Bộ Công thương đã có quyết định dịch chuyển giờ phát điện cao điểm nhà máy thủy điện nhỏ từ khung thời gian 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 sang khung thời gian từ 6 giờ đến 8 giờ trong các ngày từ thứ 2 đến thứ 7.
Quyết định này áp dụng đối với các đối tượng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Nam; các tổ chức, cá nhân bán điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ.
Cùng với đó, Bộ Công thương cũng đưa ra nguyên tắc việc dịch chuyển giờ phát điện cao điểm của nhà máy thủy điện nhỏ là căn cứ nhu cầu phụ tải của hệ thống điện tại từng khu vực, có xét đến các phụ tải đã tự dùng điện mặt trời áp mái để tính toán, xác định các nhà máy thủy điện nhỏ cần thiết phải dịch chuyển giờ phát điện cao điểm (không dịch chuyển giờ phát điện cao điểm đối với từng tổ máy).
Đặc biệt, việc dịch chuyển giờ phát điện cao điểm các nhà máy thủy điện nhỏ phải đảm bảo an ninh hệ thống điện quốc gia, đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, ổn định, tin cậy và hiệu quả. Việc dịch chuyển giờ phát điện cao điểm của các nhà máy thủy điện nhỏ không làm phát sinh tăng chi phí khi mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ so với trước thời điểm dịch chuyển giờ phát điện cao điểm, gây áp lực đến việc điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Bộ Công thương giao EVN đánh giá kết quả thực tế thực hiện, tình hình vận hành hệ thống điện và chi phí phát sinh khi thực hiện dịch chuyển giờ phát điện cao điểm các nhà máy thủy điện nhỏ báo cáo Bộ Công thương trước ngày 1.12.2021. Các nhà máy thủy điện nhỏ có trách nhiệm phối hợp với EVN trong việc thỏa thuận, thống nhất hợp đồng sửa đổi bổ sung hợp đồng mua bán điện việc dịch chuyển giờ phát điện cao điểm.
Câu chuyện chuyển giờ phát của thuỷ điện từng được các chuyên gia lẫn các thành viên của Diễn đàn năng lượng tái tạo Việt Nam thảo luận rất nhiều vào cuối năm ngoái, khi mà việc cắt giảm điện mặt trời diễn ra nhiều do nhu cầu sử dụng điện (phụ tải) xuống thấp. Có nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển giờ phát của thuỷ điện sẽ giúp cho việc huy động điện mặt trời, nhất là vào giờ cao điểm sáng được tốt hơn, tránh tổn thất cho các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo khi phải thường xuyên chịu cảnh giảm phát.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, "ai đến trước thì được giữ chỗ trước", nên không lý gì các dự án thuỷ điện nhỏ phải "nhường giờ phát đẹp" cho các dự án điện mặt trời đến sau, nhất là khi các dự án này vào ồ ạt, phá vỡ quy hoạch năng lượng tái tạo.
|
Chia sẻ với Thanh Niên, một cán bộ Cục Điều tiết Điện lực cho hay, việc điều chỉnh này đáp ứng nhu cầu cấp bách an ninh hệ thong trong trường hợp thừa nguồn, nhất là giai đoạn khi phụ tải xuống rất thấp vừa qua.
Còn trong trường hợp dịch Covid-19 qua đi, phụ tải tăng và quay lại như các năm trước thì giờ phát sẽ được xem xét, điều chỉnh lại. Hiện nay, chưa có đơn vị nào phàn nàn mà thậm chí ngược lại, các nhà máy đồng tình, biểu đồ điều độ hệ thống điện cho thấy đồ thị tải hệ thống có hiệu quả, việc tiết giảm năng lượng tái tạo ít đi so với ước tính ban đầu, vị này nói.
Báo cáo mới đây của EVN cho hay, trong 3 tháng đầu năm, điện mặt trời huy động cho hệ thống điện quốc gia đã lên tới 7,13 tỉ kWh trong tổng số 7,79 tỉ kWh của nguồn điện năng lượng tái tạo. Điều này giúp tăng trưởng của nguồn điện tái tạo lên tới 180,6% so với thời gian này năm ngoái.
Dù vậy, EVN cũng cho hay, trong 3 tháng qua, tập đoàn gặp một số khó khăn trong huy động nguồn linh hoạt, các tổ máy thủy điện phải thay đổi linh hoạt công suất để bù đắp thay đổi năng lượng tái tạo, ảnh hưởng đến an ninh cấp điện cuối mùa khô. Cùng với đó, việc tăng số lần khởi động/thay đổi công suất các tổ máy nhiệt điện than/tuabin khí, làm tăng nguy cơ sự cố tổ máy...
Bình luận (0)