Thông tin nhiều lãnh đạo sở ở Đồng Tháp 5 năm rưỡi đóng cửa không tiếp dân được Thanh tra Chính phủ công bố trong kết luận việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng và công tác quản lý, sử dụng đất đai tại Đồng Tháp, thời kỳ 2012 đến tháng 6.2017. Thông tin chính thức như thế nhưng với nhiều người, câu chuyện này nghe tưởng như... đùa.
Thứ nhất, Đồng Tháp là tỉnh gây kinh ngạc và “ghen tị” cho rất nhiều tỉnh, thành với 10 năm liên tục nằm trong top tốt nhất về PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), là địa phương thuần nông lập kỷ lục với PCI. Năm 2017, Đồng Tháp xếp vị trí thứ 3 với 68,8 điểm. Đồng Tháp cũng nổi tiếng với “đặc sản” Hội quán nông dân và cà phê doanh nhân, nơi doanh nghiệp (DN), người dân có thể thoải mái trao đổi những khó khăn, vướng mắc, đề xuất với lãnh đạo chính quyền để cùng tháo gỡ.
Ấy thế mà trong khi lãnh đạo tỉnh dành nhiều thời gian tiếp công dân thì lãnh đạo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Cục Thuế... những mảng luôn nóng nhất, nhiều vấn đề nhất lại đóng cửa không tiếp dân tới 5,5 năm. Cần phải làm rõ xem các vị lãnh đạo này đi đâu, làm gì trong suốt thời gian đó mà không tiếp dân? Các lĩnh vực có lãnh đạo đóng cửa với dân suốt 5 - 6 năm qua hoạt động thế nào, kết quả ra sao mà lãnh đạo lại quan liêu, xa rời dân đến thế?
Thứ hai, giai đoạn vừa rồi là giai đoạn quyết liệt nhất trong cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ. Ngoài việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính thì việc lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương từ cấp T.Ư đến địa phương sâu sát hơn với hoạt động DN cũng như đời sống người dân để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc; để đưa các cơ chế, chính sách mới thực thi trong đời sống. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, mấy vị lãnh đạo sở của Đồng Tháp lại nằm ngoài không khí cải cách này?
Đặc biệt, dù không khí cải cách hừng hực từ trên xuống dưới, ở khắp các tỉnh thành nhưng đây đó người dân, DN vẫn kêu. Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, có tình trạng trên trải thảm, dưới rải đinh; trên nóng dưới lạnh... nhưng vì nhiều lý do, người dân, DN ấm ức phản ánh nhưng vẫn không “dám” chỉ tận nơi, tận chốn. Thì đây, việc lãnh đạo Sở không tiếp dân là biểu hiện rõ nhất của tình trạng này. T.Ư nóng, lãnh đạo tỉnh nóng thế mà xuống đến Sở, cấp trực tiếp quản lý và thực thi lại không tiếp dân thì làm sao khó khăn, vướng mắc của người dân, DN có thể được giải quyết kịp thời, thấu đáo?
Lãnh đạo không tiếp dân không chỉ sai với quy định; thể hiện sự quan liêu, hiệu quả công việc thấp mà còn gây sự bất mãn cho người dân, DN; ảnh hưởng tới sự phát triển của môi trường đầu tư kinh doanh nói chung.
Đồng Tháp nên làm rõ lý do nào mà các lãnh đạo Sở không tiếp dân. Từ chuyện của Đồng Tháp, cũng nên làm một cuộc tổng kiểm tra xem ở đâu, ở vị trí nào còn những cán bộ đóng cửa với dân tương tự để chấm dứt tình trạng trên nóng dưới lạnh mà Thủ tướng đã nêu ra trước đây.
Bình luận (0)