Chuyện tình một thuở của nhà văn Ngụy Ngữ

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
12/09/2022 06:00 GMT+7

Tình cờ, biết được những câu chuyện thú vị về nhà văn, nhà biên kịch Ngụy Ngữ qua lời kể của bà Nguyễn Ngọc Phân, là vợ của ông suốt 39 năm qua, nên ghi lại đôi dòng, như lời tiễn biệt một người dù chưa từng gặp, nhưng rất thích đọc văn ông.

Nữ sinh trường Pháp lặn lội vùng duyên hải

Bà Nguyễn Ngọc Phân (chữ phân này trong Hán - Nôm để chỉ một loài cỏ thơm) sinh ra ở Sài Gòn, chính gốc nói tiếng miền Nam, nữ sinh trường ma soeur, học nghề y, đi về vùng Cần Giờ lúc ấy gọi là… “đi duyên hải” để chăm sóc sức khỏe cho bà con vùng xa của Sài Gòn. “Thập niên 1980 khó khăn lắm, anh ấy thì đi thực tế sáng tác. Gặp tôi, anh nói giọng miền Trung đầy vẻ ái ngại: nữ sinh trường Pháp liễu yếu đào tơ mà về đây chịu cực chịu khổ rứa được là giỏi. Tôi chỉ biết cười, rồi thôi. Ai dè ảnh theo đuổi... Cũng không mê văn chương lắm nhưng gặp nhà văn cũng… khoái. Thích nhất là sau này khi đã thành vợ chồng, mình được đi coi phim lúc chưa ra rạp. Mỗi khi duyệt phim, ảnh đều có thư mời. Đưa tui đi, ngồi phòng máy lạnh những năm đó, thiệt là vui”, bà Phân kể.

Những ngày tươi đẹp thuở thanh xuân của nhà văn Ngụy Ngữ và bà Nguyễn Ngọc Phân (chụp năm 1984 ở Huế)

TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Cưới nhau cuối năm 1983, sau khi quen 4 tháng. Chàng nhà văn Ngụy Ngữ đưa nàng bác sĩ Ngọc Phân đi khắp nơi. Một người bạn đồng nghiệp của người viết, anh Nguyễn Đức Tú, là phóng viên Thanh Niên đồng thời là em họ của nhà văn Ngụy Ngữ ôn lại những kỷ niệm về người anh của mình, đồng thời dẫn lại câu chuyện của bà Phân: “Anh Ngữ rất cá tính, nói theo giọng miền Trung là hơi… chướng, nhưng tốt tính. Hồi ấy, chở vợ đi bằng xe đạp lên dốc đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM), lần đầu trật xích ảnh bảo: em xuống đi; lần thứ 2 trật xích, ảnh nói cộc lốc: xuống; lần thứ 3 ảnh… quăng luôn cả xe lẫn người đẹp đứng đó, đi một mạch. Nhưng dợm mấy bước, cười quay trở lại lúi húi sửa xe, xong gồng mình chở đi”. Anh Nguyễn Đức Tú cũng cho biết: “Anh tôi tên thật là Nguyễn Đức Ngữ (sau này viết tác phẩm đầu tiên ký bút danh là Nguyễn Văn Ngữ, rồi sau đó lấy bút danh Ngụy Ngữ), sinh ra ở quê quán làng Hà Lỗ, xã Hải Tân (nay là xã Hải Phong), H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Những chi tiết này, có vài bài báo đưa chưa được chính xác lắm, cứ tưởng quê quán (hay sinh quán) của anh Ngữ là ở Thừa Thiên-Huế.

Bà Phân chia sẻ thêm: “Lúc chưa cưới, ảnh ở căn phòng nhỏ trong khu tập thể của hãng phim trên đường Hai Bà Trưng. Cưới xong, cơ quan phân thêm cho căn phòng kế cạnh. Ngặt nỗi có bức tường ngăn cách, không biết làm sao. Ảnh liền kêu thợ về, đục cái cửa thông hai phòng. Nhưng nhà xây hồi đó có cái đà bê tông dày lắm, lại thêm ống nước đặt băng ngang không đục được. Vậy là mỗi khi bước qua bước lại, phải nhảy lên một cái”. Tôi hỏi: "Rồi anh hay chị có bị vấp lần nào không?", bà Phân cười: “Hai người đều chân dài mà, nhảy qua nhảy lại… vô tư”.

Đám cưới của nhà văn Ngụy Ngữ cuối năm 1983

TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Căn nhà ở đường Nguyễn Thông và những tác phẩm văn học, điện ảnh

Theo lời bà Nguyễn Ngọc Phân, lúc chuẩn bị cưới, có vài người bạn nói ông Ngữ uống rượu dữ lắm, có khi say ngủ cả ngoài lan can. “Tui nghe giật mình, nhưng rồi cười xòa, duyên nợ mà. Có điều ảnh nói: ai nói gì kệ họ, hay có người nào mê là mê văn chứ không phải mê người đâu à nghe. Tui tin điều đó và nghĩ, văn nghệ sĩ thì phải có cảm hứng mới sáng tác được. Với lại ảnh viết văn, kịch bản phim rất công phu, có khi xông xáo ra phim trường lặn lội suốt cả ngày này sang ngày khác, hội ý cảnh quay với đạo diễn đến lúc vừa ý mới thôi”.

Niềm vui khi sinh đứa con đầu lòng

TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Tậu được căn nhà trên đường Nguyễn Thông (TP.HCM), hai ông bà chấm dứt những ngày tạm bợ trong khu tập thể, nhà văn Ngụy Ngữ “đẻ sòn sòn” rất nhiều kịch bản phim có giá trị nhân văn và rất táo bạo, như chuyển thể tác phẩm Con thú tật nguyền viết trước 1975 của mình thành kịch bản phim, cộng tác với TFS làm bộ phim nhiều tập Kênh nước đen, rồi Gái nhảy và nhiều tác phẩm với bút lực mạnh mẽ như Cánh đồng bất tận, Bụi hồng, Cảnh sát hình sự... “Ảnh nói với tui, cứ chờ phim ra mắt đi xem là được. Còn rất ít để ý đến những lời khen chê. Tính ảnh trầm, ít nói nhưng làm việc gì cũng chắc chắn”, bà nói.

Đám tang của nhà văn Ngụy Ngữ ở chùa Xá Lợi (TP.HCM)

BÙI CHIẾN

Ngồi thêm lát nữa, bàn bên kia là những văn nghệ sĩ khá nổi tiếng của TP.HCM đến thắp nhang cho ông, đang ôn lại những câu chuyện về một bạn văn có cuộc đời không ít thăng trầm và tâm huyết với nghiệp văn chương, bỗng có vợ của một nhà thơ, nói giọng Huế đến viếng thay chồng mình không đến viếng được, giới thiệu đôi nét với bà Phân và xin vào thắp nén nhang cho ông, với giọng bùi ngùi.

Đám tang của nhà văn Ngụy Ngữ ở chùa Xá Lợi (TP.HCM)

BÙI CHIẾN

…Rời nhà tang lễ bên hông chùa Xá Lợi, nhìn ra người xe qua lại vào ngày thứ bảy vào đúng dịp trung thu, tôi vẫn nhớ ánh mắt buồn buồn của bà Nguyễn Ngọc Phân, nói rằng nhà văn Ngụy Ngữ rất ít khi để ý đến sinh nhật mình. “Nhưng mẹ con tui bàn nhau và thuyết phục ảnh làm cái lễ kỷ niệm 40 năm ngày cưới gọn gàng thôi, ai dè ảnh không ráng được thêm 1 năm nữa”. Căn bệnh ung thư thực quản quái ác đã đưa ông ra đi về miền miên viễn sau 2 năm nhà văn dốc hết bản lĩnh chống chọi miệt mài.

Một nén tâm nhang này để sáng nay (12.9) vĩnh biệt, đưa nhà văn Ngụy Ngữ về miền mây trắng…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.