Chuyện ông 'nồi cơm điện' Hải Phòng

Lưu Quang Phổ
Lưu Quang Phổ
10/01/2024 09:24 GMT+7

Ngồi giữa đống nồi cơm điện, lò vi sóng và luôn tay hàn, cắt, vặn vít, ông là Nguyễn Văn Hiếu (61 tuổi) đã có gần 40 năm sửa chữa các loại nồi cơm điện, lò vi sóng, lò nướng… Nhiều người gọi ông là ông 'nồi cơm điện' phố Mê Linh (Q.Lê Chân, Hải Phòng).

"Nên người" nhờ nồi cơm điện

Đến cửa hàng, cũng là nhà ông Hiếu ở 53 phố Mê Linh để chữa chiếc máy hút ẩm bị hỏng, tôi thấy ông đang giao lưu với một thanh niên. Người này mang đến khoe chiếc nồi cơm điện Nhật Bản có logo hình con voi: "Cháu mới đấu giá được ở bên Nhật, tổng thiệt hại 500.000 đồng". Ông Hiếu đón cái nồi, mở vung, bật thử rơ le, nói: "Tao giả mày 3 triệu, có bán không". Thanh niên cười, lắc đầu trước khi lên xe dời đi: "Không, cháu để chơi thôi".

Chuyện ông 'nồi cơm điện' Hải Phòng- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hiếu trước “trung tâm bảo hành” nồi cơm điện của mình

L.Q.P

Thanh niên đi rồi, tôi hỏi cái nồi ấy có gì mà ông "máu mua" gấp 6 lần tiền như thế. Ông Hiếu nói: "Tôi khởi nghiệp từ nồi cơm điện, nhìn thấy cái nồi cổ mà còn như mới, có cả sách hướng dẫn như thế thì muốn mua bày chơi để nhớ về kỷ niệm".

Rồi ông giải thích đó là chiếc nồi cơm điện cổ 5 đèn, là chiếc nồi cơ nấu cơm ngon nhất của Zojirushi, một trong những hãng sản xuất nồi cơm nổi tiếng nhất Nhật Bản. Gọi là 5 đèn vì trên thân nồi có 5 đèn thông báo các trạng thái hoạt động của nồi, từ lúc bắt đầu bật, khi nước sôi, khi cạn nước, khi cơm chín…

Cuối những năm 1980, khi đồ điện tử cũ chưa bị cấm nhập khẩu, ông Hiếu đã xuống các tàu biển mua nồi cơm Nhật cũ về bán. Mỗi chiếc lãi 50.000 đồng, một ngày bán chục cái nồi là có thể bỏ túi hơn chỉ vàng.

"So với xe máy, tủ lạnh, loa đài thì nồi cơm điện là thứ rẻ tiền nhất. Nhưng vì nó là đồ thiết yếu, nhà ai cũng cần dùng nên bán rất chạy, chỉ mấy năm buôn nồi mà tôi mua được cái nhà này với giá 180 cây vàng, tính ra tiền khoảng gần 1 tỉ đồng theo thời giá năm 1999", ông Hiếu nói.

Từ buôn bán, ông Hiếu bất đắc dĩ phải kiêm thêm nghề bảo hành mỗi khi nồi đã bán trục trặc. Theo ông Hiếu, loa đài, ti vi hỏng bao giờ chữa cũng được, nhưng nồi cơm thì không xong với các cô, các bà. Nồi cơm Nhật cổ rất bền, nhưng do dân ta sử dụng không chuẩn nên cũng sinh ra nhiều sự cố. Nào cơm khê, cơm sống, hở vung, hay đơn giản là cắm nhầm điện 220 v, dù nồi Nhật dùng điện 100 v.

Có bà, có chị không biết còn đổ nước vào nồi để rửa. Có người không biết thì bỏ xoong ra ngoài rồi đổ cả gạo và nước vào để nấu. Có người mới ở quê ra thì đặt cả nồi lên bếp gas mà đun. Thế là từ một người được đào tạo về kế toán, khởi nghiệp bằng "thương mại điện tử" như cách nói của ông về nghề buôn đồ điện cũ, ông Hiếu trở thành… nhà bảo hành.

Sửa nồi cơ khí không quá khó và một người thông minh như ông Hiếu mau chóng thạo nghề ngay từ đầu những năm 1990. Từ nồi cơm cơ khí, ông nghiên cứu và chữa được nồi điện tử, lò vi sóng, lò nướng, máy sinh tố, máy hút ẩm, bàn là, quạt điện… nhưng nồi cơm là nhiều nhất. "Trung tâm bảo hành" của ông dù không có bảng hiệu nhưng luôn nườm nượp người ra vào. Tuy nhiên, nếu ai đó từng làm khách hàng hoặc chỉ cần nửa tiếng ngồi xem ông làm việc, sẽ bị bất ngờ.

Tiền để đâu cho hết

Tôi nảy ra ý nghĩ viết về "trung tâm bảo hành" đặc biệt này khi ông Hiếu kể chuyện có một nhà báo làm việc cho một tạp chí kinh tế muốn viết về ông. "Văn phòng bác ấy bên kia đường, thấy khách vào nhà tôi suốt ngày bèn đi sang, bảo thế này thì tiền để đâu cho hết, nên tôi sang phỏng vấn và viết về ông như một tấm gương doanh nhân. Tôi cười bảo anh ngồi đây rồi tính xem mỗi ngày em kiếm được bao nhiêu", ông Hiếu nói và đế thêm một câu vui vẻ: "Tôi còn bảo bác ấy là em đã bận lắm rồi, bác quảng cáo nữa thì sức đâu mà làm hết việc".

Mỗi khách đến luôn bê theo một nồi cơm, lò nướng, lò vi sóng, máy xay sinh tố hoặc một món đồ gia dụng nào đó. Ông Hiếu thường hỏi nó bị "bệnh" gì và bảo họ lấy một chiếc bút dạ tự ghi số điện thoại vào đít nồi, lưng lò, khi sửa xong ông sẽ gọi đến lấy. Mỗi ngày, ông tiếp ngót nghét trăm người như vậy, có ngày phải sửa đến 25 cái lò vi sóng.

"30 năm trong nghề, lắm khi chỉ nghe người ta nói điện có vào không, đèn có sáng, bật có nóng không thì mình đã biết là nó bị bệnh gì, có chữa được hay không. Cái gì không có đồ thay thì nói luôn cho người ta mang về", ông Hiếu nói và cho biết chỉ mất vài chục phút để xử lý xong một "ca bệnh", trong khi người ngoài có thể phải lần mò cả ngày.

Ngày xưa, khi thợ còn ít, linh kiện cũng hiếm, việc sửa chữa cũng ra tiền. Nhưng ngày nay, thật khó tin khi mỗi lần sửa đồ, ông chỉ lấy 20.000 - 50.000 đồng. Rất ít món lên đến 100.000 - 200.000 đồng, là khi phải thay cả hệ thống may so trong nồi cơm điện, hoặc thay chiếc xoong bị hỏng. Khá nhiều ca như tuột dây, tiếp xúc xấu, ông chỉ chữa hộ hoặc lấy 5.000 - 10.000 đồng cho khách đỡ ngại.

"Đúng là tiền không để đâu cho hết, vì các bà đi chữa đồ nhà bếp luôn nhiều tiền lẻ, nên ngày nào mình cũng có một xấp tiền rất dày, lắm khi không biết cất vào đâu", ông Hiếu hài hước chia sẻ.

Theo nhiều người dân Hải Phòng, ông Hiếu cũng cho biết, chỉ nhà ông mới sửa chữa đồ điện cũ với giá "mềm" đến 20 - 30% so với giá "thị trường". "Mình có nhà riêng, không phải chuyển cửa hàng nên nhiều khách quen, cũng không phải thuê nhà nên không lấy đắt. Vì thế, khách đã đông lại càng đông hơn", ông Hiếu kể và cho biết cả trăm nồi cơm điện cũ, máy sinh tố hoặc linh kiện lò vi sóng xếp đầy tầng 1 chính là nguồn phụ tùng thay thế.

"Nó cứ ở đó đến tết mới được dọn đi. Nó giúp tôi chữa hàng trăm cái nồi cơm điện hoặc lò vi sóng mà không phải ra khỏi nhà để mua phụ tùng", ông Hiếu nói.

Các con ông Hiếu không có ai nối nghiệp cha. Ông chỉ có một người bạn nghề tên Cường, năm nay 59 tuổi, hàng ngày đến giúp việc. Hai ông đều bảo trông thế thôi chứ mỗi "ca bệnh", mỗi nguyên nhân, cách xử lý cũng cần sáng tạo nên không thấy nhàm chán. Hỏi có tiếc không nếu nghề này thất truyền, ông Hiếu bảo có gì mà tiếc, mà tiếc cũng chẳng được. Vậy thì tiếc làm gì?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.