Chuyên gia toàn cầu hiến kế cho VN

14/12/2016 06:33 GMT+7

Hội nghị bàn tròn với mạng lưới chuyên gia toàn cầu về phát triển VN đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Chiều 13.12, Hội nghị bàn tròn với mạng lưới chuyên gia toàn cầu về phát triển VN đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Đây là một trong nhiều hội nghị tham vấn chính sách cho Chính phủ với sự tham dự của đông đảo chuyên gia quốc tế và trí thức VN ở nước ngoài được tổ chức, góp phần tích cực tạo kênh đối thoại quan trọng để trí thức đóng góp ý kiến phản biện vào quá trình hoạch định và điều hành chính sách của Chính phủ.
Hội nghị đã thảo luận về ba chủ đề là định vị VN trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; chính sách công nghiệp cho VN trong giai đoạn tới và phá bỏ điểm nghẽn tăng trưởng và kiến tạo phát triển.
Lắng nghe với tinh thần cầu thị
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Chính phủ luôn cố gắng lắng nghe với tinh thần cầu thị các ý kiến của người dân, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, lắng nghe hơi thở cuộc sống, những vấn đề bất cập để có giải pháp ứng phó nhằm phát triển bền vững.
PGS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ), trong công trình nghiên cứu của mình đã chỉ ra những điểm nghẽn đối với sự tăng trưởng của VN, như chi phí tài chính, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, hiệu quả của bộ máy hành chính… PGS Trần Ngọc Anh tính toán, nếu hiệu quả của chính quyền tăng 10% thì GDP tăng thêm được 3,6%.
Trong khi đó, GS Trần Văn Thọ từ Đại học Waseda (Nhật Bản) đã chỉ ra 3 thách thức của trào lưu công nghiệp hóa hiện nay đối với các nước đang công nghiệp hóa như VN, bao gồm cạnh tranh gay gắt giữa các nước công nghiệp mới do cầu giảm sau khủng hoảng toàn cầu 2008 và dư thừa năng lực sản xuất; nhiều nước ở giai đoạn thu nhập trung bình và trung bình thấp rơi vào tình trạng “thoát công nghệ hóa còn non”; nhu cầu sử dụng lao động trong sản xuất công nghiệp giảm mạnh do cách mạng công nghiệp ngày càng phát triển theo hướng tự động hóa và mạng hóa. GS Thọ cho rằng, trong bối cảnh VN đang tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc tránh được bẫy gia công khi tham gia chuỗi giá trị là một thách thức không nhỏ, đang là mối quan tâm, trăn trở của các nhà hoạch định chính sách.
“Tôi rất muốn nghe thêm ý kiến của GS Ngô Bảo Châu và tôi biết Viện Toán có nhiều hoạt động hết sức thiết thực. Chúng tôi muốn nghe việc ứng dụng toán trong phân tích kinh tế. Tôi cũng rất muốn nghe thêm ý kiến của PGS Andreas Hauskrecht, chuyên gia về tài chính quốc tế, về dự đoán tình hình tài chính, kinh tế tiền tệ thế giới và gợi ý cho VN”, Thủ tướng nói và cho rằng, Chính phủ trân trọng và sẽ tiếp tục dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe các ý kiến của chuyên gia và “cuộc thảo luận của chúng ta sẽ kéo dài hơn chứ không chỉ có hơn 2 tiếng đồng hồ”.
Xây dựng kênh huy động nguồn tri thức quốc tế
Trên tinh thần lắng nghe và hành động, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Ngoại giao và nhóm Sáng kiến VN xây dựng kênh huy động nguồn tri thức quốc tế kết hợp với nguồn tri thức trong nước để thường xuyên hỗ trợ Chính phủ trong tư vấn chính sách, chia sẻ thông tin trong khuôn khổ pháp luật. Hoạt động cần có kết quả cụ thể, thiết thực.
Lãnh đạo Chính phủ cũng gợi ý Bộ Công thương có thể trao đổi sâu hơn với nhóm nghiên cứu của GS Hausmann, GS Trần Văn Thọ, PGS Trần Ngọc Anh và các chuyên gia khác về công nghiệp, thương mại để đánh giá chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với sự tham gia dịch chuyển trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu của kinh tế VN và các chính sách về công nghiệp hóa. Báo cáo Chính phủ về những tiến bộ hằng năm của VN.
Thủ tướng tán thành cách đặt vấn đề của GS Trần Ngọc Anh về việc để xóa bỏ điểm nghẽn và đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu các mô hình chấm điểm hành chính công một cách thấu đáo. “Cái gì cũng cần được lượng hóa chứ không thể nói nhiệt tình một cách chung chung”, Thủ tướng nhấn mạnh và giao Văn phòng Chính phủ cùng Bộ Nội vụ phối hợp với nhóm Sáng kiến VN xây dựng hệ thống đánh giá quốc gia cho Chính phủ.
“Với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, tôi nhấn mạnh rằng Đảng và Nhà nước VN luôn chào đón, cầu thị và mong muốn nhận được sự đóng góp, hỗ trợ của các nhà khoa học, các chuyên gia cả trong và ngoài nước. Và đây chỉ là cuộc họp mở đầu. Tôi mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, thường xuyên hơn để từ các ý kiến của quý vị, chúng tôi sẽ tiếp thu, xây dựng, sửa chữa, bổ khuyết những vấn đề về thể chế, chính sách hiện nay, góp phần phát triển đất nước VN”, Thủ tướng bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.