Chuyên gia quốc tế: Trung Quốc nên lắng nghe quan ngại của láng giềng

10/06/2023 15:26 GMT+7

Hành vi của Trung Quốc được cho là tác nhân chính dẫn đến việc ngày càng có nhiều nước Đông Nam Á liên kết với Mỹ.

Trong bài bình luận mới đây trên tờ The Japan Times, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) đã có những phản biện đối với lập luận của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Trung Quốc về tình hình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông cho rằng Trung Quốc gây lo ngại cho các nước láng giềng, dẫn đến sự hợp tác tự nhiên của họ với những bên khác. Cụ thể, nội dung lược dịch của bài viết như sau.

Mỹ gây bất hòa?

Tại diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La, diễn ra vào cuối tuần trước ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc cho rằng sự thiếu tôn trọng và sự khiêu khích tiếp diễn của Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản là lý do mà ông không gặp người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin, và cũng là nguyên nhân gây gia tăng sự tiêu cực trong mối quan hệ song phương.

Bộ trưởng Lý không phân tích rõ phát biểu của ông. Ông chỉ công khai đặt câu hỏi về sự hiện diện của Mỹ tại "vùng biển và không phận của Trung Quốc". Ông nhấn mạnh rằng sau các sự cố suýt va chạm trên không và trên biển gần đây, cách tốt nhất để ngăn chặn việc đó lặp lại là tàu thuyền và máy bay quân sự của Mỹ và các nước khác phải tránh xa các khu vực được nhắc đến.

Trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện chính sách gây sức ép kinh tế, chiến lược vùng xám ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), thì việc Bắc Kinh cáo buộc "các hành động hung hăng của Mỹ và đồng minh", có nhiều sự thật khó chấp nhận (đối với Trung Quốc) cần được làm rõ.

Chuyên gia quốc tế: Trung Quốc nên lắng nghe quan ngại của láng giềng - Ảnh 1.

Tàu sân bay Liêu Ninh và các tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận tại tây Thái Bình Dương

REUTERS

Trước tiên, các nước Đông Nam Á tuy có quan điểm khác biệt về mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng cả Nhật Bản và Mỹ đều không thể gây ảnh hưởng nhiều đến những quan điểm đó.

Ví dụ, trong Báo cáo khảo sát 2023 về Tình trạng Đông Nam Á do Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á-Yusof Ishak (Singapore) thực hiện, 41,5% người trả lời nói rằng Trung Quốc vẫn là nước có sức ảnh hưởng và sức mạnh chiến lược lớn nhất tại Đông Nam Á, tiếp theo mới đến Mỹ (31,9%) và ASEAN (13,1%). Trong khi Trung Quốc duy trì vị trí dẫn đầu, sức ảnh hưởng của họ đã suy giảm đáng kể từ mức 54,4% vào năm 2022, trước sự ảnh hưởng chính trị và chiến lược ngày càng tăng của Mỹ và ASEAN.

Cuộc khảo sát cũng nhấn mạnh rằng "sự ủng hộ của những người trả lời khảo sát tại Đông Nam Á dành cho Mỹ tiếp tục tăng (từ 57% vào năm 2022 lên 61,1% trong năm 2023) so với 38,9% người trả lời khảo sát chọn Trung Quốc, làm nới rộng khoảng cách giữa hai cường quốc". Trong khi đó, gần một nửa số người trả lời nói "ít tin tưởng" (30,8%) hoặc "không tin tưởng" (19%) Trung Quốc "sẽ làm điều đúng đắn" để đóng góp cho hòa bình, an ninh, thịnh vượng và việc quản trị toàn cầu.

Hơn nữa, khảo sát cho thấy "hầu hết thành viên ASEAN - trừ Brunei, Campuchia và Lào - có mức độ không tin tưởng Trung Quốc cao hơn mức độ tin tưởng". Cụ thể, mức độ không tin tưởng Trung Quốc tại Myanmar là 80%, Philippines 62,7%, Indonesia 57,8%, Thái Lan 56,9% và Singapore 56,3%.

Thái độ khác biệt được thể hiện trong cuộc khảo sát này tương tự như Khảo sát ASEAN Trung Quốc 2022, trong đó các nước ASEAN có thái độ tích cực về mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng tiêu cực về mối quan hệ chính trị và an ninh, ví dụ như liên quan Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). Chỉ 27,4% người trả lời khảo sát có sự tin tưởng vào Trung Quốc, trong khi 42,8% không trả lời và 29,6% trả lời tiêu cực.

Như vậy, điều rõ ràng là việc các nước Đông Nam Á có quan điểm đa dạng về mối quan hệ của họ với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc này không phản ánh những lời quả quyết được Bắc Kinh lặp đi lặp lại rằng Mỹ đang xúi giục hoặc gây ảnh hưởng các nước láng giềng của Trung Quốc để "lập hội" hoặc có quan điểm "chống Trung Quốc".

Mối lo ngại về Trung Quốc

Tương tự như Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc tuy coi trọng mối quan hệ kinh tế - chính trị với Trung Quốc, nhưng cũng có những e ngại về hành vi và các chính sách của nước này.

Tổ chức phi chính phủ Genron (Nhật Bản), thường khảo sát công dân Nhật Bản và Trung Quốc về những nhận thức chung của họ, đã có báo cáo chỉ ra rằng nhiều người Nhật công nhận tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế và chính trị ổn định với Trung Quốc. Nhưng đồng thời, người trả lời khảo sát Nhật Bản cũng nói họ có những lo ngại về hành vi và chính sách của Trung Quốc. Những mối lo ngại hiện nay gồm nỗ lực tái thống nhất với Đài Loan bằng vũ lực, áp dụng Luật An ninh quốc gia mới tại Hồng Kông… Việc gây sức ép kinh tế và làm gián đoạn chuỗi cung ứng cũng đã trở thành một mối lo ngại.

Tương tự, theo Dự án Sinophone Borderlands (Đại học Palacky ở Olomouc - CH Czech), dự án đo mức độ tác động toàn cầu của Trung Quốc, 81% người Hàn Quốc bày tỏ cảm giác tiêu cực hoặc rất tiêu cực về Trung Quốc, lớn hơn nhiều so với toàn bộ 56 nước được khảo sát trên toàn cầu. Sự ủng hộ gián tiếp đối với bán đảo Triều Tiên bị phân chia, việc từ chối lên án các cuộc tấn công của CHDCND Triều Tiên đối với Hàn Quốc, như vụ nã pháo vào một ngôi làng trên đảo Yeonpyeong hồi năm 2010 hay vụ chiến hạm Cheonan lớp Pohang của Hải quân Hàn Quốc bị đánh chìm cùng năm, và lệnh cấm vận không chính thức lên Hàn Quốc hồi năm 2016 sau khi nước này cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo THAAD, đều góp phần dẫn đến sự lo ngại về Trung Quốc.

Vì thế, theo GS Nagy, những bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Lý không dựa trên những nhận thức của các láng giềng với Trung Quốc.

Những lo ngại về Trung Quốc với sự cưỡng ép kinh tế, chiến lược vùng xám… trong khu vực cùng tồn tại với mối quan tâm sâu sắc trong việc duy trì mối quan hệ kinh tế vững mạnh với nước này.

Đối với các nước láng giềng của Trung Quốc, họ hiểu rằng sự phát triển và nền kinh tế của họ gắn liền với sự hội nhập kinh tế thông minh và có chọn lọc với Bắc Kinh, giúp tối đa hóa sự tự chủ chiến lược của họ và giảm thiểu khả năng họ phải đối mặt với sự chèn ép kinh tế và vũ khí hóa các chuỗi cung ứng.

Bắc Kinh quân sự hóa và hệ quả tất yếu

Thêm nữa, theo GS Nagy, những bình luận của Bộ trưởng Lý liên quan "vùng biển và không phận" đặt ra những câu hỏi khác về mức độ của những yêu sách của Trung Quốc.

Lập luận cho rằng "Mỹ đang thắt chặt hợp tác quân sự tại "sân sau" của Trung Quốc" đang gây tổn hại cho những tuyên bố chủ quyền chính đáng của các nước khác đối với vùng biển và vùng trời bị Trung Quốc ra yêu sách.

"Có phải biển Hoa Đông và Biển Đông là một phần sân sau của Trung Quốc? Tôi dám chắc Nhật Bản, Đài Loan và các nước Đông Nam Á chắc chắn sẽ có một quan điểm khác, giống như Mỹ, Canada, EU, Úc và những bên khác, coi yêu sách của Trung Quốc là phi pháp theo luật quốc tế", GS Nagy viết.

Chuyên gia quốc tế: Trung Quốc nên lắng nghe quan ngại của láng giềng - Ảnh 2.

Tàu thuyền tại eo biển Singapore, nối Biển Đông với eo biển Malacca. Sự hoà bình, ổn định ở Biển Đông giúp đảm bảo lợi ích chung của khu vực

AFP

Theo quan điểm của Nhật Bản, Philippines hay Đài Loan, việc họ củng cố mối quan hệ quốc phòng với Mỹ và các hình thức hợp tác chiến lược với các nước như Ấn Độ và Úc là hệ quả tự nhiên của hành vi của Trung Quốc.

Ví dụ, từ khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, nỗ lực quân sự hóa liên tục của Bắc Kinh đã không suy giảm. Từ năm 2000 - 2010, chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng ít nhất 10% mỗi năm. Mức tăng gần đây nhất là 7% cho tài khóa 2022, đưa ngân sách quốc phòng vượt mốc 229 tỉ USD.

Trung Quốc cũng đã triển khai các hệ thống phong tỏa/chống tiếp cận rộng lớn nhằm phá vỡ những lợi thế bất đối xứng của hải quân Mỹ, bằng cách bố trí các hệ thống "sát thủ diệt tàu sân bay" và vũ khí tấn công khác dọc bờ biển phía đông, qua đó đe dọa cấu trúc an ninh được Mỹ ủng hộ nhằm bảo vệ các đồng minh của Washington tại khu vực.

Cùng với đợt tập trận quy mô lớn của Trung Quốc quanh Đài Loan hồi tháng 8.2022 sau chuyến thăm của bà Nancy Pelosi (khi đó là Chủ tịch Hạ viện Mỹ) đến hòn đảo, các cuộc tập trận với sự tham gia của các khí tài trên bộ và trên biển như các tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông, hành vi của Bắc Kinh đặt ra rủi ro nghiêm trọng cho các tuyến giao thông trên biển dọc Đài Loan và là tuyến giao thông huyết mạch cho việc xuất nhập khẩu và nguồn năng lượng của Nhật Bản.

Đối với các nước Đông Nam Á như Philippines, việc triển khai tàu hàng và tàu quân sự trong vùng biển gần bờ của họ cũng bị đe dọa tương xứng.

Sự thật (mà Trung Quốc khó chấp nhận) là Indo-Pacific và các tuyến giao thông hàng hải tại đó là lợi ích chung quan trọng, giúp mang lại hòa bình, thịnh vượng và ổn định cho khu vực.

Thay vì tham gia vào một chiến lược lâu dài nhằm sửa đổi các quy tắc và cấu trúc khu vực, Trung Quốc nên chú ý hơn về sự lo lắng ngày càng tăng của các nước láng giềng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.