Chuyện về chàng trai liệt 2 chân đổi đời, có tiền dẫn ba mẹ đi chơi

Phan Diệp
Phan Diệp
16/09/2023 12:17 GMT+7

Thuở nhỏ, cậu bé khuyết tật Võ Văn Tùng hay nhìn lên trời ước được một lần đi máy bay. Tùng không ngờ thể thao có thể giúp mình thực hiện giấc mơ mà còn giúp đời anh rẽ sang hướng khác.

Đầu tháng 6, trước một ngày bay sang Campuchia dự ASEAN Para Games môn điền kinh (3 môn: ném lao, ném đĩa, đẩy tạ), Tùng nhận tin ban tổ chức hủy nội dung thi đấu của mình vì không đủ vận động viên đăng ký.

Thể thao giúp đổi đời chàng trai làm tranh sơn mài bị tật 2 chân - Ảnh 1.

Võ Văn Tùng nhận huy chương vàng nội dung ném đĩa.

NVCC

May mắn đến cùng những nỗ lực

Chàng trai 37 tuổi mạnh mẽ ngày nào giờ giam mình trong phòng, khóc suốt 2 ngày. Trong lúc chờ các huấn luyện viên họp bàn với ban tổ chức góp ý thay đổi một số nội dung để những người như anh có cơ hội, Tùng xin ban huấn luyện bắt xe sang Campuchia. Anh hy vọng rằng sẽ có "phép màu" phút chót.

"Nếu không được thi, xem như tôi sang cổ vũ cho các vận động viên nước nhà", Tùng mạnh dạn nói.

May mắn mỉm cười với chàng trai, anh được thi đấu và giành trọn 3 huy chương vàng. Đây cũng là thành tích tốt nhất của anh trong 4 kỳ ASEAN Para Games từng tham gia.

"Dù trước ngày thi tôi xuống tinh thần, mất ngủ và không ăn uống được gì nhưng tôi đã cố gắng hết sức", Tùng nói.

Võ Văn Tùng là con đầu trong gia đình có ba mẹ sống dựa vào rặng dừa trong vườn nhà ở H.Tiểu Cần, Trà Vinh. Chưa tròn 1 tuổi, cơn sốt bại liệt lấy đi đôi chân của Tùng. Dù vẫn cố gắng chống nạng, lê đôi chân trên con đường đất đến mức rướm máu nhưng anh vẫn ráng đến trường. Lên cấp 3, vì trường học quá xa trong khi gia đình không có điều kiện để sắm phương tiện cũng như đưa đón, anh phải nghỉ học.

Ở nhà phụ gia đình nấu cơm, mò cá, Tùng lầm lì ít nói, cũng ít bạn bè. Năm 2008, Tùng quyết định rời quê lên thành phố học nghề làm tranh sơn mài.

Trong một lần đi chơi cùng những người bạn đồng cảnh, có người giới thiệu anh tham gia thể thao người khuyết tật. Nhớ lại lúc ở quê thường tắm sông, bắt cá, Tùng nghĩ ngay đến môn bơi. Vậy là trong thời gian ngắn, tranh thủ những ngày nghỉ để tập luyện, Tùng giành tấm huy chương đồng đầu tiên khi dự giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2010.

Thể thao giúp đổi đời chàng trai làm tranh sơn mài bị tật 2 chân - Ảnh 2.

Thể thao đưa Tùng đến nhiều nơi dù phải ngồi xe lăn, chống nạng.

NVCC

Gánh nặng mưu sinh khiến anh dừng lại. Mãi đến 4 năm sau, có người nhận xét thể trạng của anh phù hợp với điền kinh dành cho người khuyết tật. Tùng quyết định thử sức lần nữa. Cơ hội đầu tiên của anh đến từ một chuyến bay sang Nga để dự thi tuyển chọn VĐV cho Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic Games).

"Tuy tôi không thể tiến xa hơn, nhưng trải nghiệm lần đầu được đi máy bay, được ra nước ngoài là một điều tuyệt vời", Tùng nói và quyết định theo đuổi sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp từ đó.

Trong 10 năm qua, Tùng từng tham gia 4 kỳ ASEAN Para Games, giành nhiều huy chương. Ngoài Nga, anh còn được đi Trung Quốc, Ý, Singapore, Malaysia… Những niềm vui trong tập luyện, thi đấu, Tùng đều chia sẻ đầu tiên với gia đình. 

Duy chỉ có những lúc khó khăn, bế tắc là giấu nhẹm, tự mình vượt qua. Trong khoảng thời gian đó anh vừa phải làm đủ nghề để nuôi sống bản thân. Có những ngày hết tiền phải mua mì gói ngoài tạp hóa, hay tiền mướn trọ phải thiếu nợ nhưng chưa một ngày thôi tập luyện.

Đổi đời nhờ thể thao

Nhớ ngày đầu về quê sau khi có huy chương từ thể thao, lòng chàng trai hân hoan đến lạ. Gia đình và lối xóm không còn xem anh là một người khuyết tật đầy thương hại như trước nữa. Bản thân anh cũng thay đổi, lạc quan và tích cực, yêu đời hơn.

Nhìn lại quãng thời gian đã qua, Tùng cảm thấy quyết định rời quê lên thành phố của mình là điều đúng đắn. Nhờ rời khỏi vòng tay gia đình, học cách tự lập, tiếp cận nhiều cơ hội, anh mới có cuộc sống ổn định và nhiều niềm vui như hôm nay. 

"Nếu còn ở nhà, chắc giờ tôi cũng chỉ có thể bắt con tôm con cá dưới sông kiếm cái ăn qua ngày, làm gì có tiền mà dẫn cha mẹ đi chơi đây đó", Tùng nói.

Thể thao giúp đổi đời chàng trai làm tranh sơn mài bị tật 2 chân - Ảnh 3.

Mẹ và em gái tiễn Tùng sang Singapore dự ASEAN Para Games năm 2015.

NVCC

Sau chiến thắng trọn vẹn với 3 huy chương vàng vừa rồi. Về lại thành phố, Tùng đón ba và bà ngoại ở quê lên cùng những người thân trong gia đình làm một chuyến dã ngoại ở Cần Giờ. Riêng mẹ, vì bận việc nhà không thể đi nên anh mua 1 món quà tặng mẹ.

Bà Thái Thị Cúc (58 tuổi) là mẹ của Tùng xúc động chia sẻ cũng nhờ thể thao mà cuộc đời đứa con trai của bà thay đổi. Bởi, người mẹ ngày ấy còn không dám cho con đi xa học nghề vì sợ con không tự lo được.

"Một đứa con khuyết tật có thể tự lập cho cho bản thân đã là điều đáng mừng. Giờ con trở thành tấm gương cho 2 em và niềm tự hào của cả gia đình là điều trước đây không dám mơ tới", bà Cúc nói.

Thể thao giúp đổi đời chàng trai làm tranh sơn mài bị tật 2 chân - Ảnh 4.

Tùng chụp hình lưu niệm trong chuyến đi Ý dự thi hồi tháng 5.

Nhân vật cung cấp

Ông Đặng Văn Phúc, huấn luyện viên môn điền kinh người khuyết tật đội tuyển quốc gia cho biết, sau nhiều năm cố gắng giành nhiều thành tích, đến năm nay Tùng đã chính thức được hưởng chế độ, vào ở hẳn trung tâm để tập luyện thi đấu.

"Thời gian trước đó, Tùng còn phải đi làm, ví như "ăn cơm nhà vác ngà voi". Từ giờ, Tùng có thể yên tâm tập luyện, hy vọng sẽ có thêm nhiều thành công trong các giải sắp tới", vị huấn luyện viên nhắn nhủ.

Chàng trai tâm sự, thi đấu mang về vinh quang cho Tổ quốc là điều tự hào nhất, song thành quả lớn nhất với một người khuyết tật như anh Tùng đơn giản chỉ là không để gia đình phải bận tâm về mình.

"Cám ơn thể thao đã thay đổi cuộc đời tôi", Tùng xúc động nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.