17,5 triệu người lao động đóng BHXH
Sáng 13.7, Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tổ chức hội thảo khu vực phía nam lấy ý kiến về dự án luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và những vấn đề về dân số.
Ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho biết chính sách BHXH ở Việt Nam thời gian qua đạt được nhiều thành tựu, nhất là diện bao phủ ngày càng mở rộng, số người hưởng chế độ BHXH ngày một nhiều. Tuy nhiên, chính sách BHXH chưa quan tâm lao động phi chính thức, tình trạng rút BHXH 1 lần tăng nhanh, việc trốn đóng BHXH còn...
Phát biểu tại hội thảo này, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc kiêm Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến trong phát triển chính sách BHXH. Thống kê có 17,5 triệu người lao động tại Việt Nam đóng BHXH, tăng 4,5 triệu người so với 7 năm trước.
Tuy nhiên, theo bà Pauline Tamesis, tỷ lệ bao phủ BHXH còn thấp, chỉ chiếm 37% lực lượng lao động, còn khoảng cách khá lớn với mục tiêu đạt tỷ lệ bao phủ BHXH 60% đến năm 2030 mà Việt Nam đề ra ở Nghị quyết 28 năm 2018 về cải cách chính sách xã hội; trong khi đó, tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam ngày càng tăng.
Ngoài ra, có tới 81% phụ nữ là lao động tự do không được hưởng chế độ thai sản.
Đầu tư xã hội đóng góp cho tăng trưởng bền vững
Bà Pauline Tamesis đưa ra một số hướng tiếp cận để Việt Nam có thể xem xét tăng cường, cải thiện hệ thống BHXH trong thời gian tới.
Thứ nhất, cách tiếp cận bao trùm toàn bộ hệ thống xã hội, nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong việc phát triển, tích hợp hệ thống bảo hiểm và bảo trợ xã hội.
Thứ hai, luật BHXH sửa đổi phải đi vào trọng tâm là mở rộng phạm vi bao phủ, đặc biệt là tới các nhóm dân số dễ bị tổn thương. Cạnh đó, đảm bảo nâng cao khả năng ứng phó của hệ thống trước các cú sốc (dịch bệnh, thiên tai...).
Thứ ba, mở rộng chế độ thai sản cho nam giới và nữ giới trong tương lai.
Thứ tư, xem xét lại liệu quyền lợi do hệ thống BHXH chi trả đã phù hợp, thỏa đáng chưa, điều này để đảm bảo những phúc lợi mà người thụ hưởng nhận được là đủ lớn để giúp họ giảm thiểu rủi ro gặp phải trong suốt cuộc đời của mình.
Thứ năm, tính bền vững của hệ thống về mặt tài chính. "Chúng tôi hiểu những hạn chế về tài khóa mà các quốc gia gặp phải khi thực hiện lựa chọn chi tiêu công. Với vị thế hiện nay của mình, Việt Nam hoàn toàn có thể xem xét tăng đầu tư vào bảo trợ xã hội nói chung và BHXH nói riêng do mức đầu tư của Việt Nam vào các hệ thống này vẫn còn thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của cả khu vực và thế giới", bà Pauline Tamesis nói.
Bà Pauline Tamesis cũng thông tin thêm: "Dựa trên nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc, đầu tư 1 triệu đồng vào các chính sách xã hội (như bảo trợ xã hội, giáo dục và y tế) sẽ giúp GDP quốc gia tăng thêm 3,2 triệu đồng".
Theo bà Pauline Tamesis, nghiên cứu này được tiến hành bởi nhiều cơ quan của Liên Hiệp Quốc, trong đó có Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Bộ LĐ-TB-XH. Nghiên cứu có dữ liệu về chính sách số nhân tài khóa (đo lường hiệu quả của việc tăng chi tiêu trong chính sách tài khóa của chính phủ đối với tổng sản lượng quốc gia GNP, hoặc tổng sản phẩm quốc nội GDP - PV), qua đó cung cấp minh chứng về khoản lợi nhuận đạt được khi đầu tư vào chính sách xã hội.
Việc đầu tư xã hội này không chỉ mang lại nhiều lợi ích xã hội mà còn đóng góp tăng trưởng bền vững và bao trùm hơn. Theo bà Pauline Tamesis, kinh nghiệm từ việc ứng phó với Covid-19 cho thấy các biện pháp về chính sách bảo trợ xã hội không chỉ có lợi trong việc ngăn chặn suy thoái kinh tế ở Việt Nam mà còn hỗ trợ sinh kế của người dân.
Bà Pauline Tamesis bày tỏ tự tin tưởng mối quan hệ đối tác, hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hiệp Quốc, UNFPA sẽ ngày càng phát triển. "Tôi cũng khẳng định chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam vì một Việt Nam phát triển bao trùm và bền vững", bà Pauline Tamesis nhấn mạnh.
Bình luận (0)