Nhưng theo cách nhìn của tôi, người viết bài này, nó là kết quả của cả một câu chuyện dài: Sự thiếu trung thực trong khâu tuyển dụng giáo viên vô tình đã dẫn tới tình trạng người xứng đáng được đi dạy thì bị đánh trượt, người kém điểm, do chạy chọt tiêu cực hoặc con ông cháu cha thì lại trúng tuyển. Và để rồi có ngày, những nhà giáo nọ đã làm những việc phi giáo dục đến mức không có một ai dám hình dung dù cho trí tưởng tượng của họ có phong phú đến mấy đi nữa!
Nếu ngành giáo dục không để xảy ra chuyện bi hài đến mức cười ra nước mắt như ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi khi được ngành tổ chức phúc khảo thì sao biết! Họ đã phát hiện ra có 13 người thi đậu thành rớt, 8 thí sinh rớt lại đậu. Thậm chí còn bi hài hơn khi trong đó có 1 thí sinh từ rớt, nay họ khiếu nại nên đã thành... thủ khoa. Một điều đáng lưu ý, ấy là mới chỉ có 86 đơn kêu cứu của những thí sinh xin phúc khảo thì có đến 70 thí sinh được tăng từ 10-14 điểm (thang điểm 100).
Tôi cho rằng , đây chính là bằng chứng cho thấy vì sao chất lượng giáo dục lâu nay của chúng ta đang đi xuống đến mức rất đáng lo ngại.
Hệ lụy của nó là gì và như thế nào? Theo tôi, có thể vắn tắt rằng: Ở khâu đầu vào trước đó, khâu thi tuyển vào ngành sư phạm nhiều năm qua chúng ta lấy điểm sàn quá thấp - thấp đến mức có trường lấy chưa đủ 10 điểm 3 môn và không có điểm liệt là đã có thể đạt chuẩn vào đại học sư phạm và sẽ ra dạy thì nguy thật!
Thế rồi, đến khi họ ra trường thì thi tuyển lại lo chạy chọt... Cho nên mới sinh ra một lớp giáo viên (cứ cho rằng chỉ là thiểu số) có hành vi trên thì sẽ dẫn đến hệ lụy tiếp theo: Giáo viên ra trường thì trình độ yếu kém, không thực yêu nghề và kiến thức sư phạm lại lơ mơ... Tất cả đã dẫn đến những hành vi không mô phạm, thậm chí, phi sư phạm.
Từ vụ việc cô giáo dùng hình phạt bắt trò quỳ cả tiếng đồng hồ để “dạy dỗ” học sinh kiểu như cô giáo bắt học trò quỳ ở Long An, rồi phụ huynh của trò đó lại trả thù ngược lại, buộc cô giáo phải quỳ hòng xin gia đình họ tha cho; đến câu chuyện phi nhân tính ở H.An Dương, Hải Phòng đó là việc cô giáo bắt trò lớp 3 (vì cháu mất trật tự mà bị phạt) phải súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng. Những hiện tượng này cho thấy có điều gì đó không bình thường, vô đạo đức. Hành vi này, theo tôi cần phải nghiêm khắc xử lý, không chỉ đưa cô giáo ra khỏi ngành giáo dục mà Sở GD - ĐT TP.Hải Phòng nên thành lập tổ công tác, thanh tra đến nơi đến chốn quá trình cô giáo Minh Hương ở trường tiểu học xã An Đồng trúng tuyển vào ngành ra sao? Có thực sự là người có trình độ hay do quan hệ? Và nếu như có dấu hiệu chạy chọt trong thi cử, do quan hệ... thì cũng nên truy tới cùng để xử lý những ai có liên quan...
Tôi mong rằng, ngành giáo dục nói chung của nước nhà không nên coi nhẹ những hiện tượng như tôi vừa nêu trong bài viết. Từ đó ngành sẽ có biện pháp chấn chỉnh sâu sắc, toàn diện nếu như ngành thực lòng không muốn để tình trạng nói trên tiếp tục diễn ra và lan rộng ở các trường học. Nó sẽ rất tai hại khiến cho thực trạng ngày một đi xuống về chất lượng và đạo đức nói chung của người giáo viên...
Bình luận (0)