Từ vụ học sinh 'không được ăn liên hoan': Giá như người lớn tế nhị, bao dung

28/05/2024 15:23 GMT+7

Sự việc một học sinh tiểu học không được tham dự trọn vẹn buổi liên hoan của lớp ở tỉnh Hải Dương mới đây để lại nhiều tranh luận, day dứt cho những người lớn. Là một giáo viên, tôi tin rằng những buổi sinh hoạt tập thể, liên hoan lớp luôn có những giá trị về tinh thần với trẻ nếu được tổ chức tốt.

Từ vụ học sinh 'không được ăn liên hoan': Giá như người lớn tế nhị, bao dung- Ảnh 1.

Trường tiểu học Gia Lương (tỉnh Hải Dương), nơi xảy ra sự việc đang tranh luận mẹ không đóng tiền quỹ, con "không được ăn liên hoan"

C.T.V

Khi học sinh không đủ tiền đóng cho buổi liên hoan lớp

Tôi còn nhớ khi còn học ở trường THCS, trong một buổi liên hoan cuối năm, tôi mang chén và muỗng đến lớp - như thông lệ liên hoan thời bấy giờ, rồi ngại ngùng dúi vào tay cô bạn lớp trưởng số tiền góp liên hoan, vì đến tận hôm đó tôi mới có đủ tiền.

Cô bạn chạy lại đưa cho cô chủ nhiệm, một lúc sau, bạn chạy lại đưa lại tôi tiền, bảo tôi không cần góp đâu, cô giáo còn dặn dò cô bạn đừng nói với ai. Nhưng vì tự ái, tôi nhất quyết chối từ, không nhận lại tiền.

Trong bữa liên hoan đó, tôi nhận ra bản thân mình hay bất kỳ bạn nào đều có thể ăn liên hoan, bất kể có góp tiền hay không.

Khi trở thành giáo viên, tôi nhận thấy bất kỳ đứa trẻ nào cũng có lòng tự trọng và việc “cho” cũng đòi hỏi sự tế nhị, tinh tế để không động chạm đến những mong manh đó. Lúc đó, nếu cô giáo thông báo về việc những bạn không đóng góp tiền vẫn được ăn liên hoan thì tôi cũng bỏ về ngang vì xấu hổ.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương lên tiếng vụ “mẹ không đóng tiền quỹ, con không được ăn liên hoan”

Cần sự bao dung từ phụ huynh lẫn giáo viên

Giá như người lớn - phụ huynh lẫn giáo viên - thêm chút tế nhị, bao dung như cô giáo chủ nhiệm tôi ngày đó thì em học trò nhỏ ở tỉnh Hải Dương đã có thể kết thúc một năm học với nhiều niềm vui, cùng với chúng bạn.

Tôi nghe một cô giáo có kinh nghiệm ví von, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm như hai con trâu cùng kéo một cái cày, chỉ cần lệch pha, so bì, hay mâu thuẫn, thì những đường cày - là những bài học đối với trẻ - sẽ xiên xẹo, thiếu cân đối.

Do đó, trong mọi trường hợp, khi những tình huống sư phạm xảy ra, điều quan trọng không phải là đổ lỗi, mà phải tìm phương án giải quyết tốt nhất cho học sinh.

Trong bữa liên hoan đó, tôi nhận ra bản thân mình hay bất kỳ bạn nào đều có thể ăn liên hoan, bất kể có góp tiền hay không. Khi trở thành giáo viên, tôi nhận thấy bất kỳ đứa trẻ nào cũng có lòng tự trọng và việc “cho” cũng đòi hỏi sự tế nhị, tinh tế để không động chạm đến những mong manh đó.

Để tránh những lệch pha, mâu thuẫn phát sinh, giáo viên chủ nhiệm cần biết lắng nghe, dung hòa ý kiến của phụ huynh học sinh nhằm mục đích xây dựng một tập thể lớp yêu thương, tôn trọng và đoàn kết.

Giáo viên cần tạo cầu nối giao tiếp chặt chẽ với phụ huynh thông qua sự trung thực, tự tin và tôn trọng. Chắc hẳn mọi hiểu lầm, xung đột sẽ hóa giải ngay từ đầu khi giáo viên lắng nghe ý kiến của phụ huynh, chia sẻ thông tin về kế hoạch tổ chức hoạt động, tiến độ học tập một cách trong sáng, cầu thị với mong ước học sinh tiến bộ.

Trong mọi tình huống phát sinh, sự chủ động và tận tâm của giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một môi trường học tập tích cực, tạo sự đoàn kết trong lớp học, cũng như sự đồng thuận của phụ huynh.

“Một người vì mọi người, mọi người vì một người” - câu nói quen thuộc trong tác phẩm Ba chàng lính ngự lâm cũng là định hướng cho các hoạt động tập thể của lớp, nhất là những hoạt động cần sự tự nguyện, ủng hộ của phụ huynh để tránh tình trạng như câu chuyện đang diễn ra phụ huynh không đóng quỹ lớp, "con không được ăn liên hoan".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.