Sáng 14.12, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp Đại học Văn hóa TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Phát huy giá trị truyền thống trong tiến trình xây dựng chính quyền đô thị tại TP.HCM”.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ nhận định, TP.HCM không chỉ là trung tâm kinh tế lớn mà còn là một trong những trung tâm về văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật lớn. Trên phương diện văn hóa truyền thống, TP.HCM là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa đa dạng, lắng đọng, hội tụ tạo dựng bản sắc; thành phố cũng là nơi kết tinh của nhiều dân tộc, tôn giáo gắn với bản sắc riêng…
TS Vũ Tuấn Hưng cho rằng cần nghiên cứu, đánh giá, phân tích thực trạng và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển của chính quyền đô thị bằng các giải pháp phù hợp.
PGS-TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học văn hóa TP.HCM trao đổi tại hội thảo phát huy giá trị truyền thống trong xây dựng chính quyền đô thị TP.HCM sáng 14.12 |
sỹ đông |
PGS-TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học văn hóa TP.HCM cho biết, từ 325 năm trước, Bến Nghé - Sài Gòn xưa là nơi tiếp nhận các nguồn lưu dân từ các tỉnh miền Trung và những di dân người Hoa. Cả nước có 54 dân tộc thì tại TP.HCM có 52 dân tộc sinh sống, cộng cư, mưu sinh.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh trong công tác quản lý văn hóa - xã hội, việc hiểu được giá trị văn hóa truyền thống, nắm bắt được thực trạng cũng như tiềm năng của văn hóa một cách cụ thể, khoa học và hệ thống sẽ giúp các nhà quản lý địa phương điều chỉnh, huy động nội lực phát triển. Đối với TP.HCM, việc xác định giá trị truyền thống, xây dựng chuẩn mực giá trị vừa có nét chung vừa mang bản sắc riêng ở Sài Gòn cần được đặt ra một cách cấp bách hơn.
PGS-TS Lâm Nhân đề xuất xây dựng chuẩn mực con người TP.HCM trên 5 giá trị: kỷ luật, trung thực, trách nhiệm, sáng tạo và nghĩa tình. Đối với cộng đồng, chuyên gia đề xuất xây dựng 4 chuẩn giá trị chung: tôn trọng, hòa đồng, đoàn kết và hợp tác.
“Muốn hội nhập, tiếp thu được tinh hoa của người khác thì bản thân giá trị văn hóa truyền thống của mỗi con người, khu vực cần xác định rõ để người từ nơi khác đến học tập và tôn trọng làm theo. Nếu không, không những ta không tiếp thu được cái hay cái tốt mà bị đồng hóa, hòa tan và mất dần đi cái mà cha ông ta đã dày công xây dựng”, PGS-TS Lâm Nhân nhận định.
Bà Phạm Quỳnh Anh, Trưởng ban pháp chế HĐND TP.HCM cho biết, TP.HCM còn 5 huyện ngoại thành và đặt ra câu hỏi liệu văn hóa khu vực nông thôn với văn hóa chung của đô thị có thống nhất với nhau không. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sâu hơn các đặc trưng văn hóa đô thị, không gian văn hóa công cộng, sự sáng tạo… để tham mưu chính sách.
Bình luận (0)