Chuyên gia ILO nói về việc 'rút BHXH 1 lần'

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
13/07/2023 19:30 GMT+7

Ông André Gama, Giám đốc Chương trình An sinh xã hội của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Việt Nam, cho biết trên thế giới cũng có nước cho phép rút BHXH 1 lần như Việt Nam, tuy nhiên, chưa có quốc gia nào đã cho rút rồi sau đó thay đổi, không cho rút nữa.

Ngày 13.7, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo khu vực phía nam, lấy ý kiến về dự án luật bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi và các vấn đề lớn về dân số. Tại hội thảo này, các đại biểu đã thảo luận về chính sách rút BHXH 1 lần, đồng thời đặt câu hỏi cho ông André Gama, Giám đốc ILO tại Việt Nam, về kinh nghiệm của các nước liên quan chính sách rút BHXH 1 lần.

Theo ông André Gama, đa phần người rút BHXH 1 lần vì họ cần tiền để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cuộc sống, chứ không phải để mua sắm, du lịch.

Trên thế giới, cũng có nước cho phép rút BHXH 1 lần như Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có quốc gia nào đã cho rút BHXH 1 lần và rồi lại thay đổi, không cho rút nữa. Vì vậy, ông André Gama e là không có thông lệ quốc tế hay bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Chuyên gia ILO: 'Không nước nào cho rồi cấm rút BHXH 1 lần như Việt Nam' - Ảnh 1.

Ông André Gama, Giám đốc Chương trình An sinh xã hội của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Việt Nam

THU NGÂN

Ông André Gama cũng nhận định, nếu thay đổi quy định về rút BHXH 1 lần ngay có thể gây bất ổn, giống như việc người dân không tin vào độ an toàn của ngân hàng nên sẽ đổ xô đi rút về hết.

Vì thế, ông cho rằng việc điều chỉnh chính sách rút BHXH 1 lần cần có lộ trình cụ thể, từng bước giảm số tiền được rút BHXH 1 lần. Song song đó, Việt Nam cần tăng cường những chính sách để hỗ trợ người lao động, khuyến khích họ không rút.

Đồng thời cần phải xem xét lại sự phối hợp giữa chính sách BHXH với việc làm, chính sách hưu trí, trợ cấp xã hội. 

Ông André Gama đặt vấn đề khi nói không cho người lao động rút BHXH 1 lần thì cơ quan nhà nước cần phải xem xét liệu đã triển khai tốt chương trình đào tạo và hỗ trợ việc làm cho người lao động thất nghiệp hay chưa, đồng thời cần đánh giá các chương trình này có làm giảm bớt đi việc rút BHXH 1 lần hay không.

Cần có mức sàn hưởng lương hưu

Liên quan chủ đề BHXH 1 lần, tại hội thảo, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, đại biểu Quốc hội TP.HCM, đề xuất quy định về rút BHXH 1 lần.

Thứ nhất, những ai đã làm và đóng BHXH rồi, thì được rút BHXH 1 lần như quy định của luật hiện hành.

Thứ hai, những người tham gia mới BHXH, kể từ khi dự thảo luật BHXH được thông qua và có hiệu lực thi hành, thì chỉ được rút 50% số tiền BHXH 1 lần hoặc chỉ được rút phần mà người lao động đóng; 50% còn lại hoặc phần người sử dụng lao động đóng sẽ để lại làm "của để dành" cho người lao động. Tuy nhiên, phần này người lao động sẽ được hưởng nếu ra nước ngoài định cư, hoặc nếu chết thì thân nhân được hưởng.

Chuyên gia ILO: 'Không nước nào cho rồi cấm rút BHXH 1 lần như Việt Nam' - Ảnh 2.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, phát biểu tại hội thảo

THU NGÂN

Ngoài ra, bà Trần Thị Diệu Thúy cho rằng chính sách hiện nay chỉ tính đến tỷ lệ % đóng BHXH và hưởng lương hưu chứ chưa tính được liệu tỷ lệ % này khi áp dụng lương hưu thì người lao động có đủ trang trải cuộc sống không.

"Có người chỉ nhận 2 - 3 triệu đồng/tháng lương hưu. Vì vậy, tôi cho rằng phải tính mức sàn đóng đầu vào và đầu ra là lương hưu. Bộ LĐ-TB-XH cần xem xét, đặt ra nhiều tình huống, có báo cáo tác động và thống kê được mức tiền cho trợ cấp xã hội nếu thực hiện mỗi phương án đó", bà Trần Thị Diệu Thúy nói.

Cần định nghĩa cụ thể thế nào là trốn đóng BHXH

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cũng đề cập đến vấn đề trốn đóng BHXH. Hiện nay, không có đơn vị nào bị đưa ra xét xử vì quan điểm không phải "trốn đóng" mà là "chậm đóng", không có tiền đóng.

Bà Thúy cho rằng các quy định hiện hành khó ép người sử dụng lao động hoàn thành đúng nhiệm vụ của mình với người lao động. Mặc dù có Nghị quyết 05/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, giải thích thế nào là trốn đóng BHXH nhưng không áp dụng được.

"Vì vậy, cần định nghĩa trong văn bản luật cụ thể về tội trốn đóng BHXH, bao gồm việc chủ sử dụng lao động trốn khỏi nơi lao động sản xuất và thời gian bao lâu không đóng BHXH thì được xem trốn đóng BHXH. Nếu chúng ta không thấy được thực tiễn của vấn đề này thì cơ quan BHXH, các tổ chức đại diện của người lao động không thể tham gia giải quyết được", bà Trần Thị Diệu Thúy nói và nhấn mạnh thêm "Tôi tin là cũng cần phối hợp Hội đồng thẩm phán TAND tối cao để đánh giá lại việc áp dụng Nghị quyết này".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.