Chuyên gia Mỹ: Triều Tiên sở hữu bom khinh khí là mối đe dọa có thật

17/12/2015 14:31 GMT+7

Triều Tiên đang phát triển bom khinh khí là mối đe dọa có thật, một chuyên gia của Mỹ cho biết. Các nước, đặc biệt là Mỹ cần có hành động ngăn chặn.

Triều Tiên đang phát triển bom khinh khí là mối đe dọa có thật, một chuyên gia của Mỹ cho biết. Các nước, đặc biệt là Mỹ cần có hành động ngăn chặn.

Triều Tiên nói rằng đang phát triển bom khinh khí - Ảnh minh họa: AFPTriều Tiên nói rằng đang phát triển bom khinh khí - Ảnh minh họa: AFP
Tuần qua, lãnh đạo của Triều Tiên, ông Kim Jong-un tiết lộ Bình Nhưỡng đang phát triển bom H, hay còn gọi là bom khinh khí. Tuy nhiên nhiều nước, thậm chí cả Mỹ và Hàn Quốc, nghi ngờ về tuyên bố của lãnh đạo Triều Tiên cũng như khả năng về công nghệ chế tạo vũ khí của Bình Nhưỡng.
Ông Joel Wit, biên tập viên của trang web 38 North - nơi cung cấp thông tin liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên do các chuyên gia của Mỹ nghiên cứu - nói trong một cuộc họp báo rằng bom H mà Triều Tiên tuyên bố đang phát triển “về mặt kỹ thuật là không thể, nhưng (Triều TIên) tạo ra vũ khí với năng lượng nhiệt hạch là có thể”, theo hãng tin Yonhap hôm nay 17.12.
Chuyên gia này cho biết, đến năm 2020 việc sở hữu bom khinh khí hay còn gọi là bom nhiệt hạch của Triều Tiên sẽ rõ nét hơn, và khi đó Bình Nhưỡng có thể sẽ có vũ khí nhiệt hạch giai đoạn đầu với sức công phá là 100 kiloton. Công nghệ của Triều Tiên cho phép nước này phát triển tiếp vũ khí ở giai đoạn 2.
Ông Wit cho rằng sức công phá của loại vũ khí nhiệt hạch mà Bình Nhưỡng sẽ phát triển lớn hơn rất nhiều so với bom nguyên tử thông thường. Hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến II có sức công phá tổng cộng tương đương 32 kiloton. Triều Tiên từng thử một loại thiết bị hạt nhân hồi năm 2013 có sức công phá khoảng 7 kiloton.
Ông Wit cho rằng Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân vì cảm thấy bị đe dọa. Từ những nhận định trên, ông Wit khuyến cáo Mỹ nên có hành động ngăn chặn bằng việc chấp nhận đề nghị đàm phán và ký kết hiệp ước hòa bình của Bình Nhưỡng. Triều Tiên chỉ cảm thấy an toàn khi hiệp định ngừng chiến trên bán đảo Triều Tiên được ký hồi năm 1953 được thay thế bằng hiệp ước hòa bình.
Mỹ và Hàn Quốc thúc giục Triều Tiên ngồi vào đàm phán để giải quyết chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng bằng một thỏa thuận phi hạt nhân hóa và chấm dứt phát triển hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không đồng ý đề nghị của Washington và Seoul, thay đó muốn đàm phán với Washington để ký kết hiệp ước hòa bình.
Lãnh đạo Triều Tiên dọa sẽ tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân cho đến khi Mỹ đồng ý ngồi vào đàm phán hiệp ước hòa bình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.