Tình hình xuất khẩu gạo bế tắc kéo dài buộc các nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân phải tìm lối đi khác để tránh thua lỗ.
|
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 8 tháng 2013, Việt Nam đã xuất khẩu được 4,5 triệu tấn gạo, trị giá FOB là 1,966 tỉ USD, giảm hơn 7% về số lượng và giảm 15 USD/tấn về giá bình quân so với cùng kỳ năm trước. Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA, cho biết: “Diễn biến thị trường đang có chiều hướng rất xấu, giá liên tục giảm do lượng cung thừa. Gạo Thái Lan tồn kho bao nhiêu vẫn là ẩn số và họ đang tiếp tục giảm giá. Ấn Độ năm nay thời tiết tốt nên được mùa. Về nhập khẩu thì Trung Quốc đang là khách hàng lớn nhất của Việt Nam nhưng thị trường này sớm nắng chiều mưa, hiện tại họ tạm ngưng nhập khẩu chính thức, nhưng tiểu ngạch thì vẫn tiếp diễn. Thị trường này rất bí mật nên không biết rõ nhu cầu thật, chỉ biết là họ ép giá chúng ta rất thấp”.
Theo VFA, năm nay rất khó khăn nên dự kiến cả năm chỉ xuất khẩu trên 7 triệu tấn, khó đạt 7,5 triệu tấn như kế hoạch đề ra. Ông Phạm Văn Bảy thông tin: “Đặc biệt năm nay tình trạng hủy hợp đồng xảy ra khá nhiều do giá gạo liên tiếp sụt giảm. Trong đó phần lớn là từ khách hàng Trung Quốc do họ chỉ thanh toán bằng tiền mặt chứ không mở L/C. VFA đã khuyến cáo các doanh nghiệp phải soạn thảo hợp đồng chặt chẽ, đưa các thông lệ quốc tế vào để đảm bảo không bị thiệt hại khi khách hàng hủy giao kèo”.
Trước thực trạng thị trường hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định: “Cần rà soát, tính toán lại để định hướng sản xuất lúa gạo theo hướng phải căn cứ vào nhu cầu thị trường xuất khẩu cả về số lượng, chất lượng, chủng loại chứ không phải chỉ làm ra những gì chúng ta có. Bên cạnh đó cần xây dựng, quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam”. Đây cũng là ý kiến đóng góp của những nhà khoa học lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp. Còn VFA kiến nghị những giải pháp cấp bách như: Chính phủ có chính sách tăng cường hỗ trợ nông dân thông qua tín dụng, kiểm soát giá vật tư nguyên liệu đầu vào để giảm giá thành và nâng cao chất lượng lúa gạo; tăng cường ký kết hợp đồng tập trung cấp chính phủ, hỗ trợ xúc tiến thương mại tại các thị trường mới... Về lâu dài, VFA kiến nghị các bộ tăng cường chuyển sang sản xuất các loại lúa thơm để nâng giá trị sản phẩm. Đây là hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường và hạn chế cạnh tranh trên phân khúc gạo cấp thấp.
Trung Quốc sẽ mua 50% lượng gạo của Thái Lan Trung Quốc sẽ là thị trường tiêu thụ gạo chính của Thái Lan và sẽ giúp nước này giảm đáng kể lượng gạo tồn kho. Bộ Thương mại Thái Lan cho biết trong tháng 9 này, chính phủ 2 nước sẽ ký kết hợp đồng mua bán gạo mới mà theo đó Trung Quốc sẽ mua 1,2 triệu tấn gạo của Thái Lan. Giá gạo được giới chức Thái Lan tiết lộ là tương đương với giá của chính phủ nước này mua từ nông dân, 15.000 baht (500 USD)/tấn, hoặc cao hơn 1 chút nhưng không quá 600 USD/tấn. Hợp đồng này nằm trong kế hoạch mua 4-5 tấn gạo mà Trung Quốc dự định sẽ mua từ Thái Lan trong năm 2013 để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc được dự báo sẽ gia tăng trong những năm tới. Hiện tại lượng gạo tồn kho của Thái Lan khoảng 10 triệu tấn và vụ mùa mới đang bắt đầu. Đây là hợp đồng mua bán gạo giữa 2 chính phủ lớn nhất từ trước đến nay. Minh Quang |
Quang Thuần
>> Cả nước chỉ có tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo
>> Xuất khẩu gạo đạt 3 triệu tấn
>> Không hạn chế số lượng doanh nghiệp xuất khẩu gạo
>> Tăng giá sàn xuất khẩu gạo 5% tấm lên 410 USD/tấn
>> Công ty bị tố xuất khẩu gạo "chui" đã giải trình với VFA
Bình luận (0)