Chuyện hơn 5 năm không tiếp dân: Thật đáng lo!

22/08/2018 16:11 GMT+7

Bài học về tôn trọng ý kiến của nhân dân, phát huy sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân là bài học xưa nhưng chưa bao giờ cũ.

Ngày 19.8.2018, thông tin trên báo Thanh Niên cho biết nhiều lãnh đạo sở ngành ở tỉnh Đồng Tháp không tiếp dân suốt hơn 5 năm. Cụ thể một số giám đốc sở trong suốt 5 năm rưỡi không tiếp công dân ngày nào như Sở Nội vụ, Cục Thuế, Sở NN-PTNT, Sở VH-TT-DL…Tác giả đã gọi đây là hành động “đóng cửa với dân”.
Tôi cho rằng ở đây rõ ràng có dấu hiệu bất ổn. Khi đại diện của cơ quan Nhà nước đóng cửa, bịt tai trước dân thì liệu có là nguyên nhân dẫn đến các hành vi bột phát, manh động của dân khi nguyện vọng chính đáng không được lắng nghe và thấu hiểu. Bài học về sự lắng nghe ý dân từ Đồng Tâm (Hà Nội) và BOT Cai Lậy (Tiền Giang) vẫn còn nóng hổi lắm!
Còn nhớ hồi tháng 12.2017 có một sự kiện thu hút được sự quan tâm của đông đảo mọi người dù có liên quan trực tiếp hay gián tiếp: trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang thu phí theo kiểu ai đóng thì thu, ai phản ứng thì cho qua, thu rồi xả trạm, xả trạm rồi lại thu! Đã có một vài trạm BOT từng bị phản ứng bằng tiền lẻ nhưng chưa bao giờ dư luận lại quan tâm nhiều như vậy đến một trạm BOT và chưa bao giờ các lái xe lại phản ứng dữ dội, quyết liệt như vậy đối với việc thu phí của một trạm BOT. Lần đầu tiên người ta nhìn thấy cảnh người dân và các tài xế không quen biết vui vẻ, vẫy tay chào nhau khi BOT Cai Lậy lại buộc phải xả trạm thêm một lần nữa! Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc tối 4.12 đã quyết định dừng thu phí BOT Cai Lậy từ 1 đến 2 tháng để Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tiếp tục làm rõ mọi vấn đề, đồng thời đề xuất phương án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn. Thủ tướng nhấn mạnh có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa. Quyết định của Thủ tướng đã làm cho các tài xế vui mừng hò reo, thậm chí là đã nấu gà, vịt ăn mừng!
Trước đó mấy tháng là vụ việc người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội đã bắt giữ 38 cảnh sát cơ động, cán bộ để phản ứng về việc giải tỏa đất ở Đồng Sênh vào tháng 4.2017. Hai vụ việc xảy ra cách nhau nửa năm ở hai đầu đất nước nhưng có những điểm giống nhau bất ngờ và đều cho thấy cùng một câu chuyện: cơ quan chức năng cho rằng mình đã làm đúng quy định, quy trình nhưng người dân thì lại không đồng tình từ đó cho thấy việc chân thành lắng nghe ý kiến nhân dân là vô cùng cần thiết, không thể xem nhẹ.
Quy định, quy trình đều do con người tạo ra nên nếu nó không phù hợp với thực tiễn, không đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân thì tất yếu phải thay đổi chứ không phải vì đã là quy định, quy trình thì ép buộc mọi người dân phải thực hiện.
Trong cả hai vụ việc này, tôi cho rằng nếu ngay từ đầu các cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm không “đóng cửa với dân”, thẳng thắn minh bạch thông tin, đối thoại với dân, lắng nghe chân thành những ý kiến của nhân dân thì có lẽ chuyện đáng tiếc đã không xảy ra và hình ảnh về một chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động đã trọn vẹn hơn trong lòng dân.
Dân là số đông nên dĩ nhiên ý kiến của nhân dân không phải tất cả đều đúng nhưng đa số ý kiến của nhân dân phản ánh nguyện vọng chính đáng của họ. Đa số nhân dân ta đều mong muốn được làm ăn lương thiện, số lười biếng, phản ứng thái quá, thích gây rối chỉ là thiểu số.
Bài học về tôn trọng ý kiến của nhân dân, phát huy sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân là bài học xưa nhưng chưa bao giờ cũ. Người xưa đã biết rằng “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: “Nước lấy dân làm gốc”, “Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Việc gì thuận lòng dân thì dù khó khăn đến mấy cũng sẽ giải quyết được. Nhưng nếu muốn biết ý dân thế nào thì đòi hỏi người lãnh đạo phải thật sự nghe dân và dũng cảm nếu sai thì phải nhận và sửa sai từ cái gốc rễ của vấn đề chứ không chỉ là giải quyết phần ngọn. Nếu những bức xúc của nhân dân không được giải quyết một cách triệt để thì đó chính là nguy cơ tiềm ẩn những bất ổn xã hội.
Bởi vậy, nếu các vị đại diện sở, ngành không chỉ ở Đồng Tháp mà là ở khắp mọi miền đất nước cũng đóng cửa với dân như vậy thì thật là đáng lo!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.