Theo TS Trần Du Lịch, thị trường bất động sản đóng góp trực tiếp khoảng 12% GDP nhưng đóng góp gián tiếp tới 20 - 25% tăng trưởng kinh tế vì bất động sản liên quan tới ít nhất 50 ngành kinh tế khác. Riêng tại TP.HCM, đây là ngành đứng thứ 4 trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực, có tác động rất lớn. Tăng trưởng kinh tế quý 1 của TP.HCM chỉ đạt 0,7%.
Đánh giá thị trường bất động sản hiện nay, ông Trần Du Lịch thẳng thắn nhìn nhận thị trường của Việt Nam vẫn méo mó, kích thích đầu cơ. Các sản phẩm bất động sản hiện phục vụ cho đầu cơ là chính, không đáp ứng cho nhu cầu người sử dụng, giá đất bị đẩy lên cao.
Trong khi đó, các nhà kinh doanh bất động sản sử dụng công cụ tài chính thái quá, không kiểm soát được rủi ro, gây hệ quả. Đó cũng là lý do từ quý 4 năm 2022, khi các dòng vốn gặp khó thì nhà đầu tư không có tiền phát triển, dự án "đứng bánh".
Thị trường thực tế chỉ đóng băng phân khúc cao cấp, bán thành phẩm, các sản phẩm không đủ pháp lý thuộc phân khúc đầu cơ. Với các thị trường khác, sản phẩm nếu thiếu thì có hàng bung ra ngay nhưng bất động sản khó tăng cung vì tất cả quy định hiện nay đang là điểm nghẽn, ức chế nguồn cung
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đề nghị các doanh nghiệp bất động sản lớn phải tự tái cơ cấu trước để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Đây là cơ hội để củng cố, phát triển bền vững, tránh tình trạng sau khủng hoảng lại tái khủng hoảng, không phải chỉ vực lên rồi cuối năm lại lo vực tiếp.
Bình luận (0)