Hôm nay, 22.2, Bộ Công thương vừa phát đi thông báo chính thức lấy ý kiến rộng rãi cho bản dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong đó có nhiều con số về năng lượng tái tạo (NLTT) rất đáng chú ý.
Vượt xa dự kiến 121 GW trong cơ cấu nguồn năm 2045
Đánh giá về kết quả xây dựng nguồn điện, dự thảo Quy hoạch điện VIII cho hay, trong khi tổng các nguồn điện chỉ đạt 93,7% tổng công suất đặt so với quy hoạch cho giai đoạn 2016 - 2020, trong đó các nguồn nhiệt điện chỉ đạt 57,6% thì các nguồn NLTT lại vượt mức tới 205%.
Tính đến hết 2020, hệ thống điện của Việt Nam có tổng công suất lắp đặt nguồn khoảng 69 GW, trong đó nhiệt điện than khoảng 30%, thuỷ điện chiếm 30%, tuabin khí và nhiệt điện chạy dầu khoảng 13%. Số còn lại là NLTT (26%) và nhập khẩu. Trong số 26% của NLTT thì điện mặt trời chiếm 24%, điện gió 1%, điện sinh khối 1%.
Về điện mặt trời, nếu như cuối 2019 mới chỉ khoảng 4,7 GW thì 1 năm sau đã tăng lên tới 16,7 GW.
Nhưng đáng chú ý, dự thảo quy hoạch cho hay nếu tính cả dự án đã vận hành, được bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh và cả dự án đã đăng ký để bổ sung vào quy hoạch thì tỷ trọng năng lượng tái tạo đết tháng 1.2021 lên tới 180 GW. Con số này đã vượt xa con số dự kiến 121 GW trong cơ cấu nguồn năm 2045.
Đơn cử như tính riêng về điện mặt trời, năm 2030, kết quả tính toán tối ưu ở khu vực Tây nguyên đạt khoảng 1.500 MW, nhưng tổng công suất đã và đang đăng ký đầu tư là 5.500 MW. Hay khu vực Nam Trung bộ, tính toán đạt khoảng 5.200 MW nhưng đã đăng ký tới 11.600 MW. Tương tự, khu vực Nam bộ dự kiến đạt khoảng 9.200 MW nhưng đã đăng ký 14.800 MW.
Hoặc đối với điện gió, năm 2030, chương trình phát triển nguồn điện tối ưu đề xuất khu vực Tây nguyên là 4.000 MW nhưng đã đăng ký gấp 2,5 lần; khu vực Nam bộ đề xuất 6.800 MW nhưng đã đăng ký lên tới 17.000 MW.
|
Dự thảo cho rằng việc phát triển các nguồn NLTT cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo hiệu quả chung của hệ thống điện (do nguồn NLTT có giá thành còn cao); đồng thời, cần đánh giá cả các vấn đề môi trường của các dự án: đánh giá việc sử dụng đất của dự án, các vấn đề về thu gom, xử lý chất thải như các tấm pin mặt trời, ắc quy…
Rào cản về cơ chế bù giá
Bản báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại trong phát triển NLTT như rào cản về cơ chế bù giá. Bởi hiện nay giá điện từ nguồn NLTT cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện lớn, …). Trong khi chi phí bù giá cho NLTT đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện. Do đó, khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện.
Bên cạnh đó là rào cản về kỹ thuật. Do phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, địa hình, khí hậu… nên tiềm năng các nguồn NLTT thường tập trung ở một số tỉnh, địa phương (phần lớn các tỉnh có phụ tải tiêu thụ tại chỗ nhỏ), hệ thống lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu về truyền tải công suất.
Trong hệ thống điện có tích hợp số lượng lớn các nguồn điện không ổn định như gió và mặt trời cần phải xây dựng nguồn điện dự phòng lớn gây lãng phí đầu tư trên lưới. Nhưng việc nghiên cứu, xây dựng và vận hành các thiết bị tích trữ điện năng; xây dựng các hệ thống lưới điện thông minh, xây dựng hệ thống dự báo thời tiết, khí tượng theo thời gian thực; các vấn đề về điều khiển trào lưu công suất, điều khiển điện áp; tần số, triệt tiêu sóng hài trong hệ thống có tỷ trọng lớn NLTT... vẫn chưa đáp ứng đòi hỏi thực tế.
Cùng với đó, trong thời gian qua, tiến độ xây dựng một số công trình lưới điện để đảm bảo giải tỏa công suất các nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch tại những tỉnh có tiềm năng lớn về điện gió, điện mặt trời như Ninh Thuận, Bình Thuận… còn chậm. Việc bổ sung quy hoạch các dự án mới tại các khu vực có khả năng đầy/quá tải khó khăn.
Liên quan đến các dự án NLTT, như Thanh Niên đã thông tin, ngày 18.2, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký văn bản trả lời một số công văn của Bộ Công thương về việc rà soát các dự án điện gió đã hoàn thành công tác thẩm định nhằm kiến nghị bổ sung vào quy hoạch.
Theo đó, “không xem xét bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh các dự án mà Bộ Công thương đề xuất” mà “đưa vào quy hoạch VIII”. Lý do là bởi Quy hoạch VII điều chỉnh đã có 11.800 MW điện gió là “mức rất cao”, nhưng đến hết 2020 mới chỉ có 538 MW được vận hành, còn tới hơn 11.260MW đang được triển khai.
|
Bình luận (0)