Xe

Chuyên gia Nga: Trung Quốc đang 'đi trước Mỹ một bước' ở Biển Đông

06/03/2016 15:20 GMT+7

Trung Quốc đang có nhiều lợi thế trước Mỹ trong cuộc đối đầu tại Biển Đông hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia Nga.

Trung Quốc đang có nhiều lợi thế trước Mỹ trong cuộc đối đầu tại Biển Đông hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia Nga.

Tên lửa diệt hạm Trung Quốc được cho là có khả năng đánh chìm tàu sân bay Mỹ - Ảnh: ReutersTên lửa diệt hạm Trung Quốc được cho là có khả năng đánh chìm tàu sân bay Mỹ - Ảnh: Reuters
Quy tắc địa chính trị
Bình luận về tình hình Biển Đông hiện nay, chuyên gia Mikhail Alexandrov của Trung tâm nghiên cứu chính trị và quân sự (thuộc Viện Moscow về quan hệ quốc tế) cho rằng tiến trình đang diễn ra tại khu vực này đi theo một quy tắc địa chính trị, hãng tin Sputnik ngày 5.3 dẫn lại từ báo Svobodnaya Pressa.
Sự tái cấu trúc các lực lượng đang diễn ra khắp thế giới và các trung tâm quyền lực độc lập với phương Tây đang nổi lên, tiêu biểu là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Brazil. Theo ông Alexandrov, Mỹ không thể nắm quyền kiểm soát toàn thế giới này nữa. Một khi Mỹ quyết định đối đầu với một trung tâm quyền lực nào đó, số còn lại sẽ nắm lấy cơ hội để nâng tầm ảnh hưởng.
Trung Quốc đang khai thác triệt để lợi thế này khi Nga và phương Tây đang có xung đột. Nguồn lực của Mỹ bị chia sẻ cho nhiều phía, từ châu Âu đến Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine. “Thậm chí có cả những bàn luận về khả năng chiến tranh tại châu Âu, rồi việc Mỹ làm leo thang căng thẳng tại vùng Baltic. Họ (Mỹ) bỏ qua thực tế rằng Trung Quốc có thể được mạnh lên nhờ vào đó”, chuyên gia Alexandrov phân tích.
Chuyên gia này nhận xét các bước đi của Trung Quốc là “tuyệt đối chính xác”. Trung Quốc nhìn thấy được việc nguồn lực của Mỹ bị phân tán và lợi dụng điều đó để triển khai máy bay chiến đấu, hệ thống tên lửa phòng không tại Biển Đông: “Mỹ nhận ra điều này quá trễ và nỗ lực khắc phục tình hình sẽ rất khó khăn”.
Trung Quốc đang tiến hành cải tổ quân đội mạnh mẽ, chuyển trọng tâm từ bộ binh sang hải quân và không quân - Ảnh: Reuters
“Trung Quốc giờ đã đủ sức chống lại 2-3 nhóm tàu sân bay Mỹ. Nga có thể hỗ trợ các tên lửa hành trình cho các căn cứ trên biển của Trung Quốc. Vì vậy chiến thắng trên biển cho Mỹ là điều không thể đảm bảo trong khi nếu thua, Mỹ sẽ mất quyền lãnh đạo thế giới và sẽ nhanh chóng sụp đổ như một toà tháp xây bằng các lá bài”, ông Alexandrov dự đoán.
Dẫn chứng cho điều này, chuyên gia cho biết Trung Quốc dù chưa sở hữu sức mạnh quân sự ngang bằng phương Tây nhưng quân đội nước này có những tàu ngầm mới, máy bay và tên lửa đạn đạo tầm trung hoàn toàn có khả năng tấn công nhóm tàu sân bay.
Việc của Trung Quốc là chứng minh sức mạnh để Mỹ không thể nhúng tay vào khu vực, và theo ông Alexandrov, Trung Quốc đang từng bước làm như vậy.
Chuyên gia Alexandrov nói rằng Mỹ có thể khởi động một cuộc chạy đua vũ trang đồng thời tại Biển Đông, châu Âu và vịnh Ba Tư như một giải pháp. Tuy nhiên, thực tế chẳng nước nào có khả năng làm được điều này vì lý do duy nhất: kinh tế!
Còn nếu Mỹ muốn phá bỏ hoàn toàn mối quan hệ thương mại với Trung Quốc như đã làm với Nga, một hệ thống tài chính “không phương Tây” sẽ được hình thành để thay thế. Và thực tế là một hệ thống như vậy đang xuất hiện là Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng.
Trung Quốc sẽ cắt giàm 300.000 quân từ các đơn vị chiến đấu lỗi thời - Ảnh: Reuters
Kế hoạch "chuyển mình" quân đội
Ngày 5.3, Trung Quốc công bố mức chi cho quốc phòng năm 2016 là 954,3 tỉ nhân dân tệ (146,6 tỉ USD), tăng 7,6% so với năm 2015. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2010 và nguyên nhân được cho là do kinh tế Trung Quốc đang bị chững lại. Tuy nhiên, với ngân sách quân sự nhiều thứ 2 thế giới (chỉ sau Mỹ) thì Trung Quốc rõ ràng đang cải tổ toàn diện từ trong ra ngoài.
Trung Quốc đang chuyển trọng tâm quân đội từ lực lượng trên bộ (chiếm 73%) sang hải quân và không quân, theo AP. Mục đích rõ ràng là nhắm vào khu vực Biển Đông. Hồi tháng 9.2015, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẽ cắt giảm 300.000 lính, chủ yếu từ các đơn vị không chiến đấu hoặc các đơn vị theo hệ thống cũ, lỗi thời.
Để chiếm ưu thế trong các cuộc không chiến, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào các máy bay Su-27 của Nga, thậm chí sao chép công nghệ để chế tạo tiêm kích J-11. Trung Quốc còn tự sản xuất chiến đấu cơ thế hệ mới J-10 và nâng cấp máy bay ném bom H-6. Lĩnh vực máy bay không người lái (UAV) cũng được Trung Quốc chú ý khi sản xuất các loại có khả năng có thể so sánh với các loại Predator và Reaper của Mỹ.
Lực lượng hải quân nước này cũng thay đổi, từ nhiệm vụ tuần tra bờ biển này có thể hoạt động ở các vùng biển xa. Nhiều tàu khu trục, tàu hộ vệ và tàu ngầm hạt nhân lần lượt được bổ sung mỗi năm, đặc biệt là tàu sân bay Liêu Ninh, dù tàu này chưa được hoàn thành đầy đủ tính năng.
Nhà bình luận Andrei Ivanov của Svobodnaya Pressa đánh giá tranh chấp giữa 2 cường quốc Trung Quốc và Mỹ không chỉ nằm ở các hòn đảo. Đó còn là cuộc đấu vì vai trò lãnh đạo thế giới, điều mà Mỹ khó lòng từ bỏ dễ dàng. Chuyên gia Alexandrov dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh tại Biển Đông trong khi Mỹ cần chứng tỏ mình vẫn là cường quốc về biển mạnh nhất. “Cuộc chạy đua vũ trang sẽ tiếp tục đến khi một bên hết hơi, nhiều khả năng là Mỹ”, theo chuyên gia này.
Vai trò của Nga
Trong bài phát biểu ngày 4.3, người phát ngôn Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc (Quốc hội Trung Quốc), bà Phó Oánh bất ngờ có nhiều lời lẽ "nồng ấm" về nước Nga khi chỉ trích hành động của Mỹ tại Biển Đông, theo Sputnik.
Bà Oánh cho rằng mối quan hệ Trung - Nga đang trong tình trạng tốt đẹp nhất trong lịch sử. Phát ngôn viên này nói Trung Quốc và Nga không có tranh chấp nghiêm trọng nào, không gây áp lực cho nhau và có thể hoàn toàn tập trung hợp tác.
Trên báo Svobodnaya Pressa, cây bút Andrei Ivanov bình luận lời lẽ của bà Phó Oánh cho thấy Trung Quốc đang có chính sách quyết đoán hơn tại Thái Bình Dương nhờ vào sự hỗ trợ của Nga.
Chuyên gia Mikhail Alexandrov cũng cho biết Trung Quốc đang nhận được sự hỗ trợ từ Nga. Nga là nước duy nhất bán công nghệ vũ khí hiện đại cho Trung Quốc. Hơn nữa, hai nước còn có một hiệp ước hữu nghị và hợp tác, nếu trong trường hợp Trung Quốc có xung đột với Mỹ, Nga có thể hỗ trợ cho Trung Quốc theo điều khoản hiệp ước.
Theo chuyên gia này, Nga đang nhắm mục tiêu tạo ra một hệ thống đa cực nhằm đẩy Mỹ khỏi vị trí bá quyền toàn cầu. Trong thế giới đa cực đó, một nước có thể thành lập liên minh để đối đầu với các nước khác. Hệ thống này thúc đẩy sự cân bằng quyền lực, giúp các nước linh hoạt và không nước nào nắm quyền quyết định đối với vấn đề thế giới.
“Khi hệ thống đa trung tâm này được tạo ra, Nga sẽ có thể đánh giá việc tiếp tục hợp tác với Trung Quốc có lợi hay không. Tuy nhiên ở thời điểm hiện nay, sự hợp tác này là một thuận lợi”, theo ông Alexandrov.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.