Tiếp thị nông sản sạch bằng... du lịch

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
01/12/2018 07:20 GMT+7

Tận mắt chứng kiến quy trình trồng rau sạch , nuôi heo sạch, thu hoạch vụ lúa sạch..., du khách sẽ nhanh chóng trở thành khách hàng “ruột”, không ngần ngại móc hầu bao mua nông sản sau khi có được niềm tin.

Thay vì tiếp thị sản phẩm của mình đến thị trường như thông thường, những nông dân làm nông sản sạch ở H.Triệu Phong (Quảng Trị) đã đưa khách hàng tiềm năng về tận nông trại để có những trải nghiệm thú vị không khác gì tham gia một chuyến... du lịch.
Tận mắt chứng kiến quy trình trồng rau sạch, nuôi heo sạch, thu hoạch vụ lúa sạch..., du khách sẽ nhanh chóng trở thành khách hàng “ruột”, không ngần ngại móc hầu bao mua nông sản sau khi có được niềm tin.
Chuyến dã ngoại 0 đồng
7 giờ sáng một ngày cuối tuần, trước cổng Trường mầm non Hoa Sen (TP.Đông Hà) có đoàn 6 chiếc ô tô loại 16 chỗ đậu ngay ngắn. Trên mỗi đầu xe có dán băng rôn “Dã ngoại nông sản sạch Triệu Phong”. Trong sân trường lúc này, hàng chục học sinh, phụ huynh và giáo viên phấn khích chuẩn bị cho một chuyến dã ngoại được chờ đợi là rất kỳ thú.
Chuyến dã ngoại khởi sự “hoành tráng” như vậy, nhưng mọi thành viên tham gia không phải đóng bất kỳ khoản tiền nào. Người nông dân ở những điểm đến cũng không chi trả. Kinh phí do dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương H.Triệu Phong thanh toán, từ nguồn tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thông qua Tổ chức Tầm nhìn thế giới.
Du khách chia thành nhiều nhóm, hướng về các địa phương như Triệu Tài, Triệu Thượng, Triệu Trung... Có nhóm ra đồng lúa, nhóm đến trại heo, trại gà đẻ... những nơi nông dân đang nuôi trồng theo hướng nông nghiệp sạch, không sử dụng loại thuốc hóa học nào. “Tôi cũng là dân nông thôn rồi ra sống thành thị. Bờ tre gốc rạ cũng chả xa lạ gì, thế mà thấy cách làm của bà con Triệu Phong hay quá. Ở đây, ra ruộng không hề thấy dấu vết nào của các vỏ lọ thuốc hóa học. Vào chuồng heo chuồng gà thì sạch tưng, không có mùi hôi”, chị Nguyễn Thị Diệu Trang, giáo viên Trường mầm non Hoa Sen, xuýt xoa. Tất nhiên, các em học sinh đã có chuyến đi thú vị trên đồng đất quê hương Triệu Phong, những thứ mà ở thành phố không phải em nào cũng thường xuyên nhìn thấy hay chạm tay vào...
Tour du lịch càng trở nên đặc biệt khi chính những nông dân vốn quen với cái cuốc, cái cày giờ trở thành... hướng dẫn viên. “Ban đầu nghĩ cũng run, vì cả đời tui có nói trước đám đông bao giờ. Nhưng rồi, nghĩ mình chả cần gì phải màu mè, làm thế nào thì nói lại vậy thôi”, nông dân Phan Thị Kim Chi (xã Triệu Thượng, H.Triệu Phong) kể.
Chuyến dã ngoại tạm khép lại bằng cuộc trò chuyện nhỏ giữa cán bộ dự án, nông dân và du khách nhằm chia sẻ thêm thông tin về quá trình canh tác nông sản sạch. Kế đến là một bữa trưa, sử dụng hoàn toàn nguyên vật liệu là nông sản sạch do bà con nông dân làm ra. Khi ra về, du khách còn được nông dân tặng quà. Những con gà, mớ rau, gạo... có thể giá trị không quá cao, nhưng người nhận ai cũng thích thú vì biết đó là nông sản sạch.
Tiếp thị nông sản sạch bằng... du lịch1
Ba bên cùng có lợi
Theo ông Đào Văn Đức, Quản lý dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương H.Triệu Phong, những chuyến dã ngoại kiểu như vậy sẽ giúp cho cả 3 bên cùng có lợi. Nông dân có cơ hội giới thiệu và bán được nông sản sạch; khách hàng tiếp cận và mua được nông sản sạch; những người làm dự án thì hoàn thành sứ mạng đưa nông sản sạch đến gần hơn với người tiêu dùng.
Dự án triển khai năm 2015, với các mô hình canh tác tự nhiên tại H.Triệu Phong, hỗ trợ bà con phương pháp canh tác sạch, không sử dụng các loại hóa chất hữu cơ với các cây, con (lúa, rau, heo, gà). “Hiện nay, có khoảng 800 hộ dân ở Triệu Phong tham gia trong chương trình. Thực tế, nông dân sản xuất ra nông sản sạch, chất lượng nhưng không phải ai cũng biết đến”, ông Đức nói.
Chính vì thế, để giới thiệu địa chỉ nông sản sạch đến với người tiêu dùng, dự án đã liên kết với các trường học trên địa bàn TP.Đông Hà tổ chức những chuyến tham quan, dã ngoại nông trại. “Khi nhà trường, phụ huynh tận mắt nhìn thấy những mô hình của chúng tôi hỗ trợ thực sự sạch, họ sẽ không ngần ngại mua nông sản phục vụ bữa ăn hằng ngày cho các cháu. Việc đi ra đồng ruộng, về quê cũng sẽ tạo cho người dân thành thị, đặc biệt là những em học sinh, có tình yêu quê hương, yêu những gì thuộc về tự nhiên”, ông Đức chia sẻ.
Cô giáo Đặng Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Sen, cho biết ngay sau khi tham gia chuyến dã ngoại thì nhà trường đã quyết định mua rau của chương trình để phục vụ bữa ăn bán trú hằng ngày cho học sinh. “Chúng tôi luôn tìm những thực phẩm tốt nhất dành cho trẻ, và giờ chúng tôi đã tìm được”, cô Hà phấn khởi. Còn ông Nguyễn Bá Thuần (trú P.5, TP.Đông Hà) từng tham gia dã ngoại, chia sẻ: “Trước kia, bỏ cái gì vào miệng cũng thấy lo lo. Giờ thì không còn lo nữa vì tôi đã biết “đường đi” của nông sản sạch”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.