực hiện tái định cư, thu hồi đất theo quy định của luật Đất đai và thực tế công việc đang gặp rất nhiều rất khó khăn, vướng mắc.

Theo đó, việc tổ chức khai thác sau 12 tháng kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản có hiệu lực là khó khả thi, đặc biệt đối với các mỏ có quy mô, diện tích giải phóng mặt bằng, thu hồi đất lớn.

Đại diện TKV kiến nghị điểm b khoản 1 kể trên sửa thành: "Sau 12 tháng, kể từ ngày địa phương hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng, tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản chưa tiến hành hoạt động khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật".

Làm rõ quy định góp vốn bằng quyền khai thác khoáng sản

Chuyên gia pháp lý độc lập, luật sư Phạm Thanh Tuấn, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho rằng trong điều 62 - Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, quy định cho phép "thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản" và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Thế nhưng tại khoản 7 điều 4 luật Quản lý sử dụng tài sản công quy định: tài nguyên khoáng sản là một trong những tài sản công do Nhà nước quản lý.

Theo luật sư Phạm Thanh Tuấn, thực tế có tình trạng các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước do đã thăm dò trước đây nên mỏ do họ thăm dò đã được đưa vào khu vực không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, họ không trực tiếp tự triển khai dự án khai thác mà tham gia liên doanh liên kết với đơn vị khác (các công ty tư nhân, công ty nước ngoài...). Tại điểm l khoản 1 điều 62 dự thảo luật đã có quy định cho phép "thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản".

Theo đó, luật sư Phạm Thanh Tuấn cho rằng, việc góp vốn theo quy định nêu trên chính là một hình thức liên kết, hợp tác của các tổ chức trong hoạt động khai thác khoáng sản. Do đó, ngoài quy định về việc bổ sung quyền góp vốn như dự thảo đề cập làm cơ sở cho việc các đơn vị có mỏ thuộc khu vực không phải đấu giá quyền khai thác tính giá trị góp vốn khi đi liên doanh liên kết để khai thác mỏ, cần có quy định về quyền liên kết, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác mỏ.

Như vậy, dự thảo luật cần có quy định việc sử dụng quyền khai thác khoáng sản của doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước) cần được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Luật sư Phạm Thanh Tuấn đề nghị bổ sung một khoản mới vào điều 62.2: "Khi chuyển nhượng, hợp tác, liên kết, góp vốn bằng quyền khai thác khoáng sản, ngoài việc thực hiện theo quy định tại luật này, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp".

Chuyên gia chỉ nhiều bất cập trong dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản- Ảnh 2.

TS Lê Ái Thụ chia sẻ tại hội nghị góp ý dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản 2024 do Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 14.6

NGUYỄN GIA

TS Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam, cho rằng tại điểm I khoản 2 điều 62 dự thảo luật có quyền "thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản" nhưng quy định này chưa rõ ràng, cần được xem lại và phải làm rõ quyền khai thác khoáng sản được định giá như thế nào, các căn cứ định giá quyền khai thác là gì?

Từ đó, TS Lê Ái Thụ kiến nghị, cơ quan soạn thảo cần phải đưa ra một khái niệm đầy đủ, cụ thể về thế chấp quyền khai thác khoáng sản cũng như phương pháp định giá quyền này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.