Đây là thắc mắc của anh Thế Hùng (ở TP.HCM), bạn đọc Báo Thanh Niên, về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp trong vòng 3 tháng kể từ khi nghỉ việc
Trả lời câu hỏi này, Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM cho biết theo quy định hiện nay, để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cần đáp ứng đủ các điều kiện:
- Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp đơn phương chấm dứt trái pháp luật hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
- Tham gia bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi nghỉ việc đối với hợp đồng xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn; hoặc trong vòng 36 tháng đối với hợp đồng mùa vụ hoặc công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
- Đã nộp đầy đủ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nghỉ việc.
- Chưa tìm được việc làm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Do đó, nếu còn trong thời hạn 3 tháng, người lao động có thể làm đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp và trong thời gian hưởng thì người lao động vẫn được tham gia BHXH tự nguyện.
Nếu quá thời hạn 3 tháng thì số tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được bảo lưu, tính cộng dồn nếu sau này người lao động quay lại tham gia BHXH bắt buộc.
Nếu người lao động không tham gia BHXH bắt buộc nữa và đủ tuổi hưu trí thì thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp không sử dụng sẽ không được chuyển đổi hoặc rút tiền.
Theo ghi nhận của PV, hiện nay, nước ta đang trong quá trình sửa đổi luật Việc làm (dự kiến được Quốc hội thông qua vào tháng 5.2025). Liên quan chính sách bảo hiểm thất nghiệp được luật này quy định, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị cho người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng đến khi nghỉ hưu vẫn chưa từng nhận trợ cấp thất nghiệp thì sẽ được hoàn trả 50% số tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB-XH cho bảo hiểm thất nghiệp mang tính ngắn hạn, chia sẻ rủi ro cao giữa người có việc làm và người mất việc làm. Do đó, nếu có chính sách hoàn trả thì không phù hợp nguyên tắc hoạt động của quỹ.
Sự khác nhau giữa BHXH bắt buộc và tự nguyện
Hiện nay, nước ta có hai loại hình BHXH là bắt buộc và tự nguyện. Trong đó, BHXH bắt buộc áp dụng cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (từ 1 tháng trở lên), cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng theo quy định pháp luật; BHXH tự nguyện dành cho mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
Năm 2024, tổng tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc là 32% trên tiền lương tháng, trong đó người lao động đóng 10,5% (gồm 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất; 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp và 1,5% vào quỹ bảo hiểm y tế), còn người sử dụng lao động đóng 21,5% (gồm 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất; 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp, 3% vào quỹ bảo hiểm y tế, 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và 3% vào quỹ ốm đau và thai sản).
Trong khi đó, BHXH tự nguyện do người tham gia tự đóng hoàn toàn với mức đóng hằng tháng = 22% x Mức thu nhập tháng lựa chọn. Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần mức đóng BHXH tự nguyện (10%, 25%, hoặc 30% tùy thuộc vào từng nhóm đối tượng).
Hiện nay, chế độ hưởng của BHXH bắt buộc gồm hưu trí, thất nghiệp, tử tuất, ốm đau, thai sản, và tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Còn BHXH tự nguyện chỉ có hai chế độ là hưu trí và tử tuất.
Theo luật BHXH năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1.7.2025, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được bổ sung chế độ thai sản.
Bình luận (0)