Xe

Chuyên gia Nga: Tại sao Nga lại lên tiếng về vấn đề Biển Đông?

18/04/2016 11:31 GMT+7

Phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phản đối việc quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông phản ánh chính sách xoay trục của Nga về phương Đông, đặc biệt là Đông Nam Á và Việt Nam.

Phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phản đối việc quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông phản ánh chính sách xoay trục của Nga về phương Đông, đặc biệt là Đông Nam Á và Việt Nam.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gây chú ý với phát ngôn gần đây về việc phản đối quốc tế hóa các vấn đề Biển Đông - Ảnh: ReutersNgoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gây chú ý với phát ngôn gần đây về việc phản đối quốc tế hóa các vấn đề Biển Đông - Ảnh: Reuters

Mới đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin về việc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ lập trường của Moscow đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông. Trong đó, ông Lavrov đã gây chú ý với việc ủng hộ việc giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp đàm phán song phương.

Điều này tạo ra dư luận trái chiều tại Trung Quốc và Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 14.4 đã lên tiếng về các phát ngôn của ông Lavrov, khẳng định lập trường của Việt Nam mong muốn giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế.

Nga đang chú trọng Đông Nam Á và Việt Nam

Ông Anton Tsvetov, chuyên gia của Hội đồng Quan hệ quốc tế Nga (RIAC), đã có những trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này.

Ông Anton Tsvetov đã từng trình bày tham luận về chiến lược của Nga với Biển Đông tại Vũng Tàu hồi tháng 11.2015, vừa có bài viết đăng trên tạp chí học thuật Contemporary Southeast Asia, do viện nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak đăng tải. Bài viết có tựa đề Sau Crimea: Đông Nam Á nằm trong chính sách Ngoại giao Nga.

Ông Anton Tsvetov, chuyên gia của Hội đồng Quan hệ quốc tế Nga (RIAC) cho rằng Nga đang rất chú trọng mối quan hệ với Việt Nam - Ảnh: Twitter

Sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 vào năm 2012, Tổng thống Vladimir Putin đã ký hàng loạt nghị định, trong đó “Nghị định tháng 5” liệt kê các chính sách đối ngoại ưu tiên của Nga. Châu Á - Thái Bình Dương xếp thứ 3 trong các khu vực địa chính trị ưu tiên sau Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và Liên minh châu Âu (EU).

Trong nhiệm vụ thúc đẩy hơn nữa tính hội nhập và sự chủ động vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nga xem trọng chương trình phát triển quan hệ đối tác với Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam. Nhóm tiếp theo trong ưu tiên này là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Vị trí nổi bật của Đông Nam Á và đặc biệt Việt Nam trong chương trình này chứng tỏ từ năm 2012, Nga đã dồn sự chú ý vào Đông Nam Á, theo ông Anton Tsvetov.

Vì tầm quan trọng của khu vực này, Nga rõ ràng không ngẫu nhiên đưa ra lập trường về mối quan tâm hàng đầu tại đây: Các tranh chấp Biển Đông. Và như thế, phát ngôn mới đây của Ngoại trưởng Nga về việc giải quyết tranh chấp thực sự đáng chú ý, dù không phải lần đầu ông Lavrov đề cập tới nó.

Tôi không nghĩ ông Lavrov có toan tính thời điểm gì với phát ngôn ấy, nhưng phải thừa nhận đây không phải thời điểm tốt nhất để nói như vậy

Ông Anton Tsvetov

“Tôi không nghĩ rằng Nga có ý định phô bày “trục phương Đông” qua phát ngôn của ông Lavrov nói riêng. Tuy nhiên dường như vô tình ông Lavrov đã làm sáng tỏ vị trí của Nga trên Biển Đông. Đây là những tranh chấp tâm điểm của khu vực, và nếu Nga đưa ra lập trường trong vấn đề này, nó thể hiện sự quan tâm lớn của Moscow”, ông Anton Tsvetov nói với Thanh Niên.

Đằng sau phát ngôn của ông Lavrov

Với ưu tiên thúc đẩy quan hệ đối tác với châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á, Việt Nam nói riêng, Nga cần phải có những bước hành xử thích hợp với tình hình khu vực. Chính vì vậy, việc ông Lavrov bất ngờ phát biểu về Biển Đông thực sự gợi nhiều suy nghĩ về câu chuyện này.

Thứ nhất, việc ông Lavrov phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông không đồng nghĩa Nga ủng hộ yêu sách pháp lý của Trung Quốc, theo ông Anton Tsvetov.

“Chúng ta phải nhớ rằng các tranh chấp này không nằm ở vấn đề duy nhất, mà là một tập hợp toàn bộ các vấn đề: chủ quyền, kiểm soát thực tế, các hoạt động cải tạo đất, tự do hàng hải, quản lý tài nguyên, hợp tác quốc tế, quan hệ giữa các nước lớn... Tất cả đều là những vấn đề ít nhiều mang tính riêng biệt, mặc dù chắc chắn nó có liên quan chặt chẽ với nhau. Như thế có nghĩa rằng Nga hay bất kỳ nước nào cũng có quan điểm khác biệt về các vấn đề này (một lĩnh vực tranh chấp riêng biệt xét trong tranh chấp tổng thể)”, ông Tsvetov nhận định.

Thứ hai, cũng chính vì thế, Nga chỉ đang sử dụng một phần cách tiếp cận các vấn đề của Biển Đông cho một cuộc chơi lớn của Nga: Đặt tầm ảnh hưởng của mình lên các khu vực địa chính trị, và dùng nó để nói lên quan điểm chung của Nga trong vấn đề toàn cầu cũng như riêng lẻ.

"Tôi nghĩ rằng phát biểu của ông Lavrov là sự phản ứng đối với tuyên bố của G7 về vấn đề Biển Đông. Cũng như Trung Quốc, Nga không đồng ý với vai trò quốc tế của G7", Tiến sĩ Mathieu Duchatel, Phó giám đốc Chương trình châu Á và Trung Quốc tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại, nghiên cứu tại SIPRI nói với Thanh Niên
       

Điểm cốt yếu Nga đang muốn đề cập ở đây, qua phát ngôn của ông Lavrov chính là nhắn nhủ tới Mỹ và NATO cho những vấn đề khác của họ. Nói theo ông Tsvetov, thì “sự can thiệp bên ngoài là điều lâu nay Nga luôn phản đối. Nó bắt nguồn từ một cảm giác rằng Mỹ, EU và NATO đang can thiệp vào mối quan hệ của Moscow với các nước láng giềng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tuyên bố đặc biệt này dựa nhiều vào cách tiếp cận tổng thể của Nga đối với chính trị toàn cầu liên quan đến Biển Đông”.

Cùng quan điểm ấy Tiến sĩ Mathieu Duchatel (người Pháp), Phó giám đốc Chương trình châu Á và Trung Quốc tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại, cho rằng phát ngôn của ông Lavrov là nhằm đáp lại các tuyên bố của nhóm các nước G7 về vấn đề Biển Đông.

Sau các mâu thuẫn xung quanh vấn đề về bán đảo Crimea và Ukraine, G7 đã loại Nga cuộc chơi của các cường quốc này (trước đó là G8, có thêm Nga - NV). Trước đó tại cuộc họp ở Hiroshima (Nhật Bản), ngoại trưởng các nước G7 phản đối các hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng Biển Đông, gia tăng căng thẳng; và kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng luật quốc tế.

Trao đổi với Thanh Niên, Tiến sĩ Mathieu Duchatel, người đang tham gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI, Thuỵ Điển), khẳng định Nga đang ủng hộ Trung Quốc về việc chống lại tầm ảnh hưởng của G7 – đó cũng là một cách thể hiện lập trường không quốc tế hóa các cuộc tranh chấp của riêng Nga.

Ông Anton Tsvetov: Nga sẽ cẩn trọng hơn trong thời gian tới

Tuyên bố của Ngoại trưởng Sergei Lavrov (về việc phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông) đã gây ra phản ứng tích cực và chính thức từ Trung Quốc, và tiêu cực từ Bộ Ngoại giao Việt Nam. Điều này chắc chắn sẽ kích thích dư luận Việt Nam và làm trầm trọng thêm những nghi ngờ của Việt Nam đối với mối quan hệ đang gia tăng mạnh mẽ của Nga với Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ của Nga với Việt Nam vẫn còn rất quan trọng và Moscow sẽ cố gắng cẩn thận hơn và sẽ sửa đổi, đặc biệt là trong Hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN lần thứ 20 diễn ra vào tháng 5 tới.

Tôi phải nói rằng đây là một tình huống khó khăn cho Nga. Có vẻ như khó cho Moscow trong việc làm cho cả Hà Nội và Bắc Kinh hài lòng. Cả hai đều là đối tác chiến lược quan trọng của Nga ở châu Á, cả hai đều có tầm quan trọng như nhau, mặc dù phải khẳng định quan hệ Nga và Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ.

Tuy nhiên tôi vẫn nghi ngờ việc Nga sẽ ủng hộ tuyên bố của Trung Quốc trong tương lai gần, dù không đề cập tới bất kỳ sự hỗ trợ quân sự hay chính trị của Moscow với Bắc Kinh trong trường hợp xuất hiện một cuộc đụng độ quân sự với bất kỳ bên nào đặt ra yêu sách (trên Biển Đông), vì Nga - Trung không phải là một liên minh.

Vì vậy, trong một thế giới hoàn hảo, Nga sẽ không đưa ra sự lựa chọn và tôi nghĩ cả Trung Quốc lẫn Việt Nam không nên tìm cách lôi kéo Nga về phía mình.

Nhật Đăng (ghi)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.