Lan tỏa trên mạng xã hội:

Chuyện người thầy đến tận nhà vận động học sinh tham gia liên hoan

30/05/2024 12:34 GMT+7

Đoạn clip thầy giáo ăn mặc giản dị, hơn 10 giờ tối chạy xe đến nhà học sinh vận động đi liên hoan cuối năm cùng câu nói: "Em nào khó khăn không đi được thì tôi sẽ lo" khiến nhiều người xúc động.

Câu chuyện phía sau đoạn clip và chuyện về thầy giáo còn nhiều chi tiết đặc biệt hơn nữa về tình thầy trò.

Chuyện người thầy đến tận nhà vận động học sinh tham gia liên hoan- Ảnh 1.

Thầy Thủy đến tận nhà vận động học sinh đi liên hoan cuối năm

NVCC

KHÔNG LO ĐƯỢC THÌ THẦY SẼ LO

Chị Huỳnh Thị Hiền (39 tuổi, ngụ Bình Phước), người quay đoạn clip, cho biết hơn 10 giờ tối ngày 24.5 vừa qua, thầy giáo chủ nhiệm lớp con trai chị chạy chiếc Chaly chở theo con trai đến trước nhà vận động con chị đi liên hoan cuối năm.

"Thầy đã mở đăng ký trên nhóm Zalo từ sáng nhưng con tôi còn chần chừ chưa phản hồi. Thầy đến tận nhà hỏi: "Sao con không đi? Bạn thân của con cũng không đi" rồi khuyên bé nên tham gia và rủ cả bạn thân cùng đi để có kỷ niệm với lớp", chị kể.

Chuyện người thầy đến tận nhà vận động học sinh tham gia liên hoan- Ảnh 2.

Cả buổi liên hoan, thầy Thủy chạy qua chạy lại các bàn để lo cho học sinh

NVCC

Bất ngờ vì hình ảnh người thầy giản dị, gần gũi, chị Hiền mở điện thoại lên "quay lén" lại khoảnh khắc này. Hỏi thông tin từ giáo viên, chị Hiền được biết, cả lớp sẽ ăn buffet, kinh phí là 200.000 đồng/em, sát ngày tổ chức mới có 22 em đồng ý đi. "Trong đó có 13 em đóng tiền, 9 em còn lại khó khăn nên thầy nói thầy sẽ lo. Biết hoàn cảnh của thầy nên tôi nói sẽ phụ phần kinh phí còn lại, thầy cứ động viên các em đi đầy đủ", chị chia sẻ.

Ngày tổ chức tiệc, 31/46 em có mặt, 11 em trong số đó không có điều kiện đóng tiền, chị Hiền đã phụ phần kinh phí này.

Thầy Đỗ Xuân Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A3, Trường THCS Phước Bình (TX.Phước Long, Bình Phước), cho hay tối hôm đó, thầy đi khoảng 25 km đến nhà những học sinh chưa phản hồi trên nhóm vì mong muốn cả lớp đi đông đủ.

Thầy Thủy chia sẻ: "Tôi biết hết hoàn cảnh từng em trong lớp, em nào khó khăn không đi được thì tôi sẽ lo, không sao cả. Tôi chỉ mong các em đi đầy đủ vì không biết năm sau còn chủ nhiệm lớp không. Hôm liên hoan rất vui vẻ, 3 phụ huynh lên giúp đỡ, đây sẽ là kỷ niệm khó quên nhưng tôi hơi tiếc vì chưa có tấm ảnh đầy đủ cả lớp".

THẦY GIÁO LÀM ĐỦ NGHỀ

Theo lời chị Hiền, con trai chị từng có thời gian trầm cảm, không muốn giao lưu, nói chuyện với ai. Năm lớp 6, chị định cho con nghỉ học, chuyển xuống TP.HCM học nội trú; nhưng thầy Thủy vận động để bé ở nhà, thầy cố gắng kèm cặp thêm. Một thời gian sau, bé hòa đồng hơn, bây giờ bé chủ động nói chuyện với mọi người xung quanh, biết tự học. Năm học vừa qua, bé được lên lớp cũng là niềm động viên lớn của cả gia đình.

Chuyện người thầy đến tận nhà vận động học sinh tham gia liên hoan- Ảnh 3.

Với thầy Thủy, đây là kỷ niệm khó quên của lớp sau 2 năm chủ nhiệm

NVCC

"Ngày nào trên lớp thấy bé lầm lì, thầy sẽ chạy xe đến tận nhà gọi con ra cổng rù rì chia sẻ gì đó. Học phí trên trường, một số phụ huynh khó khăn tới hạn không đóng thầy cũng bỏ tiền túi ra đóng giùm dù hoàn cảnh thầy không khá giả. Nếu năm sau, thầy không chủ nhiệm nữa tôi không biết con tôi sẽ thế nào", chị bày tỏ.

Về phần mình, thầy Thủy cho rằng thầy không có phương pháp đặc biệt gì, mà chỉ nói chuyện, tâm sự "hợp rơ" cùng học sinh như bạn bè rồi dần dần các em thay đổi, chủ động nói chuyện cùng thầy. 46 học sinh trong lớp, thầy đều xem như con của mình và hạnh phúc nhất khi năm học vừa qua, cả 46 em đều được lên lớp.

Vừa nghỉ hè, thầy Thủy cũng khép lại những trang giáo án, bắt đầu đi làm shipper, xe ôm, phụ hồ, cạo mủ cao su… trang trải cuộc sống. "Có phụ huynh hỏi tôi làm nhiều nghề vậy có ngại không, tôi nói không, tôi còn trẻ nên tìm việc làm, miễn đó là công việc chân chính là được", thầy giáo bộc bạch.

Chuyện người thầy đến tận nhà vận động học sinh tham gia liên hoan- Ảnh 4.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.