Nỗi lo thừa điện: Tạm ngưng bổ sung dự án mới

Chí Hiếu
Chí Hiếu
21/02/2021 07:46 GMT+7

Chính phủ một lần nữa yêu cầu rà soát, không để phát triển điện mặt trời chạy theo phong trào đồng thời chưa bổ sung thêm hàng chục dự án điện gió dù đã thẩm định xong.

Trước tình trạng phát triển nóng điện mặt trời, gây quá tải lưới và phải cắt giảm nguồn phát, Chính phủ một lần nữa yêu cầu rà soát, không để phát triển điện mặt trời chạy theo phong trào đồng thời chưa bổ sung thêm hàng chục dự án điện gió dù đã thẩm định xong.

Lịch sử lặp lại

Những ngày cuối tháng 12.2020, hầu hết các công ty điện lực tỉnh ở khu vực phía Nam, Tây Nguyên phải huy động hết nhân lực, làm việc cả ngày thứ 7, chủ nhật để kịp nghiệm thu cho các dự án điện mặt trời mái nhà đang mở hết tốc lực chạy đua kịp mốc trước 31.12 đưa vào đấu nối, phát điện để hưởng giá ưu đãi.
Đó là câu chuyện gần như lặp lại y nguyên của những ngày hè năm 2019, khi các dự án điện mặt trời trang trại chạy nước rút đến “giờ G” để hưởng chính sách ưu đãi về giá FIT sẽ hết hạn sau ngày 30.6 năm đó.
Nói về những ngày đó, nhiều lãnh đạo ngành điện đã không ngần ngại nhận định “có lẽ chưa có trong lịch sử, kể cả của ngành điện thế giới” khi trong một thời gian rất ngắn, hàng chục dự án điện mặt trời được đấu nối cấp tập, khiến ngành điện phải huy động lại cả những cán bộ đã nghỉ hưu để làm hợp đồng thời vụ.
Trước việc phát triển nóng các dự án điện mặt trời, Chính phủ khi đó cũng đã phải ra thông báo rà soát các dự án điện mặt trời nhằm “hạ nhiệt” tình hình. Và chỉ đạo tương tự một lần nữa lặp lại khi ngay trước tết nguyên đán 2021, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lại phải ký văn bản chỉ đạo rà soát với nhiều yêu cầu rất mạnh mẽ.
Tại chỉ đạo ban hành ngay trước tết, bên cạnh việc ghi nhận đạt được nhiều kết quả tích cực, đã thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực phát triển điện mặt trời, Chính phủ cũng cho rằng “việc phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt vào tháng 12.2020 gây khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện quốc gia”.

Điện mặt trời mái nhà đã có 1 năm 2020 phát triển rực rỡ

Ảnh Chí Hiếu

Để đảm bảo việc phát triển điện mặt trời theo đúng quy định và phát huy hiệu quả chung tốt nhất, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, EVN và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát tổng thể việc triển khai các dự án điện mặt trời mặt đất và điện mặt trời mái nhà hiện nay. “Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra về phát triển điện mặt trời mái nhà tại các địa phương, các công ty điện lực, bảo đảm theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm nếu có, nhất là các hành vi trục lợi chính sách trong triển khai điện mặt trời áp mái thời gian qua”, văn bản nêu rõ.

"Không làm điện mặt trời theo phong trào"

Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý có hiệu quả tốt nhất đối với nguồn năng lượng tái tạo, tuyệt đối không để xảy ra việc có sơ hở trong các cơ chế, chính sách; chỉ đạo xây dựng và thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế tối đa việc cắt giảm nguồn điện năng lượng tái tạo đã đưa vào vận hành, hạn chế tối đa thiệt hại kinh tế của nhà đầu tư và lãng phí nguồn năng lượng tái tạo.
Chỉ đạo cũng lưu ý “tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt điện mặt trời trên địa bàn theo phong trào”, thiếu sự kiểm soát gây quá tải lưới điện khu vực và hậu quả xấu sau này. UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư được giao phối hợp với Bộ Công thương, EVN trong công tác kiểm tra, thanh tra về phát triển điện mặt trời mái nhà tại địa phương, các công ty điện lực thời gian vừa qua; xử lý nghiêm trong phạm vi thẩm quyền các sai phạm nếu có.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của Thanh Niên, ngày 18.2, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng vừa ký văn bản trả lời một số công văn của Bộ Công thương về việc rà soát các dự án điện gió đã hoàn thành công tác thẩm định vào quy hoạch.
Theo đó, “không xem xét bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh các dự án mà Bộ Công thương đề xuất” mà “đưa vào quy hoạch VIII” (quy hoạch VIII hiện đang được Bộ Công thương chủ trì để lập). Lý do là bởi Quy hoạch VII điều chỉnh đã có 11.800 MW điện gió là “mức rất cao”, nhưng đến hết 2020 mới chỉ có 538 MW được vận hành, còn tới hơn 11.260MW đang được triển khai.
Theo các văn bản trình của Bộ Công thương thì có 78 dự án đang trình (chưa phê duyệt quy hoạch) với tổng công suất 7.060 MW.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.