Gần đây, chúng tôi có dịp theo ông Đỗ Văn Hoàng trên chuyến xe chở một người bệnh nặng từ xã Long Thạnh (H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị. Chuyển bệnh xong, ông kể về hành trình giúp người, giúp đời. "Cuộc sống của tôi còn nhiều khó khăn, nhưng mong muốn bệnh nhân nghèo được đến bệnh viện điều trị kịp thời nên tôi tình nguyện chuyển viện miễn phí. Đến nay, tôi làm công việc này đã hơn 20 năm. Như trường hợp bệnh nhân ở xã Long Thạnh, cơ thể ốm yếu, xanh xao, không thể di chuyển, gia đình quá khó khăn. Địa phương liên hệ, nhờ tôi đưa đến bệnh viện giùm", ông Hoàng nói.
Kể về lần mua chiếc xe cứu thương đầu tiên vào năm 2002, ông Hoàng nói không sao quên được tình cảm của bà con hàng xóm. Người góp vài chục ngàn đồng, người cả triệu đồng để mua chiếc xe cũ với giá 40 triệu đồng rồi sửa lại thành xe cứu thương. "Thời điểm đó, địa phương rất ít xe chuyển viện miễn phí. Một số người bệnh nặng, không qua khỏi do không được đến bệnh viện kịp thời. Chứng kiến những hoàn cảnh đó khiến tôi trăn trở và quyết định thực hiện chuyến xe chuyển bệnh 0 đồng. Thật vui, khi tôi đứng ra vận động, bà con lối xóm rất nhiệt tình ủng hộ", ông Hoàng kể.
Khi xe mới đi vào hoạt động, để nhiều người biết và liên hệ khi cần, ông Hoàng lặn lội đến các ấp, các xã cách xa đô thị giới thiệu mô hình và đưa số điện thoại đường dây nóng (0948.559.549). Đến năm 2021, xe xuống cấp, ông Hoàng được một người thân cho mượn xe cũ và cải tạo lại với băng ca, trang bị dụng cụ sơ cứu…
Kinh phí hoạt động do ông Hoàng bỏ tiền túi cùng sự hỗ trợ từ người thân quen và nhà hảo tâm. Ông tuyệt đối không nhận một đồng nào từ người bệnh. "Vợ tôi qua đời đã lâu. Tôi có 3 người con, nhưng 1 đứa qua đời, 2 đứa còn lại đã có gia đình riêng. Biết tôi làm công việc này, các con ủng hộ hết mình và hỗ trợ tiền xăng xe cho tôi", ông Hoàng phấn khởi nói.
Hơn 20 năm chuyển bệnh miễn phí, ông Hoàng chứng kiến nhiều câu chuyện nghĩa tình. Có người khó khăn lắm, nhưng bước xuống xe vẫn đưa tiền phụ xăng xe, dù trên xe đã ghi rất rõ không nhận tiền của người bệnh dưới bất kỳ hình thức nào. Hiển nhiên là ông không nhận. Rồi có những chuyến xe, dù ông đã cố gắng có mặt kịp thời đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng do bệnh tình quá nặng không thể qua khỏi, ông đành đưa về. "Mới đây, có một người ở Hậu Giang, trong lúc leo hái dừa bị té ở độ cao hơn 10 m xuống đất, dù được tôi đưa đến bệnh viện, nhưng vết thương quá nặng nên tử vong. Gia đình cũng nhờ chở về quê lo hậu sự. Ngồi trên xe, chứng kiến nhiều cảnh đời khó khăn, túng quẫn lại phải đối diện bệnh tật, qua đời, khiến tôi xót xa", ông Hoàng nhớ lại.
Thầy Nguyễn Hoàng Nam, giáo viên Trường THCS Long Thạnh (Hậu Giang), là người đồng hành trong các hoạt động thiện nguyện với ông Hoàng, cho biết: "Việc làm của ông Hoàng vô cùng thiết thực, giúp đỡ kịp thời cho nhiều người bệnh nghèo, đặc biệt là những người nghèo ở vùng nông thôn. Nhìn những bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, qua khỏi cơn nguy kịch, tôi cảm thấy trân quý công việc của ông Hoàng và hy vọng được duy trì lâu nhất có thể để giúp đỡ được nhiều người".
Bình luận (0)