Chuyện những người con lính lê dương tại Việt Nam - Kỳ 3: Nỗi buồn ven trời Tây Bắc

09/05/2014 10:50 GMT+7

(TNO) Tây Bắc, nơi người Pháp đặt cứ điểm Điện Biên Phủ rát lửa dạo nào, nay đã xanh cây. Nhưng bên cạnh bao đầm ấm, no đủ và rộn rã ấy, vẫn còn sót lại những nỗi buồn số phận của 'những đứa con lai' ven trời Tây Bắc...

(TNO) Tây Bắc, nơi người Pháp đặt cứ điểm Điện Biên Phủ rát lửa dạo nào, nay đã xanh cây. Đất và người nơi đây sau 60 năm đã hồi sinh, khó hình dung một thời nơi đây từng là chiến địa. Nhưng bên cạnh bao đầm ấm, no đủ và rộn rã ấy, vẫn còn sót lại những nỗi buồn số phận của "những đứa con lai"...

>> Chuyện những người con lính lê dương tại Việt Nam
>> Chuyện những người con lính lê dương tại Việt Nam - Kỳ 2: Những dòng họ cô đơn

Bà Lường Thị Lao với nỗi buồn của thân phận mình
Bà Lường Thị Lao với nỗi buồn của thân phận mình

Nheo nhóc ở Pắp Pe

Bản Pắp Pe nằm sâu tít trong xã Thanh Hưng, giáp với biên giới Việt - Lào. Trong cộng đồng người Thái sinh sống khá đông ở Pắp Pe, lâu nay bà Lường Thị Lao vẫn được xem là "người đặc biệt". Bà đặc biệt vì ngoại hình, vì tính cách, và cả vì xuất thân là một con lai không rõ cả cha lẫn mẹ.
 
Bà Lao được lấy họ Thái trong trường hợp hết sức đặc biệt. Theo lời kể từ mẹ nuôi Lường Thị Khón, người dân đã nhặt được bà Lao hồi cuối tháng 4.1954, khi Việt Minh tổng công kích lần 2 vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Trên đường lánh xa lửa đạn cùng dân bản Pắp Pe, Lường Thị Khón, lúc đó chỉ là một cô gái trẻ, đã phát hiện đứa bé đang gào khóc bên đường.

Ông Lường Văn Đăm với cái linh (nồi đồ xôi), kỉ vật còn lại duy nhất của bố ông mua tặng mẹ
Ông Lường Văn Đăm với cái linh (nồi đồ xôi), kỷ vật còn lại duy nhất của bố ông mua tặng mẹ

Mặc dù trong lúc hỗn loạn, xót thương đứa bé, cô Khón quyết bế đứa bé theo. Sau những ngày náu giặc, không có ai tìm kiếm đứa bé, nên khi về lại Pắp Pe, cô Khón mang đứa trẻ ấy theo cùng.

Tuy đã hết lòng thanh minh, nhưng lúc ấy, ai cũng nghĩ và tin đứa trẻ kia là con của Lường Thị Khón. Nhiều người còn đơm đặt: Khón có con ngoài giá thú rồi gửi ai đó, đến nay mới đưa về. Cưu mang đứa trẻ, chấp nhận điều tiếng, cô Khón đành ở vậy và nuôi đứa con nhặt được.

Đến tận những năm 1970, cô Khón mới lấy được chồng. Chồng cô là bộ đội xuất ngũ, lên Điện Biên làm kinh tế. Mối lương duyên những năm cuối đời này, đã không cho họ một mụn con nào, ngoài đứa con nuôi tên Lường Thị Lao.

Bà Lao không biết nguồn gốc của mình. Chỉ biết rằng càng lớn lên bà càng khác người Thái ở bản. Những biểu hiện ngoại hình của bà cho người ta biết rằng bà là con lai, của một lính lê dương nào đó ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vì ngoại hình hết sức đặc biệt và cao lớn quá khổ này, cũng như mẹ, Lao cứ sống mòn mỏi, hiu hắt bên bậu cửa, những buổi đi nương lặng lẽ một mình. Cũng vì ngoại hình mà Lường Thị Lao đã không có cơ hội đến trường, không biết chữ. Gần 32 tuổi, Lao mới gặp một thanh niên người Kinh lên kiếm việc làm và ngỏ lời yêu.

Sau lễ cưới giản dị theo phong tục người Thái, khi mầm sống trong bụng vừa tròn 2 tháng, chồng cô Lao bỏ bản Pắp Pe, đi đâu không rõ. Không biết quê chồng, cô Lao một mình nuôi con nơi xó rừng Pắp Pe. Đứa con trai của bà Lao sinh năm 1986, nay đã lấy vợ và có cháu.

Nhân gian có câu “không ai giàu 3 họ, không ai khó 3 đời”, nhưng cái khó đời thứ 3 trái quy luật này vẫn vận vào con trai bà Lao. Ngôi nhà bà Lao nghèo nhất bản Pắp Pe, dột thủng lung tung và không có gì đáng giá. “Đất có vậy, người lại thêm, có cố, có chăm cũng vẫn đói vẫn nghèo. Tôi đã không biết bố, giờ lại đến con. Buồn lắm!”, bà Lao thở dài, bỏ chuyện.

Điện Biên giờ là quê hương

Bên cạnh bản Pắp Pe là bản Mé, ở đây cũng có một người đàn ông "khác lạ" với thân hình vạm vỡ, da đen, môi dầy tên là Lường Văn Đăm.

Ông Đăm là kết quả của một mối tình có một không hai giữa một người lính da đen quân đội Pháp tham chiến ở Điện Biên Phủ với cô gái xinh đẹp có tên Lù Thị Đôi. Bố ông Đăm vốn là lính đóng tại Đồi A1 ngày xưa.

Những người già vẫn nhớ về mối tình có một không hai này. Năm 1953, Lù Thị Đôi bước vào tuổi 18. Trước khi để con trai trong bản ngó mắt đến thì Đôi đã được một người lính da đen chú ý. Vì bất đồng ngôn ngữ nên cô Đôi cũng không biết anh lính da đen kia tên gì, quốc tịch ở đâu.

Ngày ấy, khi Việt Minh chưa tấn công Đồi A1, người Pháp vẫn còn tự hào với cứ điểm của mình và thong dong đi lại. Chiều nào cũng vậy, cứ sau giờ luyện quân, chốt đồn, anh lính da đen kia lại tìm đến với gia đình cô Đôi.

Anh lính này hiền, thấy nhà có việc gì là làm giúp. Ban đầu thì gia đình và cô Đôi không ưng ý. Nhưng anh ta qua lại nhiều lần, khiến cô Đôi xiêu lòng. Biết gia đình cô Đôi ưng thuận, anh lính kia đã nhờ người phiên dịch cũng như những bạn lính của mình đến xin và tổ chức cưới cô Đôi.

Ông Lường Văn Đăm với ngoại hình đặc biệt
Ông Lường Văn Đăm với ngoại hình đặc biệt

Cái thai trong bụng cô Đôi lớn dần, con chưa ra đời thì cũng là lúc Việt Minh tổ chức tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ, trong đó có Đồi A1. Một chiều, chồng cô Đôi hốt hoảng chạy về. Giơ tay ra hiệu là mình sẽ phải đi xa, anh chồng da đen lấy vội mảnh giấy viết những dòng chữ lạ kỳ vào đó. Anh ta gào khóc, chào cô Đôi rồi chạy đi trong tiếng pháo kích cấp tập.

Cô Đôi mòn mỏi chờ đợi chồng và một mình vượt cạn. Đứa con sinh ra, cô Đôi đặt tên con là Đăm, theo tiếng Thái nghĩa là đen. Không được học hành, không công ăn việc làm nên ông Đăm đã lấy nghề nông làm chính và hiện ông Đăm đã có 6 đứa con, 3 con trai và 3 con gái. 

Hỏi về gốc tích của mình, ông Đăm cho biết: “Tất cả các kỷ vật mà bố tôi để lại, kể cả mảnh giấy bố tôi viết về gốc tích của mình đều đã chôn cùng mẹ. Chuyện truy tìm nguồn gốc cũng chẳng là chuyện phải bận tâm nữa, vì giờ đây tôi đã coi mình là người Thái và Điện Biên là quê hương...".

Thạch Lâm Sơn - Mai Thanh Hải

>> Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử
>> Tổng duyệt các hoạt động kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ
>> Gặp mặt cựu binh, TNXP của chiến dịch Điện Biên Phủ
>> Bí mật chiến thắng Điện Biên Phủ - Kỳ 1: Chuyện ‘bếp núc’ tiếp sức chiến thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.