Chuyện ít biết về chiếc máy cày Bác Hồ tặng cho xã Vĩnh Kim

14/05/2020 08:45 GMT+7

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2020), chúng tôi xin giới thiệu lại một bài viết đã đăng trên Báo Thanh Niên ngày 19.5.2003 .

Sau khi thăm 12 nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, nhà nước Tiệp Khắc tặng Bác Hồ chiếc máy cày mang nhãn hiệu Zétor 25K. Bác đã trao tặng chiếc máy cày này cho nhân dân xã Vĩnh Kim vào tháng 12.1959.
Nhiều người biết đến Vĩnh Linh (Quảng Trị) bởi hai câu thơ khen ngợi nổi tiếng của Hồ Chủ tịch: "Đánh cho giặc Mỹ tan tành/Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng". Cách TT.Hồ Xá - Vĩnh Linh 13 km về phía Đông, xã Vĩnh Kim trải dài trên dây đất bazan màu mỡ. Nơi đây hơn 25 năm về trước là tuyến đầu ác liệt nhất của hậu phương miền Bắc và từng tên đất - tên người đã đi vào lịch sử chiến tranh vệ quốc của dân tộc.
Nơi tuyến đầu hậu phương miền Bắc, mặc dù vừa "tay súng, tay cày" nhưng xã Vĩnh Kim luôn dẫn đầu phong trào sản xuất nông nghiệp với sản lượng lương thực cao nhất ở miền Bắc lúc bấy giờ. Sau khi thăm 12 nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, nhà nước Tiệp Khắc đã tặng Bác Hồ chiếc máy cày mang nhãn hiệu Zétor 25K". Cảm kích trước những thành tích đã đạt được, Bác đã trao tặng chiếc máy cày này cho nhân dân xã Vĩnh Kim vào tháng 12.1959. Chính lúc này, ông Nguyễn Đức Đồng là người trực tiếp ra Hà Nội đưa chiếc máy cày này lên ô tô mang về quê trong niềm vui khôn tả của người dân ở đầu tuyến giới.
Kể từ khi có chiếc máy cày của bác tặng, nhân dân xã Vĩnh Kim như được tiếp thêm sức mạnh. Mặc dù sống trong cảnh mưa bom - bão đạn, nhưng người dân Vĩnh Kim từ già đến trẻ ai nấy đều ra sức tăng gia sản xuất. Ông Nguyễn Đức Nhiên - nguyên là Bí thư xã Vĩnh Kim lúc đó, nhớ lại: "Nhờ chiếc máy cày này mà những khu vực hoang hóa từ lâu đời đã được đưa vào sản xuất, đưa diện tích sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Kim lên hơn 500 ha".
Từ 1960 đến 1962, năng suất lúa tăng lên hơn 5 tấn/ha, đời sống nhân dân ổn định, dư thừa lương thực góp phần chi viện cho chiến trường miền Nam và Vĩnh Kim đã được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng trong sản xuất nông nghiệp.
Vào những năm Mỹ bắn phá leo thang miền Bắc thì chính chiếc máy cày cũng đã được đưa vào phục vụ cho chiến đấu. Ông Nguyễn Đức Đồng - người trực tiếp lái máy cày này cho biết, những năm 1964 đến đầu năm 1966, ông nhiều lần điều khiển máy phối hợp với Tiểu đoàn 6 đóng tại Khu Vĩnh Linh chở đạn, kéo pháo ra trận địa chống chiến tranh phá hoại lúc cao điểm.
Chiếc máy cày đã trở thành báu vật thiêng liêng nhất của người dân Vĩnh Kim và họ sẵn sàng đào hầm bí mật để bảo vệ nó. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì máy cày bị hư hỏng, thiết bị phụ tùng khó khăn nên đầu năm 1966 phải đưa ra Hà Nội để sửa chữa. Tuy nhiên vào thời điểm này, cuộc chiến tranh diễn ra hết sức khốc liệt, nhân dân Vĩnh Kim phải đi sơ tán và tạm thời gửi lại nhà máy cho đến ngày thống nhất nước nhà.

Ông Nguyên Đức Đồng (phải) và ông Nguyên Đức Nhiên

Ảnh: Hữu Hà

Năm 1980, mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng ông Nguyễn Đức Đồng vẫn quyết tâm tìm cho bằng được chiếc máy cày để đưa về Vĩnh Kim, đáp lại lòng mong mỏi của người dân trong xã. Sau nhiều lần lỡ hẹn, vào một chiều gần Tết Nguyên đán, ông quyết định cùng người em ruột của mình là Nguyễn Đức Anh đã lặn lội ra Hà Nội. Hơn một tuần tìm kiếm khắp nơi, hai anh em ông Đồng đã phát hiện ra chiếc máy cày ở Nhà máy Công cụ 250. "Khi tìm thấy nó nằm trong cả dãy xe ngổn ngang trước nhà máy, anh em tôi vui mừng đến tột cùng, trông đêm mau qua để kiến nghị với các ngành chức năng phục hồi sửa chữa", ông Đồng nhớ lại.
Hai anh em ông đã gõ cửa nhiều cơ quan Trung ương và cuối cùng Nhà máy Công Cụ 250 phải lên tận tỉnh Phú Thọ mua nguyên một chiếc cùng loại để đưa về lấy phụ tùng thay thế. Sau 12 ngày đêm làm 3 ca liên tục, chiếc máy được hoàn thành và nhà máy đã tổ chức một buổi lễ trọng thể gồm hàng trăm kỹ sư, công nhân để đưa tiễn chiếc máy cày lên ô tô trở về quê hương Vĩnh Kim lần thứ hai. Khi chiếc Zétor 25K về địa phương, ông Cao Văn Đàn - Bí thư Huyện ủy Bến Hải lúc đó cũng đã tổ chức một buổi đón tiếp rầm rộ trong niềm vui mừng khôn tả của hàng ngàn người dân Vĩnh Kim. Tuy nhiên chiếc máy cày này đưa vào sử dụng không được bao lâu thì bị hư hỏng nặng và thiết bị sửa chữa khó khăn nên đành phải ngừng hoạt động.
Hiện tại chiếc máy cày không còn nguyên vẹn nữa và xã Vinh Kim đã đưa vào lưu giữ tại Nhà Văn hóa xã. Bảo tàng Quảng Trị cũng có kế hoạch phục chế lại, đưa vào lưu giữ, trưng bày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.