Vé số 'năm Covid': Người đàn ông nổi hạch, chân lê từng bước vẫn 'chưa chán' Sài Gòn

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
23/11/2020 14:10 GMT+7

Cơ thể không lành lặn, dịch Covid-19 khiến người bán vé số như ông Năm Hương vốn đã khó khăn lại càng khổ vì bán chậm, có ngày phải đi xuyên đêm để bán. Ấy vậy mà ông vẫn lạc quan và vẫn không chán... Sài Gòn.

Tôi đến gặp ông Năm Hương (60 tuổi) trước lúc ông ra ngoài để bán vé số. Đi qua hai cầu thang gỗ nhỏ hẹp, ông Năm Hương đón tôi bằng nụ cười tươi rói. Ông vừa về nhà sau một ngày lang thang ngoài đường để bán vé số, tranh thủ nằm nghỉ để tiếp tục bán buổi tối.
Tên thật của ông Năm Hương là Phan Thanh Hương nhưng mọi người gọi ông là Năm Hương khiến ông cũng quen dần với tên này.

Ông Năm Hương có một số mụn thịt lớn ở mặt và cổ

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Vé số mùa dịch bán chậm lắm”

Căn phòng ông Hương ở khá hẹp, nền được đóng tạm bằng những tấm ván gỗ. Căn phòng có độc nhất một ô cửa sổ để nhìn ra bên ngoài. Trời bắt đầu chuyển mưa, ông Năm Hương nhìn ra cửa sổ thở dài: “Mong là đừng mưa để còn đi bán vé số”.
Ông Năm Hương sợ trời mưa khiến đường trơn trượt nên ông không thể đi bán vé số được. Ông kể lại cách đây mấy chục năm, lúc ông khoảng 12 -13 tuổi, máy bay Mỹ ném bom ông chạy trốn không kịp thế là mất bàn tay trái, chân phải cũng bị tật nguyền, co quắp không thể đi lại như người bình thường.

Ông mất một tay vì bom đạn chiến tranh

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Một người tàn tật thì có thể làm gì được ngoài bán vé số. Mà bán vé số thì chỉ có thể bán được ở Sài Gòn này. Đất chật người đông nhưng còn có người mua chứ ở quê người ta còn không có ăn mơ gì đến việc người ta mua vé số”, ông nói.
Thế là ông Năm Hương khăn gói từ Phú Yên lên Sài Gòn để mưu sinh bằng nghề bán vé số. Nhẩm lui tính lại, ông Hương chắc nịch với tôi rằng mình đã ở Sài Gòn được gần 17 năm. Lúc mới vào ông Hương ở một mình, sau này ông chuyển vào ngôi nhà được những người bán vé số chung nhau thuê ở gần cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.1, TP.HCM) được hơn 9 năm nay.

Việc cài khuy áo với ông rất khó khăn và mất nhiều thời gian

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Trước dịch ông Năm Hương mỗi ngày kiếm được 150.000 đồng tiền bán vé số nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, vé số bán chậm hẳn đi. Vẫn bán được 150.000 đồng một ngày nhưng ông phải đi nhiều hơn mới có thể bán hết vé số, nhiều khi còn không có thời gian ăn uống hay nghỉ ngơi.
“Khoảng 17 giờ là đi, buồn ngủ lúc nào thì về ngủ lúc đấy, còn nếu không buồn ngủ thì 2 - 3 giờ sáng mới về ngủ. Buổi tối bán không hết thì buổi sáng đi bán từ lúc 5 giờ sáng đến khi nào hết thì mới về. Sớm thì 10 - 11 giờ, muộn thì 14 - 15 giờ mới về đến nhà. Mà đợt này dịch bán chậm lắm có hôm hơn 16 giờ tôi mới về được nhà, ăn uống tắm rửa nằm nghỉ xíu lại đi bán tiếp”, ông kể lại.

Chân ông Năm Hương cũng bị dị tật do bom đạn nên không thể đi lại như người bình thường

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Ông Năm Hương khá khó khăn trong việc mặc quần áo

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Mỗi ngày ông Năm Hương chỉ cho phép bản thân tiêu 50.000 đồng, để dành lại 100.000 đồng. “Sức đàn ông mà, tôi ăn phải 3 - 4 phần cơm người ta bán ngoài tiệm mới no. Nhưng mà có dám ăn đâu chỉ dám ăn một phần, có ngày chỉ ăn một ổ bánh mì không cho qua bữa”, ông nói.
Một phần tiền ông trích ra để góp vào tiền thuê nhà, tiền điện nước với những người bán vé số khác. Số tiền còn lại, ông Hương gom góp để mỗi lần về quê đưa cho vợ lo tiền chăm nương rẫy ở quê. Ở Sài Gòn nhưng ông luôn thấp thỏm, nghe tin quê nhà có bão là ông lại chùng lòng vì bão xuống là nông dân như ông xem như mất trắng.

Hành trang của ông luôn có nón tai bèo, túi đeo trước ngực

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Lúc nào mệt mỏi quá ông lại bắt xe ôm ra bến xe miền Đông rồi đi xe khách về Phú Yên thăm vợ, con cháu ít ngày rồi quay lại Sài Gòn mà không dự tính gì trước. Ông tâm sự người không lành lặn như ông có người chịu cưới là vui lắm rồi, con cái lớn đã lập gia đình nhưng cũng không khá giả gì nên ông tự đi bán vé số để nuôi thân.

'Ở quê mấy ngày rồi cũng muốn quay lại Sài Gòn'

Ngoài bị mất một tay và một chân khó đi lại, ông Năm Hương còn bị nhiều cục mụn thịt lớn ở mặt và cổ. Cục mụn sờ vào mềm nhũn, trời nắng gắt là lại nhức nhối nhưng không có tiền để đi bệnh viện mổ nên ông mặc kệ.
Ông đùa nếu có tiền một chút thì đã mổ cục thịt này đi chứ ai lại muốn mình xấu nhưng nghèo nên phải chịu xấu. Vừa nói ông vừa châm điếu thuốc. Cà phê, rượu chè, nước trà ông đều có thể nhịn được nhưng ông lại không bỏ được thuốc lá.
Trời ngớt mưa, ông Năm Hương lại chuẩn bị ra ngoài. Để mặc một bộ quần áo, ông mất khoảng 20 phút. Công đoạn khó nhất là cài khuy áo sơ mi. Việc mà người bình thường có thể làm thoăn thoắt, ông thường phải nhờ những người ở cùng làm giúp. Quần áo cũng được ông giặt bằng cách cho vào chậu rồi dùng chân đạp, những việc còn lại ông đều có thể làm chỉ với một tay.

Ông Năm Hương cẩn thận chậm rãi từng bước xuống cầu thang để không bị té

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Ông Năm Hương đội nón tai bèo, đeo túi nhỏ đựng vé số trước ngực. Dù chân khập khiểng nhưng ông đi nhanh không kém người bình thường. Ông trụ bằng chân trái rồi kéo chân phải theo. Ông chỉ vào đôi dép cao su mà ông tự hào “1 năm 2 chiếc” của mình khoe vừa bền, vừa rẻ lại có thể bám được vào chân ông mà không bị tuột ra.
Đi với ông một đoạn đường, gặp khách nào ông cũng cười, khách nào không mua thì ông mời người khác. Cứ như vậy, ông Năm Hương vẫn đi bộ từ quận này qua quận khác chỉ trở về nhà lúc tờ mờ sáng với mong muốn bán thêm được một hai tờ vé số.

Ông bước đi rất nhanh không kém người bình thường dù chân khập khiểng

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Trời tối dần, tiếng ông Năm Hương vang vọng trên đường: “Cô ơi mua giúp tôi tấm vé số”. Vị khách nữ giữ tập vé số rồi rút một tờ, xắn tay áo giúp ông còn cẩn thận dặn ông để tiền vào túi, vé số cũng để vào túi chứ tay ông vậy kẹp ở tay xong lỡ rơi mất.

Gặp khách trên đường ông Hương luôn mỉm cười nên mọi người thường quan tâm hỏi han khi thấy hoàn cảnh của ông

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Bao nhiêu năm bám trụ ở Sài Gòn, ông bộc bạch Sài Gòn dù hoa lệ đất chật người đông nhưng là nơi duy nhất ông có thể kiếm được đồng tiền chính đáng lo cho gia đình. Sài Gòn đôi khi còn khiến ông thoải mái hơn so với quê nhà.
“Ở quê được mấy ngày rồi cũng muốn quay lại Sài Gòn. Ở quê buồn lắm người ta đi làm hết mình lủi thủi ở nhà một mình không có ai nói chuyện. Mình đi lâu lắm rồi nên giờ cũng không biết đi đâu. Ở Sài Gòn đi vòng vòng bán vé số còn có người này người kia nói chuyện đỡ buồn ra”, ông tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.