“Ba mẹ ơi, con đi!”
Câu nói đau lòng và buồn nhất mà cứ những ngày sau tết đoàn viên cùng gia đình, người trẻ lại phải ngậm ngùi nói với ba mẹ của mình.
“Ngày về vui bao nhiêu thì ngày ra đi, lệ lại đẫm nhiều bấy nhiêu”, Ngô Thùy Phương Thúy (29 tuổi, công nhân tại TP.HCM) đã viết như vậy trên trang Facebook cá nhân của mình.
Thúy cho biết, từ ngày vào TP.HCM lập nghiệp, đến nay đã gần 9 năm nhưng đây mới là cái tết thứ 2 Thúy về quê đón tết cùng gia đình. “Những năm đầu mới vào, làm ở những vị trí thấp nên đồng lương bèo bọt, tết đến đâu có dám về nhà. Năm nào cũng gánh nặng đồng tiền khiến những cái tết đoàn viên của mình xa dần. Hai năm gần đây, mình quyết tâm bỏ heo đất hằng tháng để tết đến về quê. Mà ngày về vui bao nhiêu thì ngày đi ba mẹ lại khóc nhiều bấy nhiêu”, kể đến đây Thúy nghẹn lời.
Lấy lại tinh thần, Thúy kể tiếp: “Do đi mấy năm mới về nhà một lần nên cứ hễ đi là ba mẹ lại lo sợ không biết bao giờ con gái lại về. Nhà chỉ có một đứa con gái nên ba mẹ cưng từ nhỏ. Mình vào đây được 2 ngày rồi mà đêm nào cũng khóc, vừa về đến phòng trọ là mình đã khóc rồi. Nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ không khí đón tết cùng gia đình”.
Còn Hoàng Dung (25 tuổi, làm việc tại TP.Nha Trang) thì phải rời gia đình từ tối mùng 2 tết, bồi hồi nhớ lại: “Về nhà lúc nửa đêm 27 tết, tôi đã nghĩ đến cảnh phải xa nhà nên tôi quyết làm hết những việc thường ngày mà bản thân không được làm. Trong những ngày tết, ai cũng kiêng ăn món này, món nọ còn tôi, mẹ làm món gì, nấu món gì, tủ lạnh có gì tôi đều ăn hết, vì muốn ba mẹ vui lòng. Để rồi ngày rời nhà ra đi, tôi nói an ủi ba mẹ rằng: “ tết này con gái đã ăn hết cả tết trong nhà rồi đấy, đừng buồn nữa ba mẹ ạ”.
Dường như, cứ nhắc về những kỷ niệm đón tết cùng gia đình, ai cũng ngấn lệ, và Hoàng Dung cũng vậy. Dung cho biết, vì tính chất công việc mà cô nàng phải đành chấp nhận rời quê nhà khi tết vẫn đang còn. Chính vì thế, những ngày còn ở nhà, cô nàng luôn muốn một ngày dài gấp đôi, thậm chí gấp ngàn lần cũng được.
“Đi làm gần 2 năm rồi mà giờ về nhà, ngày tiễn tôi đi ba mẹ còn dúi vào túi 500.000 đồng. Thương ba mẹ,nhưng tôi cố giấu đi những giọt nước mắt để ba mẹ yên lòng. Lên đến tàu, tôi ngồi khóc nức nở. Dù ra đời tôi có trưởng thành thế nào, nhưng khi về với gia đình, tôi vẫn luôn là đứa con bé bỏng trong vòng tay của ba mẹ. Vậy mà, có cái tết để vẹn tròn với ba mẹ nhưng tôi cũng không làm được. Để ba mẹ phải ngậm ngùi tiễn con gái đi khi nhiều gia đình khác còn đang đoàn viên”, Dung thổ lộ.
Nỗi nhớ nhà là động lực để phấn đấu
Cũng cùng tâm trạng với Dung và Thúy, Đặng Tuấn Vũ (sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) mặc dù chưa đi học lại nhưng Vũ cũng vào sớm từ mùng 4 tết để đi làm thêm kiếm tiền.
“Nếu nói không nhớ nhà thì là dối lòng nhưng vì là con trai nên mình giấu cảm xúc đi thôi. Ngày ra đi mẹ cứ nhét vào balo đủ thứ đồ, nào là bánh mứt, rồi bột ngọt, dầu ăn,…Năm nào mẹ cũng thế, mẹ nói mang vào mà dùng, chứ sợ mình tiết kiệm rồi không mua sắm. Vào đến nơi, mở balo ra, nhìn thấy những món quà quê của mẹ là nước mắt đã chảy dài rồi. Thương mẹ lắm”, không giấu được cảm xúc, Vũ chia sẻ.
Đầu năm, kể chuyện nhớ nhà, nhưng nhiều bạn trẻ cho rằng, nhớ nhà không phải để bi lụy mà là động lực phấn đấu trong năm mới.
“Mình nhớ đến ba mẹ khóc nhiều lúc mình ra đi mà bản thân thôi thúc năm sau phải thành đạt hơn nữa để về ăn tết cùng gia đình. Và để ba mẹ hãnh diện hơn về mình”, Dung nói.
Còn Vũ thì chia sẻ: “Con trai mà khóc thì tụi bạn nói mình hèn. Nên mình chỉ toàn khóc lúc không có ai. Nhớ nhà, nhớ ba mẹ và mình khóc. Nhưng khóc để rồi tự dặn lòng mình cố học hành thành tài, cố gắng sau này ra trường kiếm được công việc ổn định để làm ra tiền phụ ba mẹ. Mỗi lần về quê, thấy ba mẹ làm cực khổ nhưng đến ngày mình ra đi cũng cố nhét cho mình thứ này, thứ kia rồi tiền bạc. Có năm là những đồng tiền còn dính rau mẹ mới đi bán được đầu năm. Càng nghĩ, càng nhớ lại càng thương và càng thôi thúc bản thân nhiều hơn nữa”.
Bình luận (0)