'Qua tết rồi tính', giờ sao? ​

21/02/2018 14:03 GMT+7

Bao dự định trước tết được lên kế hoạch 'qua tết rồi tính'. Đã qua tết rồi cũng là lúc phải thực hiện. Nhưng với tâm trạng uể oải sau tết, nhiều người đang không biết phải làm sao?

Điệp khúc quen thuộc
Trước tết khoảng 2 tháng, Trần Quỳnh Anh (SV Trường ĐH Sài Gòn) dự định khởi nghiệp với mô hình chăm sóc cho mẹ và trẻ sơ sinh. “Tuy nhiên kế hoạch này tạm thời hoãn lại vì đó là thời điểm cuối năm, lu bu nhiều công việc lẫn chuyện học, nên quyết định 'để qua tết hẵng làm', Anh kể.
Thế nhưng đến lúc này, tết đã hết, nữ sinh này vẫn chẳng thể bắt tay vào thực hiện dự định trên, “bởi vừa tận hưởng tết xong, vẫn còn tâm trạng muốn vui chơi, chẳng muốn làm gì hết”, như lời Anh chia sẻ.
Câu cửa miệng của nhiều người trẻ Ảnh: Fan Page Hội hài hước
Đây cũng là tâm trạng của nhiều người trẻ, dù có nhiều kế hoạch từ năm trước, nhưng vào thời điểm cuối năm, cận tết, họ lại tạm ngưng tất cả và quyết định “qua tết rồi tính”.
Như cây bút trẻ Phương Mai muốn cho ra mắt cuốn sách thứ hai của mình từ tháng 10.2017. “Nhưng rồi cứ chần chừ, cứ từ từ, đến gần tết thì nói qua tết sẽ khai bút. Mãi đến nay, tết đã hết mà chưa viết được chữ nào”, Mai kể.
Tương tự, nhiều SV cũng chia sẻ nhiều dự định như: “cố gắng học thêm kỹ năng, ngoại ngữ”, “tìm kiếm công việc mới”… từng được “đặt lịch” với những “điệp khúc quen thuộc” là: “qua tết sẽ học”, “qua tết sẽ kiếm việc”… có nguy cơ tiếp tục bị trì hoãn vì gặp phải hội chứng uể oải sau tết, mất tập trung trong cả công việc, học tập, kinh doanh…
Đáng chú ý, có cả những người gặp phải tình trạng này liên tục. "Cách đây hai năm cũng vướng phải tình trạng này, cứ để mọi chuyện từ từ qua tết rồi giải quyết, nhưng qua tết thì công việc dồn đống chẳng biết phải làm sao. Rồi năm ngoái cũng gặp y chang. Đến năm nay cũng vậy", Nguyễn Châu Thanh (nhân viên công ty TNHH Nguyễn Trường Nguyễn), thú thật.
Làm sao để “lấy lại phong độ”?
Theo thạc sĩ tâm lý Lê Thị Dương Thương, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, thì việc “để… qua tết rồi tính” là thói quen của nhiều người trẻ, nhất là với những người chưa có kỹ năng quản lý thời gian và lập kế hoạch làm việc.
“Mà thói quen ấy dễ khiến bản thân trở nên lười biếng, trễ nải công việc, quên đi các công việc được giao… Đặc biệt là quãng thời gian sau tết, ai cũng thường có tâm lý lưu luyến những ngày tết được vui chơi, ngủ nghỉ thoải mái”, bà Thương nói.
Hãy viết ra những công việc từ nhỏ đến lớn, rồi giải quyết từ từ Ảnh: Shutterstock

Vậy làm thế nào để có thể bắt nhịp vào công việc, tập trung học tập một cách tốt nhất? Bà Thương cho rằng phải thay đổi bản thân, lập ra kế hoạch ngay từ đầu năm mới và không nuông chiều bản thân, phải quyết làm cho bằng được. “Có thể tự hứa, cam kết với bản thân hoặc với người thân, cho rằng bản thân mình sẽ làm được chứ không trì hoãn. Có như vậy sẽ mau chóng lấy lại phong độ, lấy lại tinh thần, cảm hứng làm việc và học tập”, bà Thương nói.

“Với nhiều người, vì cứ để 'qua tết rồi tính', giờ đây phải đối diện với hàng đống công việc nên cảm thấy ngán ngẩm. Đừng vội lo, hãy viết ra những công việc từ nhỏ đến lớn, rồi giải quyết từ từ. Khi giải quyết được một công việc, sẽ có hứng thú xử lý công việc tiếp theo. Cũng nên siêng năng tập thể dục để cơ thể khỏe khoắn sau một thời gian nghỉ tết. Và nên lưu ý, đừng chỉ nói suông mà phải bắt tay vào thực hiện ngay, làm việc với sự nỗ lực cao nhất”, bà Thương khuyên thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.