Hơn nửa đời người, ông Lê Bằng Yên (66 tuổi, ở Q.10, TP.HCM) đã sống miệt mài với triết lý “cho đi là còn mãi”. Khi không thể hiến máu ở độ tuổi đã cao, ông và đồng đội đã quyết định sáng lập CLB Hiến máu, tặng tạng, cho mô - HTC3 để tiếp tục thắp sáng niềm tin và hy vọng đến hàng ngàn bệnh nhân.
Viết tiếp sự sống từ lòng nhân ái
Chúng tôi gặp ông Yên trong buổi lễ tuyên dương “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” của Hội Chữ thập đỏ TP.HCM tổ chức vào cuối tháng 11.2024.
Ông Yên là 1 trong 78 gương cá nhân, tập thể điển hình được Hội Chữ thập đỏ TP.HCM trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc thiện”. Lân la trò chuyện một hồi, chúng tôi biết ông là chủ nhiệm CLB Hiến máu, tặng tạng, cho mô - HTC3.
CLB HTC3 ra đời vào tháng 3.2020 gồm 54 thành viên từ 18 tuổi đến hơn 60 tuổi. Các thành viên không chỉ hiến máu từ 10 đến 146 lần mà còn nguyện hiến mô, hiến tạng, hiến xác cho y học nước nhà khi qua đời. Đặc biệt, nhóm còn hỗ trợ xe lăn miễn phí cho hàng trăm người khuyết tật.
Ông Yên từng nhập ngũ và tham gia quân đội từ năm 1978. Đến năm 1982, ông xuất ngũ với tỷ lệ thương tật 55%. Dù là vậy nhưng sau khi phục hồi sức khỏe chưa bao lâu, ông đã bắt đầu hiến máu mà không hề suy nghĩ, đắn đo điều gì.
Kể về ngày thành lập CLB HTC3, ông Yên không khỏi che giấu cảm xúc của mình. Ông cười tươi nói rằng đó là mong ước một đời của ông. Sau khi dừng lại việc hiến máu khi bước qua tuổi 60, ông cảm thấy vô cùng trống vắng, buồn bã vì nghĩ bản thân không còn làm được gì cho bệnh nhân.
Và cứ thế, một suy nghĩ lớn đã xuất hiện trong lòng, ông và những đồng đội đã quyết định thành lập CLB HTC3 để tiếp tục viết tiếp sự sống bằng lòng nhân ái của mình.
Ông Yên cùng anh em CLB HTC3 trao tặng xe lăn cho người khuyết tật
ẢNH: NVCC
“Khi mới thành lập, có nhiều người nói tôi là ‘tâm thần vẽ chuyện’, suốt ngày chỉ biết lo thiên hạ. Tôi không để bụng những lời họ nói, vì hơn ai hết, tôi hiểu ý nghĩa của công việc mình đang làm”, ông Yên bày tỏ.
Dù đã hơn 60 tuổi nhưng hằng ngày ông Yên vẫn luôn miệt mài với công việc. Cứ hễ có bệnh nhân nào cần máu, ông sẽ nhanh chóng báo cho anh em trong nhóm để đến hỗ trợ kịp thời.
Đến thời điểm hiện nay, ông và các thành viên trong CLB đã trao 685 chiếc xe lăn cho người khuyết tật. Ông nói, “Người khuyết tật chờ xe lăn như mẹ chờ con. Vì vậy khi có người cần, dù ngày hay đêm, dù ở khu vực nào, thậm chí là vùng sâu vùng xa thì chúng tôi cũng đến tận nơi để trao cho người bệnh”.
Hoạt động trao tặng xe lăn ban đầu xuất phát từ số tiền của các thành viên trong CLB. Ông Yên cho biết, các thành viên trong nhóm tự nguyện đóng góp tiền và lập nên quỹ mua xe lăn. Khi trao tặng được 6 chiếc xe lăn đầu tiên thì nhóm bắt đầu nhận được sự quan tâm từ các nhà hảo tâm hơn. Tuy nhiên, bất kể khi nào nghe tin người bệnh cần xe, anh em trong đội sẽ tự góp tiền trước tiên để kịp thời trao tặng.
Người chồng, người cha, người ông mẫu mực
Kể cho chúng tôi nghe về lần đầu tiên hiến máu vào năm 1987, ông Yên vẫn còn nhớ mãi cái cảm giác lâng lâng, vui sướng khó tả khi biết máu mình đã cứu sống một bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Kể từ đó, ông đã quyết tâm duy trì thói quen này suốt những năm tháng tuổi trẻ. Đến nay, bước qua tuổi 60, ông đã hiến máu được hơn 50 lần.
“Hơn hết, tôi hiến máu vì muốn chứng minh với mọi người rằng, đây không chỉ là hành động giúp người, giúp đời mà còn tốt cho sức khỏe. Gần 70 tuổi với hơn 50 lần hiến, tôi thấy mình ngày càng vui khỏe hơn”, ông cười hiền hậu.
Ở tuổi 66, ông Yên luôn duy trì lối sống vui vẻ, lạc quan và gắn bó với gia đình. Ông yêu vợ, thương con và luôn cố gắng sắp xếp thời gian để đưa các cháu đến trường. Với nụ cười đầy tự hào, ông chia sẻ rằng gia đình chính là hậu phương vững chắc, tiếp thêm cho ông nguồn động lực lớn lao.
“Thật may mắn vì tôi có gia đình luôn ở phía sau, đó là vợ tôi, 3 người con của chúng tôi và các cháu nội, ngoại. Gia đình không chỉ âm thầm ủng hộ tôi mà còn luôn quan tâm, chăm sóc cho sức khỏe của tôi. Đặc biệt, cô con gái út của tôi còn hỗ trợ chi phí để tôi mua xe lăn cho bệnh nhân bị bại liệt”, ông Yên nói.
Khi chúng tôi hỏi ông có mong ước gì cho bản thân mình không?, người đàn ông ấy khẽ cười, rồi trầm ngâm suy nghĩ một hồi. Ông nói: “Tôi không biết nên ước gì cho bản thân mình, có chăng là một sức khỏe tốt hơn. Có sức khỏe thì tôi mới có thể chăm lo cho người bệnh và vợ con tôi cũng yên tâm hơn”.
Truyền thống "lá lành đùm lá rách" của dân tộc
Theo ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, năm 2022, Hội Chữ thập đỏ TP.HCM triển khai phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” giai đoạn 2022 - 2027 đến toàn hệ thống Hội theo chỉ đạo của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Phong trào ra đời góp phần lan tỏa lòng nhân ái, không ngừng nhân lên những tấm gương này ở mỗi cơ quan, trường học, tổ chức, doanh nghiệp… Từ đó, góp phần hình thành lối ứng xử nhân văn trong xã hội.
Giai đoạn 2022 - 2024, toàn hệ thống Hội Chữ thập đỏ TP.HCM đã tổ chức tôn vinh, tuyên duyên 1.449 gương cá nhân, tập thể điển hình thực hiện phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”.
“Những tấm gương được khen thưởng có thể khác nhau về tuổi đời, nghề nghiệp… nhưng họ có điểm chung là hết lòng, hết sức vì điều tốt, việc thiện. Họ luôn cho đi mà không cần nhận lại, thể hiện truyền thống ‘lá lành đùm lá rách’ của dân tộc ta”, ông Trường Sơn nói.
Bình luận (0)