Chuyện quanh quanh Dâm Đàm: Hồ Tây có tự bao giờ

02/03/2020 06:28 GMT+7

Non nước Tây Hồ huyền bí, hữu tình, trải qua thời gian với bao biến động, các làng quanh hồ Tây - Dâm Đàm (Hà Nội) còn lưu giữ nhiều dấu ấn và câu hỏi từ truyền thuyết đến hiện đại.

Khảo cứu Chuyện quanh quanh Dâm Đàm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã “ghi chép lại chút xưa và thêm chút nay hầu giúp bạn đọc hiểu về vùng đất lịch sử, văn hóa và tâm linh này”. Thanh Niên trân trọng trích đăng một số câu chuyện nổi bật trong tập sách.
Theo cuốn Hà Nội nghìn xưa, khu vực này xưa có một bến ở cạnh sông Hồng, thuộc động Lâm Ấp, nên gọi là bến Lâm Ấp của thôn Long Ðỗ.
Xung quanh bến Lâm Ấp là rừng lim rậm rạp với nhiều hang động. Sau này khi đánh cá, ngư dân thỉnh thoảng vẫn vớt được những khúc gỗ lim ở dạng trầm tích. Vào đầu Công nguyên thời Hai Bà Trưng chống quân xâm lược nhà Ðông Hán do tướng Mã Viện dẫn đầu thì khu vực hồ Tây có cửa thông với sông Hồng và bãi lầy. Ðến thế kỷ thứ 6, khi Lý Nam Ðế chống quân xâm lược nhà Lương của Trần Bá Tiên thì hồ Tây đã có rồi. Tuy nhiên rất khó xác định mốc thời gian hồ Tây được hình thành.
Về địa lý, hồ Tây là hồ ngoại sinh, có dạng lòng chảo. Hồ tạo thành chủ yếu do tác dụng xâm thực của sông Hồng. Tuy nhiên sự hình thành địa dư của hồ cũng là câu hỏi không dễ trả lời. Liệu hồ Tây có phải là một khúc của sông Hồng xưa, sau khi đê vỡ, người ta đã đắp đê mới phía ngoài, ngăn sông với hồ? Tuy nhiên lịch sử đê điều Việt Nam chỉ mới bắt đầu từ thế kỷ thứ 6 nên giả thuyết đê vỡ tạo thành hồ xem ra không thuyết phục. Hồ Tây xưa là khúc uốn của sông Hồng khi sông đổi dòng chảy lấn về bờ bên kia đã để lại một hồ nước, giống như sông Hồng đổi dòng đã tạo ra hồ Lục Thủy. Thực tế thì sông Hồng đã nhiều lần đổi dòng khiến cửa sông Cà Lồ (ở xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) bị cát bồi lấp dẫn tới Cà Lồ trở thành con sông chết. Nếu chấp nhận giả thuyết đó thì hồ Tây có từ bao giờ vẫn là câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng một điều chắc chắn nguồn cung cấp nước gián tiếp cho hồ Tây từ nửa đầu thế kỷ 18 trở về trước chính là sông Hồng thông qua sông Thiên Phù ở phía tây và sông Tô Lịch ở phía đông của Hà Nội ngày nay. Khi Lý Công Uẩn dời Hoa Lư ra lập kinh đô Thăng Long thì hình ảnh hồ Tây bắt đầu gắn liền với kinh thành và đời sống xã hội Thăng Long.
Trước khi TP.Hà Nội thực hiện dự án kè bờ, nhiều người cho rằng hồ Tây đã rộng hơn trước, căn cứ vào một số làng ven hồ xưa còn có đất ruộng, đầm, ao, nghĩa trang của làng, nhưng đến thập niên 1960, 1970 đã bị nước hồ nhấn chìm. Nhận định đó là có cơ sở. Ðầu thế kỷ 18, cửa sông Thiên Phù (một nhánh sông cổ phía tây bắc kinh thành Thăng Long) bị lấp, nguồn cấp nước cho hồ Tây chỉ còn trông chờ vào sông Tô Lịch. Hồ cạn, các làng quanh hồ khai hoang lấy đất trồng trọt và làm nghĩa địa. Cuối thế kỷ 19, sông Tô Lịch cũng bị lấp nên hồ Tây không còn nguồn cấp nước gián tiếp từ sông Hồng, trở thành hồ tù. Một số đầm, ao ở phía tây bắc hồ là do bị lấy đất cung cấp cho Nhà máy gạch Quán Thánh từ cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Thời điểm này, có 9 làng nằm sát hồ gồm: Yên Phụ, Nghi Tàm, Tây Hồ, Quảng Bá, Nhật Tân, Thụy Khuê, Hồ Khẩu, Võng Thị, Trích Sài.
Một nguyên nhân khác khiến mặt nước hồ mở rộng hơn là mất sen. Trước năm 1954, sen được trồng quanh hồ, ngoài giá trị thẩm mỹ, sen còn mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể nhưng quan trọng hơn là sen có tác dụng ngăn sóng chống lở đất. Thế nhưng khi Xí nghiệp nuôi trồng và khai thác thủy sản hồ Tây thành lập năm 1958, người ta đã giải thể nhiều khu vực trồng sen vì sợ gai ở thân cây làm chết cá. Ðất của làng Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân, Trích Sài... bị sóng đánh dẫn đến sạt lở. Trước cổng chùa Thiên Niên, các mộ táng không còn đất trơ ra phần gạch. Tuy nhiên nước hồ không dâng đột ngột mà dâng dần theo từng năm nên không có chuyện các gia đình ven hồ không kịp chạy mộ. Những ngôi mộ bị chìm phần lớn là chôn lâu năm mà gia chủ không bốc hoặc từ rất xa xưa nên không còn thân nhân cải táng, trong đó có thể có mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Nói hồ Tây rộng hơn xưa là đúng. Nhẽ ra mất ruộng, ao, đầm, nghĩa địa và lở đất thì diện tích hồ phải rộng hơn nhưng thực tế lại ngược lại. Theo cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX của Nguyễn Văn Uẩn, hồ Tây rộng 538 ha. Theo bản đồ do Liên Xô chụp tháng 12.1981 bằng vệ tinh, hồ Tây rộng 526,16 ha còn theo số liệu của Công ty đầu tư và khai thác thủy sản hồ Tây, năm 1987 hồ rộng 516 ha.
Có nhiều câu hỏi đặt ra về kỹ thuật đo đạc, người ta dựa theo mặt nước hồ lúc cao nhất hay thấp nhất? Hay tính từ chỗ không có dân sinh sống? Tuy nhiên có một lý do rất đáng lưu ý là khi sóng đánh, các gia đình sống gần mép hồ đã chống sạt lở bằng cách làm các ống cống bằng gạch thả cách bờ rất xa, sau đó đổ đất vào các ống cống này để định vị. Từ đó họ thuê đổ rác thải xây dựng vào phần trống đó. Trong quá trình chống lở lại cạp rộng hơn phần đất họ đã mất. Sau đó dự án Công viên nước Tây Hồ cũng “liếm” một diện tích mặt hồ không nhỏ rồi dự án kè bờ cũng làm mất thêm khoảng 50 ha khiến diện tích hồ hiện chỉ còn 460 ha.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.