Mở đầu bài viết, Pitchfork đề cập đến màn bắt tay của Pháo và rapper tỉ view người Mỹ gốc Việt Tyga là Hai phút hơn - ca khúc ra mắt vào ngày 23.7. Trước khi Hai phút hơn bản remake của Pháo và Tyga trình làng, nhiều TikToker ở Trung Quốc, Hàn Quốc hưởng ứng trào lưu nhảy trên nền nhạc Hai phút hơn của Pháo. Đơn cử như Aespa - tân binh mới ra mắt vào cuối năm 2020 của Công ty quản lý SM Entertainment - cover điệu nhảy từ ca khúc Việt đình đám này.
Hai phút hơn là một trong nhiều ca khúc Việt gây chú ý đối với TikToker quốc tế thời gian gần đây. The Magic Bomb của Hoàng Read và Tài Musik (hay còn gọi là “vũ điệu chặt thịt”) đã phủ sóng rất mạnh mạng xã hội TikTok. Gây sốt từ đầu năm 2021, sức hút của “vũ điệu chặt thịt” vẫn tiếp tục. Mới đây, nữ vận động viên thể dục nghệ thuật Mỹ Olivia Dunne vừa thực hiện “vũ điệu chặt thịt” vừa trả lời một số câu hỏi được người hâm mộ đặt cho khi bỏ lỡ cơ hội được tham gia Olympic Tokyo 2020. Đoạn clip ngắn của Olivia Dunne thu hút hơn 12 triệu lượt xem.
Tương tự, hồi đầu tháng 7, một tài khoản TikTok người Kazakhstan với 25,4 triệu lượt theo dõi đăng tải đoạn clip nhún nhảy trên nền bản remake OK của rapper Lona Kiều Loan từng gây “sốt” trên mạng xã hội. Ca khúc OK là bản hit của rapper Binz; Lona Kiều Loan đã làm mới ca khúc đình đám này với điệu sôi động hơn, đậm chất R&B khi tham gia chương trình âm nhạc The Heroes 2021.
Nếu không kể đến ca khúc “gây nghiện” Dưới quê vui hơn do Lương Khánh Vy thể hiện thì quả là thiếu sót lớn. Ca khúc Dưới quê vui hơn có giai điệu vui tươi kể về một cô gái lần đầu lên thành phố lớn. Tuy nhiên, do chưa thích nghi với môi trường sống mới nên cô còn bỡ ngỡ với nhiều điều và cảm thấy ở dưới quê vui hơn chốn thành thị. Bài hát có giai điệu vui nhộn, mang hơi hướm đương đại, trở nên phổ biến đối với người Mỹ thế hệ Z. Ca khúc được cho là sự giao thoa giữa những gì mà người Mỹ gốc Việt được nuôi lớn với chút phong vị hoài cổ.
|
Pitchfork nhận định hiện tượng ca khúc Việt “gây sốt” trên TikTok phần nào cho thấy văn hóa châu Á không còn bó hẹp với các sản phẩm nghệ thuật đến từ Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, chẳng hạn nhóm nhạc nam Hàn Quốc BTS, phim Hàn hay anime. Sự quan tâm đến văn hóa và thẩm mỹ bắt đầu mở rộng phạm vi sang các quốc gia khác bên ngoài vùng Đông Á.
Bình luận (0)