Chuyện tử tế: Làm từ thiện để trả ơn đời

12/04/2023 08:35 GMT+7

Từng được giúp đỡ để vượt qua khó khăn, đến khi có điều kiện, anh Trịnh Lập Đức (31 tuổi, ngụ TP.Sóc Trăng, Sóc Trăng) miệt mài giúp đỡ người khác suốt 10 năm nay.

Anh Đức kể anh sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Trà Vinh. Trong những năm học tại Trường ĐH Cần Thơ, nhiều lúc không tiền, anh vào chùa làm công quả rồi ở lại ăn cơm hoặc ăn tại quán cơm từ thiện. Từ đó, anh có ước nguyện khi cuộc sống ổn định sẽ làm từ thiện để trả ơn đời.

Chuyện tử tế: Làm từ thiện để trả ơn đời - Ảnh 1.

Quán cơm chay của anh Trịnh Lập Đức rất đông người đến ăn

DUY TÂN

Năm 2014 anh Đức ra trường, tìm được việc làm với mức thu nhập ổn định. Cũng từ đó, anh bắt đầu hành trình thiện nguyện. Anh đứng ra làm cầu nối, kêu gọi giúp đỡ những cảnh đời nghèo khó, người nghèo bệnh nan y, người già neo đơn, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, lo hậu sự cho người khó khăn và phát quà từ thiện vào các dịp lễ, tết. "Khi ra trường, tôi đến Sóc Trăng làm việc và bắt đầu các hoạt động thiện nguyện cho đến nay. Mỗi tháng được nghỉ 4 ngày, tôi tập trung cho những chuyến đi thiện nguyện lớn. Còn mỗi buổi chiều sau khi tan giờ làm thì đi hỗ trợ những trường hợp khó khăn", anh Đức cho biết.

Việc làm của anh Đức ngày càng lan tỏa, đến năm 2019 đã có nhiều người tình nguyện tham gia. Anh lập nhóm "Người gieo duyên" gồm 30 thành viên và mở rộng hoạt động với nhiều chương trình thiết thực, đến nay đã giúp đỡ hàng ngàn cảnh đời bệnh tật, nghèo khó. Vừa qua, anh vận động được 5 triệu đồng giúp bà Phạm Thị Thông (67 tuổi, ngụ Sóc Trăng) bị bệnh mắt nặng. Nhờ số tiền này, bà Thông được điều trị kịp thời, thoát nguy cơ bị mù như dự báo của bác sĩ.

Chuyện tử tế: Làm từ thiện để trả ơn đời - Ảnh 2.

Anh Đức thường xuyên giúp đỡ những người già neo đơn, hoàn cảnh khó khăn

DUY TÂN

QUÁN CƠM 2.000 ĐỒNG ẤM TÌNH NGƯỜI

Năm 2022, anh Đức mở quán cơm chay Tình Người Sóc Trăng tại đường Ngô Gia Tự, P.6, TP.Sóc Trăng. Quán hoạt động vào thứ tư và chủ nhật hằng tuần, mỗi ngày gần 1.000 phần cơm và bún chay phục vụ bà con khó khăn.

Anh Đức cho biết ban đầu anh dự định tặng cơm miễn phí, nhưng sợ nhiều người ngại không đến ăn nên quyết định lấy giá tượng trưng 2.000 đồng/phần. Bà con nào không có tiền cũng thoải mái vào ăn và luôn được đón tiếp, phục vụ chu đáo. Mỗi phần ăn còn kèm theo ly trà đá đường.

Theo anh Đức, chi phí cho 1.000 suất cơm và bún chay khoảng 3 triệu đồng, chưa kể tiền thuê mặt bằng hằng tháng. Có nhiều thời điểm gặp khó khăn, cứ ngỡ quán phải dừng hoạt động, nhưng anh vẫn cố hết sức duy trì để lan tỏa yêu thương. "Quán cũng may mắn được nhiều người đóng góp tiền của, công sức. Có người giúp tiền, người cho gạo, rau củ, bịch muối, bịch đường… Chúng tôi rất cảm kích. Hiện tại quán chỉ có khả năng nấu được 1.000 phần ăn, trong khi có rất nhiều người đến ăn. Sắp tới, nếu có điều kiện, có chi phí, quán sẽ mở bán thêm các ngày khác trong tuần", anh Đức chia sẻ.

Bà Trương Thị Bé Sáu (65 tuổi, ngụ Sóc Trăng) cho biết bà đi bán vé số mưu sinh nên bữa đói, bữa no. Thời gian qua, nhờ quán cơm 2.000 đồng của anh Đức, 5 người trong nhà bà chỉ tốn 10.000 đồng đã có một bữa ngon, no.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.