Chuyện những người bị nghi cầm đồ thuốc độc

Phạm Anh
Phạm Anh
01/04/2023 08:30 GMT+7

Vì bị làng nghi cầm đồ thuốc độc, sợ bị đánh, giết, ông Phạm Văn Bắp và vợ Phạm Thị Kỵ ở làng Con Riêng, xã Ba Trang, H.Ba Tơ (Quảng Ngãi) phải bỏ đi, nương náu 4 năm trời nơi rừng thẳm.

Gần đây, chính quyền đã vận động vợ chồng ông trở lại với làng, tái hòa nhập cộng đồng. Ở xã Ba Trang, không chỉ riêng gia đình ông Bắp (hơn 70 tuổi, người dân tộc Hrê) mà có vài trường hợp khác cũng bị dân làng nghi cầm đồ thuốc độc, cũng bỏ làng đi như vậy, nay đã trở về.

ÁM ẢNH MỘT THỜI

Trưa, những vạt nắng vàng ấm áp làm khô đi màn sương đọng trên những ngọn đồi cỏ mênh mông. Tôi cùng anh Đinh Quang Thạch, Bí thư Xã đoàn Ba Trang, vượt qua đoạn đường bê tông đến con đường mòn bùn đất đã khô sau mấy ngày nắng về, tìm đến nhà ông Phạm Văn Bắp. Trưa nay, do đau khớp đầu gối, ông Bắp không đi rẫy mà tựa lưng vào chiếc võng, đợi vợ con đi làm về.

Chuyện những người bị nghi cầm đồ thuốc độc - Ảnh 1.

Ngôi nhà chính quyền xây dựng cho gia đình ông Phạm Văn Bắp

PHẠM ANH

Đến quá trưa hôm ấy, bà Phạm Thị Kỵ và con gái là Phạm Thị Púi mới về nhà. Anh Thạch nói nhỏ với tôi đôi mắt ông Bắp nay đã hết muộn phiền, hết sợ sệt như ngày vừa trở về, bởi sau khoảng 10 năm tái hòa nhập cộng đồng, "con ma" nghi cầm đồ thuốc độc nay đã chết thật rồi.

Trong nhà sàn buổi trưa ấy, ông Bắp kể chuyện hai vợ chồng ông ngày trước bỏ làng vào rừng sống do ông bị nghi có đồ độc trong nhà. Hồi đó, cả làng sợ vợ chồng ông Bắp "cầm đồ" làm chết người, gia súc. Chuyện rồi cũng đến. Năm 2002, trong làng có con của ông Phạm Văn Lục bị đau không rõ nguyên nhân, vậy là nghi ông Bắp và vợ cầm đồ thuốc độc. Sau đó, vụ việc được chính quyền xã Ba Trang đứng ra giải quyết nên êm xuôi. Đến cuối năm 2002, lại có con trai ông Phạm Văn Mơn chết mà không biết vì bệnh gì. Ông Mơn nghĩ do ông Bắp cầm đồ thuốc độc mà ra nên tìm đến nhà ông Bắp để đánh. Ban đầu, chỉ mình ông Mơn đánh, rồi nhiều người trong làng cũng hùa theo.

Chỉ vào cô con gái là Phạm Thị Púi, ông Bắp kể: "Khi mẹ bị đánh, nó ôm mẹ khóc miết, ai lôi ra cũng không chịu. Bị đánh nhiều lần đau quá, mà thằng Mơn đòi giết nữa, vợ chồng tao mới bỏ làng dắt nhau trốn làng đến suối Nước Pêm dựng lều mà ở". Bà Kỵ nói thêm: "Lúc bỏ làng đi, vợ chồng mình có cái rựa với bộ đồ trên người chớ mấy". Đêm đầu ở rừng không có chỗ ngủ, đôi vợ chồng phải ngồi tựa vào nhau tìm hơi ấm cho đỡ lạnh, nước mắt cứ tuôn dài.

Chuyện những người bị nghi cầm đồ thuốc độc - Ảnh 2.

Ông Phạm Văn Bắp và con gái Phạm Thị Púi

PHẠM ANH

NHỮNG NGÀY Ở RỪNG

Ngày hôm sau, đói quá, vợ chồng ông Bắp bắt đầu đi tìm rau rừng và lội xuống suối bắt cá. Dần dần, nhờ có rựa trong tay, ông Bắp chặt cây dựng cái lều ở tạm. Cuộc sống mới ở rừng bắt đầu như vậy với cảnh thiếu gạo, thiếu muối, thiếu rau và thiếu cả sự ấm áp của tình đồng loại. Sau đó, hằng ngày hai vợ chồng ông lên rừng bứt mây về chợ H.An Lão (Bình Định), chợ H.Đức Phổ (nay là TX.Đức Phổ) và chợ H.Ba Tơ để bán, đổi lấy gạo và lúa, bắp về ăn, số khác thì phát rẫy gieo trồng.

Ngày đó, người xã Ba Trang lâu lâu đi rừng cũng gặp hai vợ chồng ông Bắp tóc râu dài như người rừng nên khi gặp nhau thì cả hai bên đều… sợ, mạnh ai nấy chạy trốn. "Lâu lâu, già có lén về làng không?", tôi hỏi. Ông Bắp lắc đầu: "Nhớ làng lắm, nhớ cái nhà lắm mà không dám về đâu".

Sau 4 năm ở rừng, dù là thương binh 2/4, đã có tuổi, tóc đã bạc, nhưng ông Bắp cùng vợ vẫn cần mẫn phát rẫy trồng cây lúa, bắp, trồng cau và cây ăn trái. Bây giờ, dù về ở làng cũ đã 10 năm, ông và các con vẫn tới chỗ trú thân ngày nào để chăm sóc cây ăn trái, còn hơn 1.000 gốc cây cau ở đó là nguồn thu nhập lớn những năm được giá. "Chừng 3 năm nay, tao bị đau khớp nên không về chỗ đó nữa, mấy đứa con thì đi lại thường xuyên hơn", ông Bắp nói.

Anh Thạch kể người nhìn thấy cảnh sống của vợ chồng ông Bắp trong rừng là một cán bộ ngành lâm nghiệp tên Lê Ngọc Thanh. Sau đó, anh Thanh có hỗ trợ gạo, muối và cây giống cho ông Bắp. Thời gian sau, cũng nhờ anh cán bộ lâm nghiệp này, xã Ba Trang tìm đến tận căn lều của ông Bắp, vận động đưa về làng. "Mới thấy cán bộ lên, tao mừng lắm nhưng những ngày đầu không dám về", ông Bắp kể.

Khoảng năm 2009, vợ chồng ông Bắp bỏ rừng về nhưng vẫn không dám về nhà cũ mà dựng nhà tạm bên ruộng lúa của gia đình để ở. Ở bên bờ ruộng 2 năm, gia đình mới dám dắt díu về ở nhà bây giờ. Ngày ông về, dân làng được xã Ba Trang vận động đến thăm, không nhắc chuyện cũ, nắm tay nhau cùng vui sống trong làng. Chỉ căn nhà sàn vững chắc của vợ chồng ông Bắp, anh Thạch cho biết năm 2015 nhà bị cháy nên xã hỗ trợ 50 triệu đồng để xây lại . Cuộc sống mới thật sự bắt đầu từ ngày ấy.

Chuyện những người bị nghi cầm đồ thuốc độc - Ảnh 3.

Một góc làng Con Riêng, xã Ba Trang (H.Ba Tơ, Quảng Ngãi)

PHẠM ANH


CHUYỆN CỦA NGƯỜI ĐI "GIẢI ĐỘC"

Một buổi tối, ngồi bên ché rượu cần tại nhà ông Đinh Văn Nhoi, Phó chủ tịch UBND xã Ba Trang, tôi lấy chuyện ông Bắp ra kể. Ông Nhoi trầm ngâm một hồi, rồi nhớ lại thời ông cùng chính quyền xã đi "giải độc".

Hồi đó, những ai bị nghi cầm đồ thuốc độc đối diện nguy cơ bị đánh gây thương tích nặng, thậm chí tử vong. Vì vậy, làng nào xảy ra tình trạng này, chính quyền rất lo lắng nên đến tận nhà người bị nghi để động viên, còn với người làng thì tuyên truyền, vận động đủ kiểu. "Có khi ngồi trên nhà sàn người bị làng nghi cầm đồ thuốc độc, còn bị dân làng lấy cây chọc vào người", ông Nhoi kể. Sau khi chuyện ông Bắp được giải thích, làng nước thỏa mãn xong thì lại đến 2 gia đình khác cũng bị nghi và lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Đó là trường hợp của bà Phạm Thị Nghiêng, ở thôn Gò Da và ông Phạm Văn Lê, ở làng Bùi Hui. Bà Nghiêng phải bỏ làng đi mấy năm mới dám trở lại. Còn ông Lê bị hành hung nghiêm trọng, năm 2009 phải bỏ làng lên rừng sống. Đến 2015, sau khi xã giải thích cặn kẽ với dân làng, ông Lê mới dám trở về.

Một bác sĩ từng làm việc ở Trung tâm y tế H.Ba Tơ kể chị từng tham gia trực tiếp vào các vụ giải quyết nghi cầm đồ độc ở các bản làng trong huyện. Theo đó, để ngăn chặn tình trạng nghi ngờ cầm đồ thuốc độc thì những bác sĩ như chị phải chỉ rõ bệnh tật của người bệnh và chữa khỏi cho họ thì nói bà con mới tin. "Khoảng tháng 6.2009, tôi đến thôn Vẩy Ấp, xã Ba Khâm (H.Ba Tơ), gặp bệnh nhân Phạm Văn Bình (khi đó 20 tuổi), do "có con gì chạy lên chạy xuống trong bụng, uống thuốc miết không khỏi". Thế là thanh niên này nghi một người già trong làng "cầm đồ" mình và mối nghi ngờ ngày càng lớn. Chẩn bệnh, tôi biết anh này bị dạ dày tá tràng nên đưa xuống bệnh viện để trực tiếp điều trị. Sau 2 tuần nằm viện, Bình hết bệnh, mới không còn nghi bị cầm đồ thuốc độc nữa", nữ bác sĩ kể.

"Đồ" theo cách nghĩ của đồng bào miền núi Quảng Ngãi, được điều chế bằng cách lấy lông mép của con cọp cắm vào măng tre và để lâu ngày biến thành sâu. Sâu này được nuôi dưỡng bằng rau tăm và khi chúng thải ra phân thì phân chính là "đồ". Người có đồ phải cúng thần linh bằng huyết gà trống trắng mới phát huy linh nghiệm, muốn hại người khác thì người có "đồ" chỉ cần vỗ vai, xoa đầu, nguyền rủa, cho ăn, uống... Ngoài ra, "đồ" còn được làm từ những cách như lúa mới trộn với lúa cũ; muối mới trộn muối cũ; dùng rễ cây và nước mã tiền; dùng đọt cây đại tướng quân…. Các loại trên trộn với nhau và cho vào hũ rồi cắt tiết gà trống trắng đổ vào sẽ thành "đồ". "Đồ" còn biến tướng ra "đồ khô" (của người giàu) và "đồ ướt" (của người nghèo). Còn "độc" là thứ được điều chế từ các loại lá, rễ, nhựa cây độc như: Cây măng gan độc, cây lá ngón và mủ của con cóc. Ngoài ra, "độc" cũng được thêm vào một số phù chú và gọi chung là "đồ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.