Chuyện lạ Tây nguyên - Kỳ 4: Rừng ma

17/02/2015 05:21 GMT+7

(TNO) Tây nguyên nói chung, vùng tỉnh Kon Tum nói riêng, từ ngàn xưa đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã có nét văn hóa đặc sắc là tạc tượng gỗ dân gian.

(TNO) Tây nguyên nói chung, vùng tỉnh Kon Tum nói riêng, từ ngàn xưa đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã có nét văn hóa đặc sắc là tạc tượng gỗ dân gian.

Ngay cả trong các rừng ma, nhà mồ linh thiêng và bí ẩn, những tượng gỗ này còn khắc họa những sắc thái, biểu cảm khác nhau nói lên tâm tư cho cả người sống và người đã chết.
Rừng ma của người Rơ Măm
Gần đây khi dự lễ hội mừng ăn lúa mới của người Rơ Măm ở làng Le, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum), theo chân anh Trần Lâm, phụ trách Phòng nghiệp vụ Văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, chúng tôi vào tận rừng ma tại đây.
Từ ngoài nhìn vào, rừng ma um tùm cây nứa. Đi sâu vào bên trong, phải chui qua những tán cấy nứa dày đặc. Còn bên trong, cảnh vật âm u. Thảng mới thấy ánh nắng xuyên vào, rọi lên từng ngôi nhà mồ im lìm, có phần rùng rợn và chắc chắn nơi này người nhát gan không dám bén mảng vào.
Trước mắt chúng tôi, nhà mồ bày la liệt. Có cái bốn cây cột và mái nhà mồ đổ nát, nhưng có nhà mồ vừa mới chôn. Tuy nhiên, có một nét chung là, nhà mồ nào cũng có cây gòn gai (hay cây gạo) bên cạnh.
Tượng nhà mồ của người Rơ Măm ở rừng ma làng Le
Còn bên trong nhà mồ, nổi trên nền đất có vô số các vật dụng như ghè, nồi, gùi, chai lọ… Đây là của được người nhà chia cho người chết, phần lớn là những vật dụng mà người chết khi còn sống yêu thích hay thường xuyên sử dụng.
Anh Trần Lâm giải thích: Nhờ cây gòn gai này làm dấu trước các nhà mồ. Sau này, dù vài chục năm hay cả trăm năm, dù nhà mồ không còn hiện diện nhưng đồng bào không bao giờ chôn cất chồng lên trên.
Vạch từng tán lá nứa, chúng tôi tìm đến từng nhà mồ ở khu rừng rậm rịt này. Điều dễ nhận ra là, dù chôn cất mới vài năm hay hàng chục năm thì bốn góc nhà mồ xung quanh đều có 4 tượng gỗ im lìm mà dân gian hay gọi đó là tượng nhà mồ.
Có tượng chỉ cao ngang tầm người đứng, nhưng có tượng cao gần 2 m. Có điều, nét mặt trên các tượng gỗ nhà mồ người Rơ Măm không đa dạng. Hầu như tượng nào cũng im lìm, không biểu lộ nhiều cảm xúc của người tạc tượng.
Thế nhưng, có một điểm đáng chú ý nhất, trên đầu các tượng nhà mồ là biểu tượng 2 ngà voi nhọn vươn lên cao. Theo anh Trần Lâm, đó là biểu tượng thần ngà voi, vật thiêng liêng nhất của người Rơ Măm, gọi là thần Yang Plut.
Truyền thuyết người Rơ Măm kể lại, Yang Plút là vật thiêng của làng có cách đây hàng trăm năm. Chuyện rằng, vài trăm năm trước, có một người dân làng dắt chó đi săn trong rừng. Thế nhưng con chó cứ đến một vị trí trong rừng là cả ngày hôm ấy sủa liên tục.
Dân làng vào bụi xem thì thấy có ngà voi và mang về giấu ở rìa làng, rồi với chủ làng ra xem. Chủ làng xem xong thì tối hôm ấy nằm mơ thấy Yang Plút hiện về bảo: "Tao muốn ở lại với làng mày, sẽ phù hộ cho dân làng mày. Có điều muốn rước tao về thì phải cho tao uống máu từ tim con trâu, con dê, con heo, con gà...".
Ngày hôm sau, chủ làng họp hội đồng già làng lại và làm lễ rước Yang Plút về. Từ đó cho đến bây giờ, cứ đến lễ hội ăn lúa mới (lễ hội lớn nhất của người Rơ Măm), thì dân làng lại tế thần bằng huyết tim từ trâu, dê, heo, gà và rượu ghè (rượu cần) cầu mong Yang Plút phù hộ cho dân làng cơm no áo ấm, không có tai ương, hỏa hoạn xảy ra với già trẻ dân làng.
Và cũng từ đây, ngôi mộ nào ở rừng ma của người Rơ Măm, sau lễ bỏ mả đều có khắc tượng nhà mồ có hình sừng voi ở trên.
Tượng nhà mồ người Ja Rai: Mỗi hình mỗi vẻ
Tạm biệt làng Le của người Rơ Măm, chúng tôi tìm đến tượng nhà mồ của người Ja Rai ở làng Rắc, xã Ya Xier. So với tượng nhà mồ của người Rơ Măm, thì tượng nhà mồ người Ja Rai công phu hơn, đa dạng hơn với nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau.
Chỉ một tượng nhà mồ mang dáng dấp người đàn ông to lớn, anh A Yh, Trưởng ban văn hóa xã Ya Xier cho biết, đây là tượng người đã mất nằm dưới mồ, nhưng gương mặt tượng không buồn. "Vì người mất muốn người còn sống luôn vui vẻ", A Yh nói.
Ở một góc khác, có tượng một người đàn bà hai tay ôm mặt, cùi chống vào hai đầu gối với nét mặt hết sức sầu thảm. A Uh giải thích đó là tượng nghệ nhân tạc lên nói về sự đau buồn của người vợ khi chồng mất đi.
Ngoài ra, theo A Yh, còn rất nhiều rừng ma mà tượng nhà mồ còn phong phú đặc sắc hơn nữa. Tượng không nhất thiết phải khắc gương mặt người mất mà còn cả hình người còn sống, trong đó có con, cháu, vật nuôi của người mất.
Đặc biệt có tượng nhà mồ còn tạc cả hình tượng sinh thực khí của đàn ông và đàn bà; tạc cả tư thế giao hoan của nam, nữ. "Người ta tạc tượng nhà mồ sau một năm (có khi vài năm) khi người nhà làm lễ bỏ mả", Yh cho biết.
Già làng A Hể cho biết, ngày xưa tạc tượng gỗ chỉ cần một cái rìu, con dao và cái đục. Còn ngày nay, tạc tượng với nhiều máy móc khác nhau, thuận lợi hơn so với trước, nhưng không phải nhà mồ nào cũng tạc tượng gỗ, mà bên cạnh tượng gỗ còn có cả tượng bằng xi măng và các con vật bằng đá khác đã bán sẵn ngoài tiệm. Điều đáng tiếc là có không ít mồ mả đồng bào mới chôn vài năm nay đã không làm tượng nhà mồ sau lễ bỏ mả nữa…
"Tiếng nói" tượng gỗ dân gian
Cùng với tượng nhà mồ, người Tây nguyên ở Kon Tum còn tạc tượng gỗ với nhiều nét đặc sắc khác nhau. Đó là theo suy nghĩ và cảm nhận của mỗi người mà mỗi bức tượng gỗ tạc nên của mỗi dân tộc, mỗi nghệ nhân cũng khác nhau.
Nếu ai đã từng đến rừng tượng gỗ ở khu sinh thái quốc gia Măng Đen, huyện Kon Plông (Kon Tum) sẽ thấy điều này rõ nhất.
Chẳng hạn, cùng nội dung một bức tượng người đàn ông ngồi buồn nhưng với người Ja Rai ở làng Plei Lay, xã Ia Chim (TP.Kon Tum) thì là hình ảnh của một người đàn ông trong tư thế ngồi buồn sầu não, hai tay lên cằm, bàn tay áp sát từ phần má đến che kín tai. Nghệ nhân tạc tượng A Gring ở làng Plei Lay giải thích đây là nét buồn của người con trai ngồi nhớ bố mẹ, sau khi bố mẹ qua đời.
Còn tượng người đàn ông buồn của người dân ở làng Le, xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) thì lại là một nét buồn thườn thượt với tư thế ngồi 2 tay chống cằm, 2 mũi bàn chân bíu chặt vào nhau. Theo giải thích của nghệ nhân tạc tượng A Hốt (41 tuổi) ở làng Le thì đây lại là bức tượng nói về ông bố trong một gia đình đang ngồi suy nghĩ, lo lắng cho cuộc sống gia đình, làm sao để ruộng lúa, rẫy mì đừng mất mùa, không bị chim muông, thú rừng tấn công để con cái trong gia đình có đủ cơm ăn bởi ngày xưa cuộc sống bà con gieo trồng phụ thuộc vào tự nhiên là chính nên việc thiếu ăn diễn ra thường xuyên.
Điều đáng nói là, thông qua tượng gỗ, có nhiều câu chuyện lý thú và hấp dẫn phản ánh rõ những phong tục, nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra trong làng trước đây được khắc họa trở lại thông qua lời kể của những người già.
Chẳng hạn như bức tượng người con trai và con gái bị trói chặt vào nhau. Theo Nghệ nhân A Ren (62 tuổi), ở làng Le, xã Mô Rai, ấy là chuyện đôi trai gái yêu nhau, lấy nhau có chửa nhưng chưa cưới hỏi. Theo tục làng, đôi trái gái sẽ bị già làng và bà con dân làng phạ 1 con trâu, 1 con dê, 1 con gà, 1 ghè rượu. Do không có khả năng nộp phạt nên cả 2 đã bị dân làng trói chặt trước nhà rông cho đến chết...
Tượng nhà mồ người Ja Rai, xã Ya Xier, huyện Sa Thầy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.