Chuyện tình 'ông bà anh': Chia ngọt sẻ bùi, chăm đàn 'con' gần 30 chó mèo

18/04/2021 15:19 GMT+7

Không đám cưới rình rang, gặp nhau rồi về ở với nhau nhưng ông Quý và và Yến vẫn hạnh phúc gần 30 năm qua. Không con cháu, ông bà dành hết tình thương, có ngày nhịn ăn để nuôi đàn chó mèo gần 30 con.

Theo lời hàng xóm, chúng tôi đến căn nhà nhỏ của ông Thái Văn Quý (69 tuổi) và bà Trần Ngọc Yến (59 tuổi, cùng ở P.Tân Đông Hiệp, Bình Dương). Căn nhà của ông bà đã cũ, tường nhà và đồ đạc đều bị ám màu khói từ bếp củi. Trong nhà không có điện thoại, không internet, chỉ có một chiếc ti vi cũ là tài sản lớn nhất nhưng rất ít khi dùng đến. Để đó đã lâu, ông Quý còn không biết liệu chiếc ti vi còn sử dụng được hay không.

Chuyện tình vợ chồng già có "đàn con" gần 30 chó mèo

Chuyện tình “ông bà anh”

Nhớ về chuyện tình mình, ông Quý khoác vai vợ kể ông bà trước kia đi làm thuê làm mướn khắp nơi, rồi vô tình gặp nhau. Không đám cưới đám hỏi rình rang, cứ thế hai người nên duyên rồi sống chung với nhau. Hơn nửa cuộc đời, nghèo đói, ngọt bùi, ông bà đều đã cùng nhau vượt qua.
Bà Yến cười móm mém: “Hồi đó đâu có nhà cửa gì, tụi tôi đi làm thuê khắp nơi, tối về thì ngủ tại một cái trường học. Đến năm 1997, nhà nước mới cấp cho căn nhà nhỏ này mà ở. Rồi ổng đi bán vé số, lượm ve chai, tôi ở nhà ai kêu gì thì làm, không thì chăm lo nhà cửa cơm nước chờ ổng về ăn”.
Dù nghèo nhưng căn nhà nhỏ của ông bà luôn ấm cúng. Hằng ngày, ông Quý đi khỏi nhà từ sớm để bán vé số và nhặt ve chai. Ông Quý bán vé số mỗi ngày 100 tờ, tuổi đã cao nên ông chỉ đi lòng vòng quanh nơi ở để bán chứ không dám đi xa, ve chai dồn lại để nửa tháng bán lại một lần.

Không cưới hỏi rình rang, hai ông bà "góp gạo thổi cơm chung" rồi sống hạnh phúc đến giờ

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Bà Yến ở nhà nội trợ, lo cơm nước cho chồng và các con là... đàn chó mèo mà ông bà nuôi nấng từ nhỏ. Nhờ đàn chó mèo bầu bạn mà cuộc sống tuổi già của ông bà có thêm những phút giây thư giãn.
Chung sống đã lâu nhưng không có con cái nên ông bà coi đàn chó, mèo như con. Hằng ngày, niềm vui nhỏ của ông Quý là đi làm về thấy đàn chó ùa ra đón, con thì mừng rỡ liếm mặt, con quấn vào chân.
Bà Yến chỉ vào một chú chó đen đang nằm ngủ tâm sự: “Con thì cũng có đứa ngoan đứa nghịch, như con nít vậy á. Đây là con chó mẹ, đẻ ra mấy con này. Nó là hiền nhất, ít sủa hơn mấy đứa con. Con to nhất kia tôi gọi là Phỉ Lũ, vì nó lớn nhất, to nhưng mà ngoan, nghe lời tôi nhất. Còn mấy đứa còn lại nghịch phá lắm”.

Bà Yến nấu cơm cho chó mèo ở trong nhà

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Về việc ông bà lớn tuổi không có con cháu nhưng rất quý đàn chó mèo, nhiều năm qua người dân tại khu phố Tân An (P.Tân Đông Hiệp, Bình Dương) đều biết. Thương cho hoàn cảnh của ông bà, sợ ông bà lại nhịn ăn nhường cho chó mèo, người này cho ít đồ ăn, người kia cho ve chai, mua giúp ông vài tờ vé số... để ông Quý trang trải cuộc sống.
Bà Tuyết, hàng xóm của ông bà Quý, chia sẻ: “Ông bà Quý sống hòa đồng với mọi người lắm, cuộc sống cũng khó khăn mà nuôi đàn chó, mèo, cưng như cưng con. Buổi tối ngủ, mấy con chó nằm một bên không à. Hàng xóm láng giềng xung quanh cũng qua giúp đỡ ông bà nhiều”.

“Tôi đói chứ không để "con" tôi đói được”

Ông Quý tự hào khoe đàn chó của ông không con nào cắn người vì ông dạy dỗ rất nghiêm khắc. Quả thật, dù sủa rất dữ nhưng không chú chó nào hung hăng cắn người. Vì sợ bị trộm mất, ông bà luôn đóng cửa nhốt đàn chó trong nhà, lúc ông Quý ở nhà mới mở cửa cho chó ra sân chơi.
Ông Quý kể lại, một con chó giống cái ông xin về đẻ ra thành một đàn chó, vì không đành lòng bán hay cho đi, ông bà để lại nuôi nấng tất cả. Đàn chó của ông bà ăn rất khỏe, chỉ một thời gian ngắn đã béo tròn. Mỗi bữa, ông bà phải nấu 4 - 5 lon gạo để nuôi chó, cho mèo ăn. Trong lúc đi bán vé số, ông Quý đi khắp các quán ăn để xin xương, đồ ăn thừa về để nấu đồ ăn cho tụi nó.
Đàn chó của ông Quý con nào cũng to, tròn, bộ lông mượt và rất lanh lợi. “Tụi nó biết nghe lời lắm, tôi bảo chúng không được cắn người là nó không dám cắn đâu, vừa ngoan lại vừa khôn. Tụi nó ăn khỏe lắm, mỗi ngày ăn 2 bữa sáng chiều. Tôi với bà ăn có bữa đói bữa no, chứ tôi không để "con" tôi đói được”, ông chia sẻ.

Đàn chó đều rất mến ông Quý

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Cứ khoảng 3 đến 5 ngày, bà Yến sẽ tắm rửa sạch sẽ, bắt bọ chét cho từng con. Mỗi tối bà Yến nằm ngủ trên sập ở góc nhà, ông Quý nằm trên võng, đàn chó nằm quây quần bên cạnh, có khi còn nằm ngủ chung luôn với bà.
Trong đàn chó, đặc biệt nhất là chú chó tên là Mina được ông bà nuôi đã 6 năm, là chú chó lớn tuổi nhất. Chú chó này không sủa người và thường nằm ở một góc nhà. “Mina ra đây với ba con...”, bế chú chó trên tay ông Quý kể lại, Mina không may mắn bị xe đâm nên bị dị tật một chân. Sợ nó bị đem bán, ông bà mua Mina về với giá 100.000 đồng, bằng tiền đi bán vé số một ngày của ông Quý.
Anh Lê Minh Tâm (30 tuổi, ở phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết: “Tôi biết ông bà cũng 20 năm rồi. Ông Quý đi bán vé số một ngày cũng chỉ hơn 100.000 đồng thôi, cuộc sống cũng lay lắt qua ngày. Mùa dịch Covid-19 này ông đi bán vé số không được nhiều tiền, ngày may mắn thì còn bán hết ngày nào ế chỉ bán được 70 tờ. mà ông để dành nuôi chó mèo hết, ông từng nói thà đói chứ không để chó mèo đói mà”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.