Chuyện 'thầm kín' từ 5 sao đến… ngàn sao

Đoàn Xuân Hải
Đoàn Xuân Hải
20/07/2018 12:34 GMT+7

Đi vệ sinh hẳn nhiên là một nhu cầu bình thường nhưng cũng là câu chuyện hết sức tế nhị, thậm chí “khó xử” đối với du khách Việt khi ra nước ngoài.

Ở đa số các nước, nếu không tìm ra nhà vệ sinh (NVS) công cộng, bạn có thể bước vào siêu thị hoặc nhà hàng bất kỳ để đi nhờ và an tâm là sẽ không có ai làm khó dễ. Tuy vậy, vài năm trở lại đây, do lượng du khách ngày càng đông trong khi số NVS trong nhà dọc theo các khu phố thương mại hầu như không tăng đã khiến cho tình hình trở nên phức tạp.
Một số chủ quán, chủ cửa hàng ở Âu - Mỹ đã khóa chặt cửa NVS, chỉ mở cho đúng khách hàng của mình mà thôi. Trong tình huống “khẩn cấp”, bạn buộc phải mua một món gì đó để “kiếm cớ” sử dụng NVS của họ. Còn muốn “chơi sang”, hãy tìm đến NVS VIP hay NVS 5 sao.
Từ 5 sao…

Những thành phố du lịch nổi tiếng ở châu Âu đều có NVS công cộng 5 sao do tư nhân quản lý, như ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan chẳng hạn. Nếu bạn đã từng biết NVS phòng VIP trong khách sạn 5 - 6 sao thấy nó như thế nào thì dạng NVS này cũng đẳng cấp y như vậy, chỉ có điều giá cả cũng 5 sao luôn: từ 2 - 3 euro/lần sử dụng (khoảng 50.000 - 70.000 đồng).
Nếu xét trên bình diện sang trọng và hiện đại, thì không đâu bằng NVS ở Nhật. Người Nhật nổi tiếng về sự sạch sẽ đã đành, NVS của họ ngày càng “phục vụ tận tình” cho người sử dụng. Bạn chỉ cần nhấn nút hoặc đặt bàn tay lên “con mắt cảm ứng” là coi như mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa đến mức kinh ngạc. NVS dạng điện tử này còn có cả chức năng sưởi ấm khay ngồi, muốn ấm cỡ nào tùy người sử dụng. Chức năng này rất hữu dụng vào mùa đông giá rét.
Cũng văn minh hiện đại không kém, song có phần “lộng lẫy” hơn, phải kể đến NVS trong khách sạn 7 sao Burj Al Arab ở Dubai. “Toilet 7 sao” này đặc biệt ở chỗ một số chi tiết nội thất được dát…vàng 24K!
… đến ngàn sao khó xử vô cùng
NVS ngàn sao có thời rất “thịnh hành” ở xứ ta, chủ yếu vùng nông thôn. Đó là dạng cầu tõm, được thiết kế trên ao cá tra. Đơn giản hơn cầu tõm là vác cuốc ra đồng đào một cái lỗ, xong lấp lại. Những dạng NVS như thế này được gọi “toilet ngàn sao” vì nó thoáng mát, trống huơ trống hoác, trên đầu có bầu trời với trăng sao lấp lánh, chẳng chút gì gọi là “thầm kín” như toilet trong nhà.

Một lần ở Tây Tạng, đoàn du khách đến thăm vùng ngoại ô thủ phủ Lhasa, trước khi rời đi, một số chị có nhu cầu đi vệ sinh. Chủ nhà vui vẻ chỉ ngay NVS mặc dù được thiết kế dính liền với ngôi nhà nhưng trống huơ trống hoác trên đầu, còn vách ngăn thì lưng lửng như cầu tõm xứ mình. Một chị bước vào, mấy chị kia phải xếp hàng ngang che lại vì cái NVS ấy… không có cửa. Chưa hết, NVS này đặc biệt ở chỗ nó được thiết kế cho… 2 người ngồi sát bên nhau “thông suốt” vì không có vách ngăn. Thiết kế như vậy xem ra cũng khá thú vị khi 2 vợ chồng rủ nhau “trút bầu tâm sự” đồng thời cùng ngắm tuyết rơi giữa một không gian đồi núi chập chùng. Nói gì thì nói, NVS dạng này cũng có chút gì đó… lãng mạn hoặc lãng xẹt tùy theo tâm trạng của từng du khách!
Lần khác dừng chân tại một trạm trên vùng núi thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Khung cảnh lúc bấy giờ (mùa đông) của vùng đồi núi này tuy ảm đạm nhưng khá đẹp, tuyết phủ trắng xóa trên các cành thông, còn mặt đất thì khỏi phải nói, tuyết phủ một lớp dày. Khung cảnh thơ mộng là vậy, nhưng ngặt một nỗi hôm ấy người giữ chìa khóa NVS của trạm dừng chân đi vắng. Biết làm sao bây giờ?
Bí quá, chúng tôi đành rủ nhau vào rừng thông, chia làm 2 nhóm “nam tả, nữ hữu” mạnh ai nấy đi. Mùa đông Trung Quốc lạnh khủng khiếp, phải trùm kín mít từ đầu đến chân, để làn da hở ra là tê buốt giống như bị dao lam cứa. Vậy mà, bạn thử tưởng tượng xem, đi “toilet ngàn sao” trong hoàn cảnh vừa nêu nó sẽ… kinh dị đến mức nào. Mà không đi thì không ổn, vì phải mất khoảng 2 tiếng đồng hồ nữa mới đến được trạm dừng chân kế tiếp!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.