Theo Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về hiện tượng El Nino (CIIFEN) có trụ sở tại Ecuador và cơ quan khí tượng thủy văn Peru SENAMHI, El Nino gần đây nằm trong số 5 đợt mạnh nhất kể từ năm 1950.
"Mô hình đã thay đổi rất nhiều... Trước đây hiện tượng El Nino không có tác động đáng kể thì bây giờ chúng đang diễn ra với cường độ mạnh hơn", Reuters dẫn lời bà Yolanda Gonzalez Hernandez, giám đốc CIIFEN, cho biết trong cuộc họp báo ở Lima (thủ đô Peru) ngày 25.4. Cuộc họp báo diễn ra sau hội nghị về khí hậu quy tụ các chuyên gia trong khu vực.
Bà Gonzalez cho biết thay đổi nhiệt độ sẽ nhanh hơn, với hiện tượng La Nina dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm nay, thay thế cho El Nino đang bắt đầu suy yếu.
El Nino và La Nina tác động rõ rệt đến các khu vực khác nhau trên thế giới. Ở Mỹ Latinh, chúng đã ảnh hưởng đến các loại cây trồng như lúa mì, đậu nành và ngô, gây thiệt hại cho các nền kinh tế vốn thường phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp ở khu vực.
"Chúng tôi đang phá vỡ các kỷ lục ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu về sự bất thường của nhiệt độ một cách không ngừng nghỉ", bà Gonzalez nói.
Thêm một kỷ lục đáng lo về nhiệt độ toàn cầu
Nhiệt độ được ước tính là trên mức bình thường ở phần lớn Nam Mỹ, mặc dù dưới mức bình thường ở vùng duyên hải Ecuador, miền bắc Peru, miền nam Argentina và Chile.
Theo CIIFEN, với hiện tượng El Nino gần đây, Peru đã có mùa đông ấm nhất trong 60 năm qua, trong khi ở Colombia, nhiệt độ đạt kỷ lục ở nhiều vùng khác nhau của đất nước.
Argentina và Chile có nhiều mưa hơn. Điều này đã tạo thuận lợi cho sản xuất đậu nành và ngô ở Argentina sau đợt hạn hán năm trước.
Bình luận (0)