Chuyện ly kỳ về cây sâm biển

Bắc Bình
Bắc Bình
03/02/2019 12:00 GMT+7

Rau sâm biển dại mọc hoang trên các giồng cát ven biển ĐBSCL được đầu tư trồng chuyên canh làm rau sạch và chế biến thành thực phẩm chức năng, mỹ phẩm xuất khẩu.

Kể từ khi phát hiện sâm biển ăn ngon và có “giá trị dược liệu bản địa hiếm có” thì loài rau dại mọc hoang trên các giồng cát ven biển ĐBSCL này bỗng chốc “lên đời”, được đầu tư trồng chuyên canh làm rau sạch và chế biến thành thực phẩm chức năng, mỹ phẩm xuất khẩu.

Rau… trời cho

Người được cho là đã có công phát hiện giá trị của cây sâm biển là bà Lê Kim Hên (43 tuổi, ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Bến Tre). 30 năm trước, bà Hên cùng mẹ nhận khoán rừng phòng hộ ven biển để mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá tôm tự nhiên, cuộc sống rất khó khăn. Từ đầu năm 2017, mọi người ngỡ ngàng khi thấy mẹ con bà “phất” lên nhờ vào việc hái rau sâm biển mang ra khu vực bãi biển du lịch Cồn Bửng (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú) bán với giá 15.000 đồng/kg.
Bà Hên chia sẻ: “Mọi người nói tôi có công phát hiện giá trị của rau sâm biển, nhưng thật ra tôi chỉ biết rau sâm biển ăn được khi tình cờ thấy một ngư dân quê ở Vĩnh Long lên bờ hái mang xuống ghe ăn với cá nướng. Anh ấy nói mình cũng chỉ tình cờ hái ăn thử thấy... ngon, nên chiều chiều lại tấp ghe vô bờ hái rau, ăn riết đâm ghiền. Tôi bắt chước ăn thử, rồi “kết” luôn. Rau này làm bổi nấu canh chua cũng được, đặc biệt ngon khi ăn với cá nướng chấm nước mắm gừng, còn đem phơi khô nấu nước uống thì thấy khỏe trong người... Từ đó, tôi làm cỏ để dưỡng rau mang đi bán chứ không đào tận rễ để diệt chúng như trước nữa”.
Sau hộ bà Hên, nhiều hộ nghèo ở 2 xã ven biển Thạnh Phong, Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú) cũng trở nên khấm khá nhờ chuyên canh sâm biển, mỗi ngày bán được cả triệu đồng. “Nói là trồng, chăm sóc rau sâm cho sang vậy chứ thực tế có tác động được gì đâu. Bởi, nắng nhiều hay mưa nhiều là thân rau bị rục ngay; bón phân vô cơ thì rục luôn cả rễ chứ nói gì thân lá. Mùa mưa chúng tự mọc lên rồi mình cắt bán, mùa nắng thì chúng rụi sạch, đến mùa mưa năm sau lại tự mọc lên, giống như của... trời cho vậy đó”, bà Hên nói.
Cũng từ thời điểm đó, cánh thương lái bắt đầu đổ xô đến mua rau sâm biển. Rau tươi, rau khô gì cũng mua; mua cả rễ, thân, lá... với giá trung bình khoảng 200.000 đồng/kg. Thế là tất cả các giồng cát cao trong khu vực rừng phòng hộ tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh bị đào xới tung lên, cây sâm biển dần cạn kiệt…

Khát vọng vươn ra thế giới

Trong khi người ta thi nhau đào bới để moi gốc rễ cây sâm biển lên bán, thì ông Phù Tường Nguyên Dũng, một doanh nhân thành đạt ở thành phố Bến Tre, lại lặng lẽ đến vùng biển mặn Thạnh Phú thuê đất trồng sâm biển. Ông kể, trong các chuyến du lịch xuống đây, ông dùng thử rau sâm biển vài lần, cảm thấy hương vị là lạ. Sau đó, ông tìm hiểu và phát hiện đây là một loài cây có dược tính bản địa tuyệt vời, hoàn toàn có thể chiết xuất để sản xuất thực phẩm chức năng nên ông quyết định rút dần các hoạt động kinh doanh để tập trung vào dự án “Bảo tồn, nhân rộng, phát triển và thương mại hóa cây sâm biển”.
Thế nhưng, ông Nguyên Dũng cũng không thể ngờ là loài rau mọc hoang dại này lại “đỏng đảnh” đến vậy. “Chúng là loại cây rất dễ chết rụi trong bất kỳ một điều kiện không thuận lợi nào. Chỉ tính riêng phần thử nghiệm trồng để thu hoạch quanh năm, tăng hàm lượng dược chất (saponin) trong cây đã khiến tôi gặp thất bại trên 100 lần tại ruộng sâm 15.000 m2 của mình”, ông Dũng chia sẻ và cho biết định hướng phát triển dự án vẫn kiên trì phương châm “sản xuất địa phương hướng đến toàn cầu”.
“Khát vọng của tôi là đưa ra thế giới một dòng sản phẩm của Việt Nam có thể cạnh tranh với sản phẩm từ nhân sâm Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… Khát vọng đó hiện đã đi được một quãng đường, hiện 3 dòng sản phẩm chiết xuất từ cây sâm biển đã được giới thiệu ở hệ thống cửa hàng trên không gian mạng theo mô hình kinh doanh thời đại 4.0. Khách hàng dùng thử rất hài lòng nhưng chúng tôi chưa bán vì nguồn nguyên liệu chưa ổn định và một số dòng sản phẩm chủ lực vẫn đang trong thời gian hoàn thiện”, ông Dũng tự tin.
Tiến sĩ Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Bến Tre, cho biết cây sâm biển có dược chất quý saponin (có nhiều công dụng tích cực cho sức khỏe con người). Ngoài ra, nó còn chứa nhiều hợp chất quý khác như tinh dầu, acid triterpenic, nhiều dẫn chất coumarin... Những dược chất này có tác dụng rất tốt cho sức khỏe con người. “Dự án của anh Nguyên Dũng có tính khám phá, tính cộng đồng xã hội cao thông qua phát triển giá trị nông sản là tài nguyên bản địa kết hợp với định hướng dùng vùng nguyên liệu để kích thích phát triển du lịch cộng đồng. Do vậy, chúng tôi đã quyết định hỗ trợ các chính sách nhà nước cho dự án này theo chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp” do Tỉnh ủy Bến Tre phát động”, ông Tân khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.