TRÍCH TIỀN CHẠY XE ÔM LÀM TỪ THIỆN
Mỗi ngày, khoảng 11 giờ, ông Sơn lại mang lỉnh kỉnh dụng cụ nấu cháo đến một góc đường gần Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ. Sắp xếp đồ đạc đâu vào đó, ông liền đo nước, đong gạo, nhóm than thổi lửa…
Nhìn ông liên tục quạt lửa, khuấy cháo cho đều trong nhiều giờ đủ thấy công việc không dễ dàng. Vết chai sần trong lòng bàn tay phải của ông do cầm quạt, cầm muỗng đã nói lên điều đó.
Ông Sơn duy trì công việc nấu cháo được 13 năm nay. Gian bếp bố trí tạm bợ dưới tán cây, chỉ có thêm chiếc dù che mưa nắng. Không có bảng hiệu, nhưng hễ nói bếp cháo của ông "Sơn xe ôm" thì mọi người đều có thể nhận diện được. Sở dĩ có tên gọi này vì ông Sơn từng trích tiền sửa xe, chạy xe ôm để làm việc tử tế.
Ông Sơn kể, năm 2010, vợ bán hủ tiếu, ông sửa xe lề đường và chạy xe cạnh Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ. Một người cháu thấy ông có tâm nên ngỏ ý tài trợ gạo để ông nấu cháo. Vốn muốn giúp đỡ mọi người nên ông đồng ý ngay. Từ ngày đầu khai bếp, những suất cháo và nước sôi của ông Sơn nhận được sự quan tâm của mọi người. Thời gian đầu, mỗi ngày ông nấu 2 kg gạo, nay đã tăng lên 7 kg, tương đương 120 suất cháo. "Ngoài việc tặng những người đi nuôi bệnh, tôi còn có phần dành cho người bán vé số, lượm ve chai, chạy xe ôm. Cháo nấu lâu chứ cho khoảng 30 phút là hết rồi. Riêng ngày mưa thì chậm hơn, nhưng tôi đều ráng đợi mọi người đến nhận", ông Sơn bộc bạch.
NGÀY NÀO CŨNG NẤU, BẤT KỂ NẮNG MƯA
Ông Sơn nấu cháo trắng hương lá dứa, chuẩn bị thêm túi muối, túi đường, túi dưa muối nhỏ để ăn kèm. Thoạt nhìn, phần cháo khá đơn giản nhưng chứa bên trong là cả tình nghĩa của người đàn ông đất Tây Đô. Có lẽ cảm nhận được nên nhiều người từng xin cháo đã tự nguyện phụ ông các phần việc nhỏ, người thì múc cháo, người bỏ cháo vào bọc, người mang ra tặng.
"Thấy chú Sơn lớn tuổi mà vẫn tận tình, hết lòng vì người khác nên tôi trân trọng, tranh thủ ra đây phụ giúp. Tôi có bữa làm bữa nghỉ, nhưng chú Sơn thì bất chấp nắng mưa, ngày nào cũng nấu cháo", bà Nguyễn Thị Hồng Hoa (45 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều) chia sẻ.
Nhiều người nuôi bệnh và lao động nghèo thay nhau đến nhận, thoáng chốc cháo trong nồi cạn một nửa. Từng nhận cháo chỗ ông Sơn trong những ngày đi nuôi bệnh, bà Võ Thị Kim Hương (58 tuổi, ngụ H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) chia sẻ: "Những phần cháo này có ý nghĩa lắm. Tôi lên thành phố nuôi con, không quen ai nên khi được nhận cháo cảm thấy thật ấm lòng, gần gũi. Quý lắm".
Từ dịch Covid-19 đến nay, do lớn tuổi, ông Sơn ngừng chạy xe ôm và sửa xe. Hiện một người em ở nước ngoài gửi cho ông 5 triệu đồng/tháng để trang trải cuộc sống và duy trì việc nấu cháo. Ngoài ra, nhiều nhà hảo tâm cũng thường xuyên tặng gạo, gửi chút tiền cho ông mua than để tiếp tục lan tỏa việc có ích cho đời. "Có lúc tôi cũng thử cảm giác an dưỡng tuổi già theo lời khuyên của mọi người nhưng không được. Ở nhà mãi thấy bứt rứt, khó chịu, đi nấu cháo có cực nhưng mà thoải mái, vui hơn. Vừa giúp mọi người vừa cảm thấy hạnh phúc thì không có lý gì phải nghỉ cả", ông Sơn tâm sự.
Bình luận (0)