Người Việt đặt chân đến cung điện ở nơi cao nhất, hạnh phúc nhất thế giới

20/05/2018 10:33 GMT+7

Có một địa điểm nổi tiếng mà ai đến Tây Tạng cũng đều mong muốn được viếng thăm, đó là cung điện Potala, nằm ngay trung tâm thành phố Lhasa, thủ phủ của vương quốc hạnh phúc.

Có thể gọi Potala là cung điện cao nhất thế giới hay di sản văn hóa nhân loại duy nhất ở độ cao nhất thế giới khi nằm ở độ cao 3.800 m so với mực nước biển.
Cung điện Potala đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, thậm chí còn được một số kênh truyền hình, báo chí Mỹ gọi là “1 trong 7 kỳ quan mới”. Như vậy cũng đủ thấy tòa cung điện này có sức hấp dẫn như thế nào với du khách khi tìm đến Tây Tạng.

Công trình nguy nga trên hồng đồi
Nằm trọn trên Hồng Đồi - ngọn đồi duy nhất nằm giữa Lhasa, Potala - ngự trị ở vị trí tuyệt đẹp khi đứng bất cứ nơi đâu ở đây cũng có thể nhìn thấy. Không ngạc nhiên khi mỗi ngày, nơi này luôn nườm nượp du khách khắp nơi trên thế giới đổ về, bất chấp độ cao, không khí loãng, thiếu ô xy khiến không ít người say choáng đứ đừ rồi còn phải đi bộ ngược lên đồi qua hàng trăm bậc tam cấp và những lối đi lát đá đã mòn nhẵn vì thời gian và dấu chân người.
Ai không quen sẽ thấy nhức đầu, choáng váng, khó thở, bước chân mệt mỏi. Nhưng bù lại, mỗi bước chân leo dần lên cung điện ấy lại mở ra những khung cảnh gợi nhớ quá khứ vàng son và linh thiêng của Tây Tạng.
Được xây dựng vào thế kỷ thứ 7, năm 637 thời vua Tùng Tán Cán Bố, cung điện Potala bắt đầu được khởi công năm 1645 thời kỳ Đạt Lai Lạt Ma thứ 5. Phải mất hơn 50 năm mới hình thành quy mô công trình như hiện nay. Đến thế kỷ 17, cung điện này được Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, Ngawang Lobsang Gyatso, cho tu tạo để có được cấu trúc như hiện nay.
Potala không có sự lộng lẫy rực rỡ sắc màu điệu đà như các cung điện châu Âu nhưng những bức tường thô ráp như thành quách ấy - mà có những nơi dày đến mấy sải tay người - lại chứa đựng cả kho tàng vô giá. Potala không chỉ đẹp, hoành tráng như nhiều cung điện nổi tiếng khác trên thế giới mà còn đẹp vì điều khác biệt lớn nhất khi chứa ẩn tất cả sự huyền bí linh thiêng bên trong nó.
Không thể nhớ hết những gì đã chiêm ngắm
Cung điện Potala có 13 tầng lầu, hơn 10.000 bàn thờ các chư Phật, 20.000 tượng Phật, Bồ tát… được tạc khắc đủ kiểu dạng to nhỏ. Tượng nào cũng đẹp, có giá trị thẩm mỹ cao và không ít pho tượng gây choáng ngợp vì vẻ to lớn, thần thái uy nghi, huyền bí trên từng nét mặt. Một giờ đồng hồ không thể nào đủ để tham quan hết toàn bộ cung điện. Càng không thể nào đi hết 1.000 căn phòng được xây dựng và hoàn tất cách đây hàng trăm năm. Nhưng đó là thời gian tham quan quy định dành cho mọi du khách. Không có ngoại lệ.
Mỗi ngày, cung điện Potala chỉ mở cửa từng đợt. Mỗi đợt gói gọn trong 1 tiếng. Thời gian xếp hàng chờ tới lượt được kiểm tra an ninh gắt gao cũng mất trung bình khoảng 1 tiếng nữa.
Cung điện hoành tráng sừng sững trên quả đồi ngay trung tâm thủ đô Lhasa của Tây Tạng này từng là trung tâm Phật giáo, chính trị và tâm linh của Tây Tạng. Nơi sinh sống của rất nhiều Đạt Lai Lạt Ma này hiện tại chỉ có khoảng 25 nhà sư. Cùng hiện diện trong cung là sự tháp tùng và bảo vệ của khoảng hơn 100 cảnh sát và camera an ninh theo dõi chặt chẽ...
3 phần cung điện potala
Cung điện Potala có 3 phần: Khu cung thành phía trước núi, khu cung thất trên đỉnh núi và khu hồ phía sau núi.
Khu cung thành có 3 cửa đông, nam, tây và 2 gác lầu. Trong thành có các cơ quan quản lý phục vụ cung như viện in kinh, nơi ở của các quan viên, tăng ni và có cả nhà giam, chuồng ngựa.
Khu cung thất có 2 quần thể kiến trúc gọi là Bạch Cung và Hồng Cung. Bạch Cung là cung thất chuyên phục vụ cho sinh hoạt chính trị và tôn giáo của Đạt Lai Lạt Ma. Nơi này có các phòng tiếp khách, yết kiến, hội họp của các vị Lạt Ma.
Hồng Cung là quần thể kiến trúc mang tính chất tôn giáo gồm các điện Phật có linh tháp đặt thi thể 8 vị Đạt Lai Lạt Ma đã viên tịch và một số sảnh điện khác.
Hồng Cung có tường đắp màu son đỏ, theo văn hóa người Tạng là biểu trưng của quyền lực, là nơi đặt kim tháp (mộ táng của các Đạt Lai Lạt Ma được làm bằng vàng). Xác ướp của Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 được cất giữ trong một tòa tháp, thường gọi là stupa, ở phía tây Hồng Cung. Tháp này cao 5 tầng, được bao phủ bởi 4 tấn vàng - là nơi các du khách tìm đến tham quan, chiêm bái nhiều nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.