Chuyện về cô gái Việt, nạn nhân vụ thảm sát Las Vegas

05/10/2017 07:48 GMT+7

Nhật báo The Dispatch đăng tải câu chuyện của Kody Robertson, người đã ở bên cạnh nạn nhân Michelle Võ trong những giờ phút cuối cùng sau vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử Mỹ.

Anh chỉ mới quen cô vài giờ trước, cô gái một mình từ California đến dự buổi trình diễn nhạc đồng quê ở Las Vegas. Cả hai cùng hòa mình vào không khí lễ hội, cùng nhảy, cùng vui cười giữa đám đông 22.000 người trong lễ hội Route 91 Harvest tối 1.10 (giờ địa phương). Bất ngờ, Robertson, nhân viên bán hàng 32 tuổi ở Hilliard (bang Ohio), nghe những tiếng động lạ đầu tiên nhưng anh nghĩ rằng đó là pháo hoa.
Thế rồi, khi đám đông trở nên hoảng loạn, xô đẩy nhau thì cô bạn mới bỗng ngã xuống. Hai phát đạn! Đứng gần Robertson, cô Michelle Võ là một trong số 59 người bị Stephen Paddock bắn chết với tràng mưa đạn xả từ cửa sổ tầng 32 của khách sạn Mandalay Bay.
“Họ có thể dựa vào nhau”
Ngay sau khi nhận ra hướng đạn bắn tới, Robertson nhanh chóng nằm đè lên Võ để cố che chắn cho cô. Xung quanh, hàng chục ngàn người tháo chạy, la hét, nấp dưới những bục ngồi hay bất cứ chỗ nào khác. Tiếng súng ngừng một giây, rồi lại tiếp tục...
Robertson cùng những người khác khiêng Michelle Võ ra khỏi đám hỗn loạn, cố gắng hô hấp nhân tạo để cứu cô. Những thi thể rải rác khắp nơi, “Bạn không làm gì được. Những người vợ, người chồng la hét, kêu khóc và cố lay người kia tỉnh dậy”, anh kể.
Chuyện về cô gái Việt, nạn nhân vụ thảm sát Las Vegas1
Hình ảnh đầy sức sống của Michelle Võ trước thảm kịch Ảnh: Facebook
Trong khung cảnh đẫm máu và hỗn loạn, một chiếc xe bán tải dừng lại. Robertson và những người khác đặt cô Võ lên xe cùng những người khác và tài xế nhấn ga hướng về một bệnh viện. Đó là lần cuối cùng Robertson nhìn thấy Michelle Võ.
Trước khi biết cô bạn xấu số được đưa tới Bệnh viện Sunrise, anh đã nhận chiếc điện thoại của cô từ tay một người nhặt được rồi trở về khách sạn. Trên đường, anh mới có được vài phút đầu tiên để thở, để suy nghĩ. “Bạn chưa bao giờ biết được những ý nghĩ như thế. Đó là sự phẫn nộ, đau buồn, những tiếng kêu gào... những tình cảm trái ngược trào dâng. Bạn không bao giờ biết được đâu”, Robertson nghẹn ngào kể. Anh cố tìm một ý nghĩa cho những gì đã xảy ra, để nó chạy đi chạy lại trong đầu như một cảnh phim không bao giờ dừng lại. Anh nói vụ xả súng có thể diễn ra khoảng ba, bốn phút, nhưng dường như dài bằng cả cuộc đời.
Theo thông tin từ Đại sứ quán VN tại Mỹ, nạn nhân Michelle Võ định cư tại thành phố Los Angeles và là nhân viên của Công ty bảo hiểm NYLife Securities. Ngay sau khi nhận được thông tin có người Việt thiệt mạng trong vụ xả súng, Đại sứ quán VN tại Mỹ đã phối hợp với Tổng lãnh sự quán VN tại San Francisco tiến hành xác định quốc tịch VN của nạn nhân và thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân phù hợp. Ngọc An
Robertson cũng đến Bệnh viện Sunrise và chờ 2 đêm trước khi được báo Michelle Võ không qua khỏi. “Những tiếng kêu khóc của thân nhân trong phòng chờ của bệnh viện, tôi chẳng bao giờ quên được”, anh nhớ lại. Dự tính trở về Ohio nhưng vào phút cuối, Robertson thay đổi ý định và ở lại một đêm nữa vì gia đình Michelle Võ đến gặp. Anh nghĩ rằng họ có thể dựa vào nhau.
“Những phát đạn chẳng bao giờ ngừng”
Đây là năm thứ hai, Robertson tham dự buổi trình diễn ngoài trời ở Las Vegas, sân khấu chỉ là khoảng đất rộng có rào chắn trong một bãi đậu xe. Anh đến nơi cùng nhiều người bạn, trong đó có Dave Knerem - một giáo viên 32 tuổi ở Trường trung học Columbus City, bang Ohio. Tuy nhiên, họ không cùng nhau đến buổi hòa nhạc và không ở cạnh nhau lúc vụ xả súng xảy ra. Sau thảm kịch, cả nhóm liên tục gửi tin nhắn, gọi điện để biết rằng ai nấy đều an toàn.
Sau khi bình minh ló dạng, Knerem nằm trong số những người may mắn, có thể rời được đại lộ Vegas thường đông nghẹt và không bị lỡ chuyến bay về nhà. Anh cùng đám đông buồn thảm đợi ở cổng 23 của phi trường quốc tế McCarran, chờ chuyến bay về Columbus. Hầu hết vẫn còn bị sốc, người này an ủi người kia. Những người không quen tặng thức ăn và nước uống cho nhau. Knerem ngồi đợi loa gọi, những phát súng và tiếng nhạc đồng quê cứ văng vẳng, trộn lẫn trong đầu.
Cũng như nhiều người khác, ban đầu anh ngỡ rằng những tiếng động và ánh sáng bất thường đến từ pháo hoa. Thế rồi có ai đó hét lớn: “Có một tay súng, có một tay súng”. Trong cơn hỗn loạn, người đàn ông cao khoảng 1,83 m, nặng 93 kg bị xô đẩy té nhào xuống đất. Anh nhổm dậy và chạy không ngừng, cho tới khi đến được sòng bạc MGM Grand Casino. “Thật khủng khiếp, tất cả mọi người đều bỏ chạy và la hét, chẳng ai biết phải làm gì”, anh kể với The Dispatch.
Khi thảm kịch qua đi, nhiều người vẫn chưa thể về nhà hay nơi trú chân. Họ đi lang thang, vẻ mặt thất thần, cố tìm hiểu tình hình. Ngay cả khi mặt trời đã mọc, vẫn còn những thi thể trong các xe tải, những vũng máu trên vỉa hè, những người ngồi khóc bên đường. Nhiều người khác gọi tên người thân đã bị lạc. Lực lượng cảnh sát vũ trang canh gác dày đặc các sòng bạc, khách sạn nằm dọc đại lộ.
Adriana Sandoval (32 tuổi), ở Los Angeles, đang ở bên một người bạn giữa đám đông khán giả gần sân khấu thì nghe tiếng súng và nhận thấy những đốm sáng lóe lên từ cửa sổ khách sạn Mandalay Bay. Sandoval và các bạn bị những người chạy trốn khác xô ngã sấp xuống đất 3 lần. Hết lần này đến lần khác, cô cố đứng dậy và chạy cho đến lúc gặp một quầy bán thức ăn, nơi những người bạn ẩn nấp. “Những phát đạn chẳng bao giờ ngưng, chúng chỉ mới bắt đầu thôi”, cô bàng hoàng kể.
Giselle Kurianski và Liz Gonzales, hai cô bạn tuổi đôi mươi từ Whittier, California cũng trong đám đông. Sáng sớm sau vụ thảm sát, họ cùng lẳng lặng đi bộ trên đại lộ, quấn trên người chiếc khăn choàng tắm màu trắng mà các nhân viên của khách sạn - sòng bạc Hooters trao cho những ai cần đến.
Kurianski nói khi nổ ra loạt đạn đầu tiên, cô cùng bạn lập tức nằm xuống đất. “Giống như một trò chơi điện tử, khi bạn nghe tiếng súng, chúng sẽ ngừng một lúc rồi lại bắt đầu. Chúng tôi ngồi dậy và chạy. Tất cả mọi người đều xô đẩy lẫn nhau”. Hai cô gái trốn trong bụi cây gần đó trong khoảng một tiếng đồng hồ, cấp báo cho gia đình qua mạng xã hội và tin nhắn điện thoại. Các nhân chứng khác thì mô tả cảnh chạy tứ tán đến những khách sạn kế cận, chui dưới gầm bàn hay cùng nằm chen chúc trong khu vực kho dưới tầng hầm, cho đến khi vụ bắn giết điên cuồng ngưng lại.

Đến hôm qua, các bệnh viện tại bang Nevada tiếp tục kêu gọi hiến máu để ứng cứu các nạn nhân bị thương nặng, chờ phẫu thuật.
Chuyện về cô gái Việt, nạn nhân vụ thảm sát Las Vegas2
Trên Twitter, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đăng ảnh hiến máu (ảnh) và cho biết các nghị sĩ, quan chức chính phủ Mỹ cũng đã làm tương tự. Theo Reuters, những hàng dài người xuất hiện trước các trung tâm tiếp nhận dã chiến ở Las Vegas trong khi Ngân hàng Máu United Blood Services cho biết họ đã nhận đăng ký hiến máu từ khắp các bang ở Mỹ, thậm chí cả công dân những nước xa xôi như Nhật Bản, Honduras, Venezuela, Brazil và Thụy Sĩ. Thụy Miên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.