Chuyên gia đề xuất TP.HCM tổ chức đưa đón người dân ngoại tỉnh về quê dịp Tết

14/12/2021 16:57 GMT+7

Chuyên gia đề xuất TP.HCM cần cung cấp các chuyến xe buýt công cộng đưa người lao động , người dân ngoại tỉnh về quê ăn Tết và đón họ trở lại làm việc.

TP.HCM nên chủ động cung cấp các loại thuốc điều trị Covid-19

Chiều 14.12, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ kiều bào và người Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề: “TP.HCM trở lại bình thường mới hậu Covid-19, vấn đề và kiến nghị” nhằm lắng nghe những đóng góp, ý kiến cho sự phát triển của địa phương.

Thế trận y tế với 8 giải pháp ứng phó biến chủng Omicron của TP.HCM

Là người đầu tiên nêu ý kiến, giáo sư (GS) Hà Tôn Vinh, chuyên gia tài chính quốc tế tại Mỹ, cho rằng việc trước mắt mà thành phố cần làm đó là giúp người dân an tâm và có một cái Tết hạnh phúc và ấm no. Chuyên gia này nhấn mạnh Tết là một dịp quan trọng cho tất cả mọi người và gợi ý thành phố cần có những món quà chăm lo cho người dân các tỉnh đã tới làm việc, đóng góp cho thành phố.

Bên cạnh đó, cung cấp các chuyến xe buýt công cộng để đưa người lao động, người dân ngoại tỉnh về quê ăn Tết và đón họ trở lại. "Hành động này vừa là dịp để lãnh đạo thành phố thể hiện sự quan tâm đối với người dân ngoại tỉnh, vừa đảm bảo để họ quay lại thành phố làm việc sau Tết", GS Hà Tôn Vinh phân tích.

TP.HCM tổ chức buổi gặp gỡ với người Việt Nam ở nước ngoài để lắng nghe các ý kiến, hiến kế thành phố sớm hồi phục và phát triển sau đại dịch Covid-19

trung tâm báo chí tp.hcm

"Trong tháng 7 và tháng 8.2021, những hình ảnh buồn về việc người dân đổ dồn về quê tự phát mang lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Phương án tổ chức đưa người dân về quê dịp Tết sẽ khiến người dân ngoại tỉnh có thêm nhiều thiện cảm đối với thành phố", GS Hà Tôn Vinh chia sẻ thêm.

Về công tác phòng, chống dịch, GS Vinh đề xuất bên cạnh chương trình tiêm chủng toàn dân thì thành phố nên chủ động cung cấp các loại thuốc điều trị Covid-19 cho người có nhu cầu. “Một đồng tiền đầu tư cho thuốc đặc trị lúc này sẽ tiết kiệm được 10 đồng chi phí điều trị bằng ngân sách. Việc cấp thuốc cho người dân còn giúp các bệnh viện, cơ sở y tế tránh khỏi tình trạng quá tải”, vị chuyên gia phân tích.

TP.HCM cần có sự đột phá lớn

GS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), nhìn nhận dịch bệnh đi qua buộc lãnh đạo thành phố phải phân tích sâu sắc các giá trị cũ. Các mô hình cũ, cách làm của khoảng thời gian trước dần tạo ra ít giá trị hơn hoặc không còn tạo ra giá trị.

“TPHCM cần có sự đột phá lớn. Khi chuẩn bị cho thời kỳ mới, chúng ta luôn bị lấn cấn bởi những tư duy cũ. Kinh nghiệm của tôi là các thành phố càng thành công trong quá khứ càng bị tư duy cũ lấn át nặng nề, rào cản về sự ngại thay đổi sẽ là khó khăn", ông Vũ Minh Khương chỉ rõ.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng lãnh đạo TP.HCM phải nhìn thấy đâu là thách thức cốt tử, đồng thời phải tạo ra cơ chế để cán bộ xông lên hàng đầu, thực hiện sứ mệnh lớn lao. “Tôi làm với doanh nghiệp thấy không khí còn nặng nề lắm, chưa thấy lòng dân trỗi dậy”, ông Khương nhìn nhận.

TP.HCM định vị thương hiệu với "4 chữ C"

Ông Danny Võ Thành Đăng, kiều bào Singapore, nhìn nhận TP.HCM cần có những bước chuyển mình mạnh mẽ, bắt đầu từ việc xây dựng, quảng bá thương hiệu thành phố, vươn mình trở thành một “Megacity” mới của thế giới. Qua đó hướng đến thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa tập trung tái hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế.

Theo ông Đăng, “Megacity” hay còn gọi là “siêu đô thị”, dùng để gọi những thành phố lớn có dân số trên 10 triệu người, có mật độ tối thiểu 2.000 người/km2. Hiện trên thế giới có khoảng 37 thành phố được xem là siêu đô thị, ước tính đến năm 2030 sẽ tăng lên 41 thành phố. Trong đó, châu Á đang là vùng có nhiều siêu đô thị nhất, có thể kể đến: Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Mumbai (Ấn Độ)…

Để hướng đến thành phố siêu đô thị, chuyên gia cho rằng TP.HCM phải giải quyết được bài toán kẹt xe, ngập nước...

ngọc dương

Ông Đăng nhìn nhận lợi thế của TP.HCM là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục tại Việt Nam, là “cửa ngõ” giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau, cơ sở hạ tầng cũng dần nâng cấp, là đầu mối giao thông của Việt Nam và Đông Nam Á, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không… Thương hiệu của TP.HCM cần xây dựng xung quanh “4 chữ C”: Clear (Sự rõ ràng), Consistent (Tính đồng nhất), Conviction (Sức thuyết phục) và Class (Tính ưu việt).

Về tính ưu việt, ông Đăng cho rằng để TP.HCM trở thành một thương hiệu mạnh, thu hút vốn đầu tư thì cần quan tâm tới kinh tế, đời sống của người dân, đặc biệt là những người dân nghèo, tạo việc làm cho những mảnh đời không may, xóa bỏ tệ nạn xã hội, xóa bỏ các khu ổ chuột, giảm thiểu tội phạm, khắc phục các vấn đề về giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, thực trạng ngập úng vào mùa mưa tại một số quận huyện…

Đại sứ Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Bhutan và Nepal, cho rằng TP.HCM phải giải quyết được sự bất bình đẳng, xây dựng bản sắc và sự khác biệt khi hội nhập.

Ông Châu cho Ấn Độ có khoảng 5.000 Ấn kiều đang sinh sống và làm ăn tại TP.HCM, mang lại cho thành phố một sức mạnh mềm để tương tác với Ấn Độ. Ấn Độ có 140 tỉ phú, thông qua 5.000 Ấn kiều chỉ cần tiếp cận được 10 tỉ phú thôi thì họ sẽ giúp thành phố phát triển theo một cách khác nữa. Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng cho rằng cần có chiến lược khai thác 25 triệu người tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.