Chuyện 'lạ' người C’Tu Nal

23/02/2014 03:00 GMT+7

Nhắc đến khu 7, nhiều người sẽ nghĩ đến vùng đất chót vót cao, quanh năm mây phủ tại Quảng Nam, nhưng ít ai biết nơi đây còn ẩn chứa nhiều câu chuyện lạ lùng, thú vị của người C’Tu Nal (C’Tu thượng).

 Chuyện
Xã Axan làm nên điều lạ khác khi người dân chủ động nộp chìa khóa xe máy dịp lễ để ngừa tai nạn - Ảnh: Hoàng Sơn

Khu 7 nằm ở độ cao khoảng 1.300 m so với mực nước biển, bao gồm các xã: Tr’Hy, Axan, Ch’Ơm và Gary thuộc H.Tây Giang. Từ lâu, vùng đất này nổi tiếng với địa hình hiểm trở và kỳ vĩ. Mùa khô, để vào khu 7, những tay lái “cứng” phải vã mồ hôi. Đến mùa mưa thì các con đường đất trơn trượt chính là thách thức đáng sợ cho mọi tay lái. Bởi vậy, ai từng đến đây đều thuộc nằm lòng câu nói: Bất đáo khu 7 phi hảo hán. 

“Vựa lúa” giữa đại ngàn

Tuy nhiên, sẽ không hoài công khi đặt chân đến thôn Arooih, Ating và G’lao (xã Gary), rồi đứng trước cánh đồng ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ. Một thứ “hàng hiếm” trên dãy Trường Sơn. Cánh đồng là nguồn cung cấp lương thực lớn nhất của người dân xã Gary với diện tích 50 héc ta. Nhấp chén trà, già A Lăng Pơn (66 tuổi, trú tại thôn Arooih) hể hả khoe: “Cái nghèo còn đó nhưng cái đói thì không. Năm mất mùa, người làng bố vẫn đủ ăn, năm được mùa, cả làng còn dư gạo để bán cho bộ đội biên phòng nữa đấy”.

Nguồn nước không thiếu, đất đai màu mỡ nên bao đời nay, cây lúa cắm xuống đây luôn mọc thẳng, đem đến mùa vàng ấm no dù thời tiết có phần khắc nghiệt. Mùa này, trong thung hẹp cạnh ngọn núi Ahutch, cánh đồng bậc thang kéo dài cả chục héc ta xanh tít tắp. Riah Niêm (26 tuổi) vừa cặm cụi cấy từng “lọn lúa” vừa tâm sự: “Từ nhỏ, tôi đã nằm trên lưng cùng mẹ ra đồng. Cánh đồng mỗi năm dần rộng ra cho đến như bây giờ. Ông bà, cha mẹ luôn dặn tôi rằng, lúa nước là nguồn sống của cả làng nên biết bảo vệ và trông nom thì không bao giờ thiếu thốn”. Còn thiếu tá Phan Văn Thí, Đồn trưởng Đồn biên phòng 651 đóng tại xã Gary, cho biết năm nào, người dân tại 3 thôn cũng dư lúa bán cho đồn. 

 Chuyện
Cánh đồng ruộng bậc thang đẹp như tranh trên vùng cao khu 7 - Ảnh: Hoàng Sơn

Bỏ rượu, sắm laptop

Ở Gary không chỉ có sự lạ lùng của thiên nhiên mà con người cũng hình thành những nếp sống “mới lạ”. Với người C’Tu vùng cao, uống rượu rừng là một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, không những uống nhiều mà họ có thể uống cả ngày. Thế nên, “lạ” là bởi trong suy nghĩ người dân cũng như cán bộ đã bắt đầu hình thành văn hóa từ chối rượu bia. Anh Pơ Loong Anh (27 tuổi), cán bộ kế toán xã Gary, không nhớ anh bắt đầu bỏ rượu từ khi nào, chỉ biết rằng nhờ bỏ rượu, tiết kiệm tiền mà anh đã có một chiếc máy tính xách tay mới tinh tươm. “Từ khi bỏ được rượu, mình đã dành dụm và mua được chiếc máy tính 13 triệu đồng đấy. Quá lợi…”, anh nháy mắt.

 

Xe máy được chuyển đến nhà gươl (nhà làng) giữa làng, toàn bộ chìa khóa xe được treo ngay ngắn trên tường nhà của trưởng thôn. Ai có việc cứ đến nhà trưởng thôn lấy chìa khóa, còn ai có uống rượu có đến năn nỉ lấy chìa khóa cũng chỉ thêm tốn thời gian

Đại úy Trịnh Minh Chúc, Phó bí thư Đảng ủy xã Gary, kể khi mới về làm cán bộ tăng cường, sau mỗi cuộc họp xã lại tổ chức nhậu “giao lưu” tốn kém tiền bạc lẫn thời gian. “Khoảng 3 năm trước, khi có chủ trương cải cách hành chính, tôi đã khởi xướng hạn chế hoặc không tổ chức “phần hội” sau các buổi họp để dành tiền mua máy tính”, đại úy Chúc trải lòng và kể thêm: “Ban đầu cũng có lời ra tiếng vào nhưng dần dần thấy hiệu quả nên anh em ai cũng đồng lòng”. Theo đại úy Chúc, người dân trong xã hằng ngày uống rượu rất nhiều nhưng từ khi thấy cán bộ xã bỏ rượu hoặc từ chối uống rượu, nhiều người đã thay đổi nhận thức. Thậm chí, có người dân tẩy chay rượu.

Từ ngày thực hiện văn hóa từ chối rượu bia, chỉ trong 2 năm, cả xã Gary từ chỗ không có chiếc máy tính nào nay đã có 34 cái. Nhờ đó, trình độ tin học của nhiều người cũng được nâng lên. Giờ nhiều cán bộ C’Tu mở laptop, gắn 3G, mở email chuyển tài liệu đi là “chuyện thường ở huyện”. Bí thư Đảng ủy xã Gary Hồ Xuân Danh cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với nhà mạng để kéo một đường cáp, thiết lập mạng wifi riêng cho xã. Chỉ cần có thế, Gary sẽ không còn xa xôi nữa”. 

Lễ tết, nộp chìa khóa xe

Những ngày ở khu 7, chúng tôi được nghe câu chuyện khá hy hữu. Đó là “văn hóa” nộp chìa khóa xe máy của người C’Tu tại thôn Arầng 1 (xã Axan) vào mỗi dịp lễ tết. Chúng tôi thắc mắc với trưởng thôn Pơ Loong Za, lễ tết vui vẻ là thế, có cái xe để đi lại mà đem nộp chìa khóa thì lấy gì đi chơi. “Thanh niên cứ phóng xe ầm ầm. Tai nạn nhiều quá. Nhờ giữ chìa khóa mà mỗi dịp lễ tết, bản tôi không có người bị thương, tử vong do tai nạn đấy”. Anh Za nói ngay: “Năm 2008, cả thôn chuyển về đất mới với 231 nhân khẩu (46 hộ dân). Người dân trong thôn sắm được 15 xe máy thì có nhiều nhặn chi, ấy thế mà tai nạn giao thông cứ xảy ra làm khổ cả làng. Tôi mới họp với già làng bàn cách ngừa tai nạn”. Nghe qua cách giữ chìa khóa xe máy vào dịp lễ tết, già làng Pơ Loong Jím (73 tuổi) gật đầu cái rụp.

Nói cho chính xác thì ban đầu là thu toàn bộ chìa khóa xe máy của các hộ dân trong thôn. Cứ đến ngày tết, lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới… trưởng thôn Pơ Loong Za lại đến từng nhà đề nghị người dân giao nộp chìa khóa xe kèm những lời vận động, giải thích mục đích. Sau đó, xe máy được chuyển đến nhà gươl (nhà làng) giữa làng, toàn bộ chìa khóa xe được treo ngay ngắn trên tường nhà của trưởng thôn. Ai có việc cứ đến nhà trưởng thôn lấy chìa khóa, còn ai có uống rượu có đến năn nỉ lấy chìa khóa cũng chỉ thêm tốn thời gian. “Ban đầu, mấy đứa choai choai không đồng tình, bọn nó chửi bố và trưởng thôn Za làm điều bất công. Có bữa tới nhà thu chìa khóa, có người trốn, người cự… Nhưng cái gì cũng có thưởng có phạt chứ”, già làng Jím cười bí hiểm. Theo già Jím, thưởng là tạo điều kiện mỗi khi có chính sách hỗ trợ từ cấp trên cho những hộ dân chấp hành, phạt thì ngược lại. Lâu dần thành lệ, cứ đến lễ, thanh niên trong làng lại chủ động dắt xe vào gươl, khóa cẩn thận rồi đến nhà trưởng thôn nộp chìa khóa. Được trưởng thôn, già làng căn dặn ai cũng vui vẻ, thuận lòng ra về.

Màn sương bạc la đà rơi xuống từng bản làng, mây đục nặng nề trôi, khắp miền Tây Giang đón đợt không khí lạnh đang tràn về. Những điều lạ lùng của khu 7 suy cho cùng chính là biểu hiện của khao khát đổi thay, phát triển. Chúng tôi rời khu 7 mà lòng vấn vương vì sự tò mò. Chắc hẳn, người C’Tu Nal ở  khu 7 sẽ còn viết tiếp những điều lạ lùng trong gian khó. 

Hoàng Sơn

>> Biến dạng nhà làng người C’Tu
>> Bảo tồn căn nhà dài nhất của người C’Tu
>> Thủy điện của người C’Tu  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.